Ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép

Lĩnh vực địa chất, khoáng sản 06/06/2019

Hiện nay, tình trạng quy hoạch, khai thác cát, sỏi trên các khu vực cửa sông, cửa biển tràn lan, thiếu khoa học đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các khu rừng phòng hộ ven biển, hệ sinh thái ven biển đang dần bị phá vỡ; tác động từ hoạt động khai thác khoáng sản gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của các loài thủy sản tự nhiên và hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản của người dân. Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ ngành, địa phương liên quan thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá tác động của hoạt động khai thác khoáng sản các khu vực cửa sông, ven biển đến môi trường tự nhiên, hệ sinh thái ven bờ và hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy, hải sản; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, khai thác khoáng sản trái phép và gây ô nhiễm môi trường.

Cát, sỏi lòng sông hình thành và vận động theo quy luật của các dòng sông, luôn tồn tại theo lưu vực sông liên tục từ thượng nguồn đến hạ nguồn mà không phân biệt ranh giới hành chính của các địa phương dọc theo lưu vực sông. Do đó, quản lý cát, sỏi lòng sông phải được xác lập trên tổng thể trên toàn bộ lưu vực sông, không bị chia cắt bởi địa giới hành chính của từng địa phương. Theo phạm vi quản lý hành chính trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã được phân cấp trách nhiệm quản lý cụ thể, trong đó có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với cát, sỏi lòng sông (khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) từ khâu lập quy hoạch (chủ trì lập phương án bảo vệ, quản lý, thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông của các địa phương thuộc lưu vực sông được tích hợp trong quy hoạch tỉnh), là cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông cho đến trách nhiệm bảo vệ tài nguyên cát, sỏi chưa khai thác theo địa bàn quản lý.

Hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông (gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng, bờ, bãi sông) liên quan đến nhiều Bộ, ngành như: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công an, Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...) và giữa Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan như đã nêu trên. Do đó, để thống nhất trong quản lý nhà nước (về tài nguyên và môi trường; quy hoạch cấp phép, bến bãi tập kết vật liệu; công tác kiểm tra giám sát liên ngành về kỹ thật, an toàn trong khai thác khoáng sản...) giữa các Bộ, ban ngành, giữa cơ quan quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động tác động đến lòng, bờ, bãi sông và các cơ quan chính quyền địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ; phân định rõ vị trí, vai trò, chức năng cũng như trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan, tránh trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ nhưng không được thiếu nội dung phân công trách nhiệm quản lý, tạo nên “khoảng trống pháp lý” và tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong công việc.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản, nhất là ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, trong năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, theo đó, đã thể chế hóa 05 chính sách mới, đó là: quản lý cát, sỏi lòng sông gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; thống nhất quản lý, quy hoạch cát, sỏi theo lưu vực sông; quản lý chặt chẽ theo 04 khâu từ quy hoạch đến cấp phép; mua bán, vận chuyển; đẩy mạnh cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác; quy định trách nhiệm cụ thể, rõ ràng của chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp huyện, xã; trách nhiệm của các Bộ, ngành theo hướng mỗi một nhiệm vụ hay một việc chỉ có một cơ quan thực hiện. Trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát và đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản theo hướng quy định chặt chẽ hơn về chế tài xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi gây tổn thất tài nguyên khoáng sản; gây tác động môi trường nghiêm trọng, tiếp tục đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép.