Theo đó, ngày 31 tháng 8 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 1157/TTg-CN giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương lập Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02/NQTW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 02) và chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 02.
Để có thông tin, số liệu phục vụ công tác lập Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Quý Bộ cung cấp các thông tin, số liệu về công tác triển khai, quán triệt Nghị quyết số 02 theo Đề cương báo cáo (tại Phụ lục I kèm theo Công văn này); ngoài các nội dung đánh giá theo Đề cương, các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá thêm về thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết và lĩnh vực quản lý chuyên ngành (theo nội dung tại Phục lục II kèm theo Công văn này).
Các nội dung đề cương tổng kết gồm:
Công tác triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết số 02 của các cấp ủy Đảng theo nội dung hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương tại Văn bản số 20-HD/BTGTW ngày 28 tháng 10 năm 2011; Đối với 05 quan điểm lớn của Đảng về chiến lược khoáng sản và phát triển công nghiệp khai khoáng và 03 Mục tiêu chung và 02 mục tiêu cụ thể; Chương trình, kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết của Đảng bộ, Chi bộ, các cơ quan, đơn vị.
Các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết
Về nhận thức và kết quả của việc thể chế hóa Nghị quyết
Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng trong Nghị quyết số 02 trên các mặt sau đây: Công tác ban hành văn bản chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, các Bộ, ngành trong thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, Chiến lược khoáng sản về khai thác, sử dụng hợp lý, tiết tiệm tài nguyên, bảo đảm an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác,...
Những chuyển biến trong nhận thức về chính sách pháp luật, chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. - Về nhận thức “khoáng sản” trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước; quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả.
Vai trò và tầm quan trọng của Chiến lược khoáng sản đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.
Tác động của ngành công nghiệp khai khoáng đến môi trường, hạ tầng kỹ thuật cũng như các vấn đề về quốc phòng - an ninh.
Về đổi mới cơ chế và chính sách về khoáng sản
Cơ chế, chính sách về đầu tư, khoa học và công nghệ thăm dò và khai thác, chế biến khoáng sản.
Chính sách tài chính.
Chính sách sử dụng khoáng sản.
Chính sách bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; bảo đảm an ninh, quốc phòng, cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa và môi trường
Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản
Công tác rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản.
Công tác lập, phê duyệt và công bố quy hoạch khoáng sản.
Cơ chế, chính sách định hướng phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, bảo đảm sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản.
Một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách; sự phù hợp của cơ chế, chính sách trong hoạt động khoáng sản; ảnh hưởng của chính sách, pháp luật khác liên quan;; về nguồn lực (Công tác đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao; Đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại.); các vấn đề khác (như công tác quy hoạch khoáng sản; việc hình thành các khu công nghiệp khai thác, chế biến sâu khoáng sản mang tính tập trung; công tác bảo vệ môi trường).
Các kiến nghị về sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về khoáng sản và chính sách, pháp luật khác liên quan; về nội dung chính cần đưa vào Nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược khoáng sản trong tình hình mới (thay thế Nghị quyết 02).