Các quy định mới về điều tra, đánh giá khoáng sản đất hiếm, cát biển
Tin tức - Sự kiện 08/01/2025
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đánh giá khoáng sản đất hiếm
Theo Thông tư số 21/2024/TT-BTNMT quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên và thăm dò khoáng sản đất hiếm, công nghệ GeoAI là công nghệ ứng dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo trong các công tác tổng hợp, phân tích dữ liệu địa chất.
Công nghệ này được khuyến khích áp dụng trong suốt quá trình điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản đất hiếm. Yêu cầu chung về việc ứng dụng công nghệ GeoAI như sau: Nhân AI phải đảm bảo tính bảo mật về tài liệu nguyên thủy; Thông tin dữ liệu đầu vào gồm cấu trúc địa chất, thông tin về địa chất, mặt cắt địa chất, số liệu địa hóa, địa vật lý, các công trình khoan, các điểm mỏ khoáng sản, địa chất thủy văn, môi trường và các dữ liệu liên quan khác (nếu cần thiết); Kết quả ứng dụng công nghệ GeoAI cần được đánh giá mức độ tin cậy.
“
Đất hiếm là tên gọi chung của nhóm 17 nguyên tố, bao gồm: Lantan (La), Ceri (Ce), Praseodymi (Pr), Neodymi (Nd), Promethi (Pm), Samari (Sm), Europi (Eu), Gadolini (Gd), Terbi (Tb), Dysprosi (Dy), Holmi (Ho), Erbi (Er), Thuli (Tm), Yterbi (Yb), Luteti (Lu), Scandi (Sc), Yttri (Y).
Khoáng sản đất hiếm nguyên sinh là khoáng sản trong đó các nguyên tố đất hiếm tồn tại trong các khoáng vật.
Khoáng sản đất hiếm dạng hấp phụ ion là khoáng sản trong đó các nguyên tố đất hiếm tồn tại ở dạng ion hấp phụ trên bề mặt các khoáng vật sét có trong thành phần vỏ phong hóa.
Cũng theo Thông tư số 21/2024/TT-BTNMT, nội dung đánh giá khoáng sản đất hiếm gồm: Thu thập, tổng hợp, xử lý, phân tích các tài liệu thu thập được; luận chứng, xác định mạng lưới, phương pháp, khối lượng các hạng mục công việc phục vụ đánh giá khoáng sản đất hiếm; Công tác trắc địa phục vụ địa chất, địa vật lý, công trình khai đảo, khoan;
Lộ trình khảo sát thực địa theo tuyến kết hợp với đo gamma mặt đất, phổ gamma mặt đất tại các khu vực có triển vọng đất hiếm đã được lựa chọn; Đo gamma công trình, gamma mẫu lõi khoan và địa vật lý lỗ khoan nhằm khoanh định quy mô, kích thước các thân quặng đất hiếm trong các công trình khai đào, vị trí thân quặng trong lỗ khoan, xác định các vị trí lấy mẫu phân tích;
Khai đào công trình (vết lộ, hố, hào, giếng), khoan; Lấy mẫu tại các công trình khai đào, khoan để phân tích, xác định hàm lượng đất hiếm; Lấy và phân tích mẫu kỹ thuật; Xác định đặc điểm địa chất thủy văn - địa chất công trình của các loại đá trong khu vực đánh giá khoáng sản đất hiếm; Tổng hợp các tài liệu, kết quả phân tích để khoanh định diện phân bố của đất hiếm đủ điều kiện tính tài nguyên; Khoanh định các khu vực đủ điều kiện chuyển sang thăm dò; Công tác địa chất môi trường…
Trình tự điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển
Theo Thông tư số 32/2024/TT-BTNMT quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển, trình tự điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển được chia thành hai giai đoạn: Điều tra tài nguyên khoáng sản cát biển nhằm dự báo tài nguyên cấp 334a và khoanh định các khu vực có triển vọng để chuyển sang giai đoạn đánh giá; Đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển nhằm làm rõ quy mô, chất lượng khoáng sản cát biển, tính tài nguyên cấp 333, cấp 222 và khoanh định các khu vực đủ điều kiện chuyển giao thăm dò, khai thác.
“
Cát biển là vật liệu bở rời dạng hạt có nguồn gốc tự nhiên được tích tụ ở môi trường biển thuộc phạm vi từ ranh giới cửa sông ra phía biển. Và, ranh giới cửa sông là nơi tiếp giáp giữa sông và biển được xác định bởi đường thẳng nối liền các điểm ngoài cùng của mực nước triều thấp nhất trong nhiều năm ở hai bên bờ sông.
Nội dung điều tra tài nguyên khoáng sản cát biển gồm: Công tác văn phòng trước thực địa; Công tác trắc địa; Công tác địa vật lý; Đo địa chấn nông phân giải cao; Đo sonar quét sườn; Công tác địa chất Thành lập bản đồ trầm tích tầng mặt, bản đồ phân vùng triển vọng và dự báo tài nguyên cấp 334a tỷ lệ 1:50.000; Thi công công trình điều tra, lấy mẫu trong công trình điều tra; Lấy, gia công và phân tích mẫu; Tổng hợp tài liệu, tính tài nguyên cấp 334a, khoanh định, đề xuất các khu vực có triển vọng.
Trong đó, công tác văn phòng trước thực địa gồm các bước như: Thu thập các tài liệu về địa chất, khoáng sản, môi trường, địa chất công trình, hải văn và các tài liệu liên quan khác; Tổng hợp, xử lý, phân tích, dự kiến các khu vực có khoáng sản cát biển dựa trên các tiền đề, dấu hiệu địa chất, địa vật lý.
Cũng theo Thông tư số 32/2024/TT-BTNMT, khi lập đề án điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển phải thu thập, tổng hợp, xử lý tài liệu như: Thu thập, tổng hợp các tài liệu nghiên cứu, điều tra địa chất, khoáng sản, môi trường khu vực điều tra, đánh giá; Thu thập các tài liệu về đặc điểm địa hình, địa mạo, độ sâu đáy biển; đặc điểm khí hậu, chế độ thủy, hải văn khu vực điều tra, đánh giá; Thu thập tài liệu về đặc điểm kinh tế, nhân văn; cơ sở hạ tầng, các hoạt động kinh tế, bảo vệ môi trường ven biển; mạng lưới giao thông thủy, bộ có liên quan khu vực điều tra, đánh giá;
Tổng hợp, xử lý tài liệu, khoanh định dự kiến các khu vực có triển vọng để điều tra, đánh giá; Khảo sát sơ bộ xác định bổ sung điều kiện thi công đề án; Phân tích, tổng hợp các tài liệu, thành lập sơ đồ hiện trạng khu vực điều tra, đánh giá, sơ đồ địa chất và khoáng sản, sơ đồ dự kiến các khu vực điều tra, đánh giá, sơ đồ dự kiến bố trí công trình các khu vực điều tra, đánh giá.
Nguồn: Phạm Oanh, Báo điện tử tài nguyên môi trường
TIN LIÊN QUAN
- Ban hành Nghị định số 05/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT
- Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường
- Hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản
- Bộ Tài chính bãi bỏ 12 Thông tư trong lĩnh vực tài chính đất đai
- Tổng kết công tác phối hợp ban hành các Luật, Nghị quyết lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV