Sự cần thiết ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 02/2013/TT-BTNMT và Thông tư số 61/2017/TT-BTNMT

Lĩnh vực địa chất, khoáng sản 10/12/2020

Qua thực tiễn sau một thời gian thực hiện, một số quy định tại các Thông tư nêu trên không còn phù hợp với thực tiễn công tác quản lý và hoạt động khai thác khoáng sản hiện nay, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trong quá trình thực tế triển khai. Việc xây dựng để ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư là hết sức cần thiết để thống nhất thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Khoáng sản là tài sản hữu hình, tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý. Mặt khác, đây là tài sản hầu hết không tái tạo và hữu hạn nên cần được quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả. Nhà nước không trực tiếp quản lý và đầu tư khai thác khoáng sản mà giao cho tổ chức, cá nhân (tổ chức, cá nhân của Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân ngoài quốc doanh) quản lý, khai thác thông qua Giấy phép khai thác khoáng sản.

Theo quy định của pháp luật về khoáng sản, khi được Nhà nước giao tài sản là khoáng sản, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm quản lý tốt khối tài sản (trữ lượng khoáng sản được phép khai thác), đồng thời tổ chức khai thác triệt để thu hồi tối đa khoáng sản chính cũng như khoáng sản đi kèm và thường xuyên báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về sản lượng khai thác hàng năm, sự biến động chất lượng, trữ lượng khoáng sản nằm trong khu vực được phép khai thác thông qua báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản và báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng để giúp nhà nước quản lý được sự “biến động tài sản” là khoáng sản sau khi giao cho các tổ chức, cá nhân. Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 63 Luật Khoáng sản, ngày 01 tháng 3 năm 2013, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 02/2013/TT-BTNMT quy định về việc lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản nêu trên.

Sau khi được cấp phép khai thác, ngoài trách nhiệm phải lập bản đồ hiện trạng, mặt cắt hiện trạng khu vực khai thác, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác như đã nêu trên, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế và kê khai hàng tháng để thực hiện nghĩa vụ thuế tài nguyên khoáng sản theo quy định. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều tổ chức, cá nhân kê khai không đúng sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, đồng thời chưa có quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong việc lập hồ sơ, chứng từ, sổ sách về mặt kỹ thuật cũng như tài chính làm cơ sở thực hiện. Do đó, tại Điều 41, 42 và Điều 43 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản đã quy định trách nhiệm của tổ chức cá nhân trong việc xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế. Theo đó, thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 43 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP nêu trên, ngày 22 tháng 12 năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 61/2017/TT-BTNMT hướng dẫn quy trình, phương pháp xác định và các biểu mẫu thống kê sản lượng khai thác khoáng sản thực tế.

Sau 07 năm thực hiện Thông tư số 02/2013/TT-BTNMT và 03 năm thực hiện Thông tư số 61/2017/TT-BTNMT nêu trên cho thấy, bên cạnh hiệu quả trong việc nâng cao ý thực trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong việc quản lý “tài sản công” là khoáng sản, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản từ Trung ương tới địa phương, đặc biệt là vấn đề kiểm soát sản lượng khai thác hàng năm, việc lắp đặt camera giám sát, lắp đặt trạm cân để kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; việc lập bản đồ hiện trạng, mặt cắt hiện trạng cũng như lập sổ sách, chứng từ; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động khoáng sản tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất. Tuy nhiên, qua thực tiễn sau một thời gian thực hiện, một số quy định tại các Thông tư nêu trên không còn phù hợp với thực tiễn công tác quản lý và hoạt động khai thác khoáng sản hiện nay, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trong quá trình thực tế triển khai.

Với những lý do nêu trên, việc xây dựng để ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư nêu trên là hết sức cần thiết để thống nhất thực hiện trên phạm vi toàn quốc.