Trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Lĩnh vực địa chất, khoáng sản 30/11/2020

Ngày 30/11/2020, Bộ TN&MT đã hoàn thiện, trình Chính phủ Tờ trình về việc ban hành Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Theo đó, Bộ đã tổng hợp, báo cáo Chín phủ về sự cần thiết; những điểm bất cập trong các quy định của Nghị định 22/2012/NĐ-CP với Luật Đấu giá tài sản; những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 22/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn.

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP được xây dựng trên tinh thần đáp ứng được những mục tiêu cơ bản là: Phù hợp với quy định của Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2016; Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá và các tổ chức, cá nhân có liên quan; Tạo hành lang pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản.

Việc xây dựng Dự thảo Nghị định đảm bảo các nguyên tắc: (i) Nội dung Dự thảo Nghị định không trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Khoáng sản, Luật Đấu giá tài sản và Luật Ngân sách nhà nước; tránh chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam. Đồng thời phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. (ii) Các quy định trong các điều, khoản của Dự thảo Nghị định phải rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ, dễ hiểu, dễ kiểm tra, đánh giá cho mọi đối tượng áp dụng; đảm bảo tính hợp lý thống nhất giữa các điều, khoản của Dự thảo Nghị định, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi trong thực hiện. (iii) Kế thừa, sửa đổi các quy định hiện hành của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ và Thông tư số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC ngày 09/9/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính hiện vẫn còn phù hợp; bổ sung những nội dung chưa được quy định và quy định chưa rõ nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở các quy định của Luật Đấu giá tài sản; tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện các Nghị định khác của Chính phủ, các Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường phù hợp với thực tế và các quy định pháp luật; tổ chức các cuộc họp, hội thảo để lấy ý kiến đóng góp bằng văn bản của các cơ quan, đơn vị và các tổ chức liên quan. Quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, tuân thủ đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời tiến hành rà soát, đối chiếu kỹ nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Về bố cục, Nghị định thay thế nghị định số 22/2012/NĐ-CP gồm 06 chương, 39 Điều, cụ thể như sau:

Chương I: Những quy định chung, gồm 12 Điều (từ Điều 1 đến Điều 12)

Chương II: Tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gồm 05 Điều (từ Điều 13 đến Điều 17)

Chương III: Trình tự, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gồm 11 Điều (từ Điều 18 đến Điều 28)

Chương IV: Phương pháp tính, phương thức thu, nộp tiền  trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gồm 05 Điều (từ Điều 29 đến Điều 33)

Chương V: Trách nhiệm thi hành, 01 Điều (Điều 34)

Chương VI: Điều khoản thi hành, gồm 05 Điều (từ Điều 35 đến 39)

Một số nội dung mới so với Nghị định số 22/2012/NĐ-CP, gồm: (1) Định nghĩa, làm rõ khái niệm về “Quyền khai thác khoáng sản” quy định tại khoản 1 Điều 3. (2) Định nghĩa, làm rõ khái niệm về tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Theo đó, tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản “sau khi” đã nộp tiền trúng đấu giá vào ngân sách nhà nước nhưng không thể tiến hành khai thác do trường hợp “bất khả kháng” sẽ được điều chỉnh, hoàn trả tiền trúng đấu giá. (3) Quy định về hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện theo hình thức: đấu giá bằng  bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá; đấu giá trực tuyến. (4) Quy định về việc đánh giá tài nguyên, trữ lượng đưa ra đấu giá, theo đó, đối với khu vực chưa thăm dò khoáng sản thì tài nguyên khoáng sản đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải được đánh giá mức độ tài nguyên cấp 333 đối với khoáng sản rắn; tài nguyên cấp C1 đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên; đối với khu vực đã có kết quả thăm dò được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì trữ lượng khoáng sản đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải được đánh giá mức độ trữ lượng cấp 122 đối với khoáng sản rắn; trữ lượng cấp B đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên. Đây là yếu tố cơ bản để xác định giá khởi điểm của mỏ đưa ra đấu giá. (5) Quy định về xử lý tiền đặt cọc: Theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, trường hợp trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mua tài sản đấu giá sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, đấu giá quyền khai thác khoáng sản có mức độ rủi ro cao, có thể phát sinh những tình huống dẫn đến việc tổ chức, cá nhân trúng đấu giá không thể triển khai được dự án: kết quả thăm dò không có trữ lượng, hoặc việc khai thác không đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, hoặc Giấy phép thăm dò có thể bị thu hồi khi khu vực được phép thăm dò khoáng sản bị công bố là khu vực cấm hoạt động khoáng sản hoặc khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Do đó, đề xuất hoàn trả tiền đặt cọc trong các trường hợp: đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trúng đấu giá lần đầu; kết quả thăm dò không cho hiệu quả kinh tế - xã hội; cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi Giấy phép thăm dò theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 46 Luật Khoáng sản. Mặt khác, nhằm bảo đảm tính răn đe, ngăn ngừa các hành vi cố tình không thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Đề xuất tịch thu tiền đặt cọc trong các trường hợp: không nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định (kể cả đã nộp nhưng không hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); Giấy phép thăm dò khoáng sản bị thu hồi theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 46 Luật Khoáng sản. (6) Về thời hạn nộp hồ sơ cấp Giấy phép thăm dò, cấp Giấy phép khai thác sau khi trúng đấu giá: Sau khi trúng đấu giá, tổ thức, cá nhân phải lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò, Giấy phép khai thác; các công việc như lập, phê duyệt dự án đầu tư; chấp thuận chủ trương đầu tư; thẩm định thiết kế cơ sở; lập, thẩm định và phê duyệt ĐTM và CPM..., tốn nhiều thời gian, có trường hợp gặp khó khăn khi lấy ý kiến của động đồng dân cư. Do đó, tại dự thảo Nghị định lần này được sửa đổi theo hướng kéo dài thời gian nộp hồ sơ là 12 tháng (thăm dò) và 18 tháng (khai thác), trường hợp phát sinh vướng mắc có thể gia hạn tối đa không quá 06 tháng; nhằm bảo đảm tổ chức, cá nhân trúng đấu giá có đủ thời gian lập hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định. (7) Theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, việc bán và tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá liên tục từ ngày niêm yết cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày. Tuy nhiên, đấu giá quyền khai thác khoáng sản có tính chất đặc thù, sau khi kết thúc tiếp nhận hồ sơ phải tổ chức xét chọn để lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ điều kiện tham gia đấu giá, thông báo kết quả xét chọn hồ sơ, nộp tiền đặt trước. Do đó, đề xuất thời gian tiếp nhận hồ sơ liên tục cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 15 ngày làm việc, nhằm bảo đảm thời gian xét chọn hồ sơ, chuẩn bị cho cuộc đấu giá (Dự kiến: hoàn thành phương án xét chọn là 05 ngày; thông báo kết quả xét chọn 07 ngày; thời gian nộp tiền đặt trước 03 ngày). (8) Quy định về hủy kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với một số trường hợp: không nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản; hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản hợp lệ, đầy đủ theo quy định cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định; các trường hợp quy định tại Điều 72 Luật Đấu giá tài sản. (9) Về cách xác định tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản được sửa đổi theo hướng tiền trúng đấu giá được xác định theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Trong đó, mức thu tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được áp dụng ổn định trong suốt thời gian được cấp phép khai thác, trong diện tích khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản. (10) Về phương thức thu, nộp tiền trúng đấu giá được sửa đổi tại dự thảo Nghị định lần này theo hướng có phương thức thu, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quy định tại Nghị định số 67/2019/NĐ-CP của Chính phủ; đảm bảo phù hợp, bình đẳng đối với tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản không thông qua đấu giá (Tổ chức, cá nhân trúng đấu giá vẫn phải thực hiện các thủ tục để được cấp phép khai thác khoáng sản, thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác; trong khi đó phải nộp tiền trúng đấu giá cao hơn so với tổ chức, cá nhân được cấp phép không qua đấu giá). (11) Quy định việc điều chỉnh, hoàn trả tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng để thuê đất đối với các dự án khai thác và đấu giá quyền khai thác khoáng sản của địa phương.

Về thủ tục hành chính, trong quá trình xây dựng, soạn thảo dự thảo Nghị định, Bộ đã nghiên cứu về những thủ tục hành chính được quy định trong dự thảo Nghị định. Theo đó, có các thủ tục hành chính về quy trình: Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản; Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, việc xây dựng các thủ tục hành chính này về cơ bản tuân thủ theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Đấu giá tài sản, đặc biệt là các thủ tục hành chính này vẫn giữ nguyên theo Nghị định số 22/2012/NĐ-CP và đã được Bộ ban hành theo Quyết định số 2528/QĐ-BTNMT ngày 18 tháng 10 năm 2020 (không phát sinh thêm thời gian, thủ tục nào khác). Đồng thời, trong quá trình họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Bộ đã đề nghị và không thực hiện đánh giá thủ tục hành chính đối với đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Riêng thủ tục hành chính về cấp phép khai thác khoáng sản thu hồi bã xít (đá xít), bã sàng, đất đá thải làm vật liệu san lấp, về cơ bản quy trình này đã được đánh giá thủ tục hành chính khi ban hành Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, không phải đánh giá lại.