Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp sáng 12/6/2019
Nghị định sẽ thể hiện được quan điểm nhà nước về quy hoạch tổng thể tài nguyên cát, sỏi theo lưu vực sông đồng thời gắn với trách nhiệm quản lý theo địa giới hành chính của các cấp chính quyền địa phương từ khi lập quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác cát cho đến hoạt động vận chuyển và mua bán.
Nghị định được áp dụng với các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản, tài nguyên nước; các cơ quan khác có liên quan đến công tác quản lý cát, sỏi lòng sông, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông; khai thác khoáng sản khác trên sông.
Đặc biệt, dự thảo quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp và các Bộ, ngành liên quan; quy chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố có chung gianh giới là các dòng sông cũng như trách nhiệm đứng đầu của Ủy ban nhân dân các cấp. Khi UBND cấp tỉnh khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản đối với cát, sỏi lòng sông (gồm cả khoáng sản khác trên sông) phải căn cứ vào đặc điểm địa hình, địa chất, hình thái của dòng sông cũng như chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông.
Toàn cảnh cuộc họp sáng ngày 12/6/2019
Dự thảo Nghị định quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Theo đó, đã thể chế hóa 05 chính sách mới, đó là: quản lý cát, sỏi lòng sông gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; thống nhất quản lý, quy hoạch cát, sỏi theo lưu vực sông; quản lý chặt chẽ theo 04 khâu từ quy hoạch đến cấp phép; mua bán, vận chuyển; đẩy mạnh cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác; quy định trách nhiệm cụ thể, rõ ràng của chính quyền địa phương các cấp, nhất là cấp huyện, xã; trách nhiệm của các Bộ, ngành theo hướng mỗi một nhiệm vụ hay một việc chỉ có một cơ quan thực hiện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang rà soát và đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2017/NĐ-CP theo hướng quy định chặt chẽ hơn về chế tài xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi gây tổn thất tài nguyên khoáng sản; gây tác động môi trường nghiêm trọng, tiếp tục đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong dự thảo Nghị định cần làm rõ quy định "trong các hoạt động quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông nếu có sai phạm thì chỉ ra được đơn vị đầu mối có đủ trách nhiệm, phương tiện, thẩm quyền để xử phạt; đơn vị có đủ năng lực để kiểm tra trong các vấn đề về quy định kỹ thuật, thăm dò, đánh giá".
Dự thảo Nghị định cần thể hiện được sự trách nhiệm, bình đẳng cho các đơn vị có liên quan trong các vấn đề về cơ chế tài chính cấp quyền, thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai… Dự thảo Nghị định cũng cần đưa vào các quy định: "Cấm khai thác đêm; công bố các quy hoạch, giấy phép khai thác, lộ trình, thời gian khai thác cho người dân địa phương được biết,…"; đồng thời cần tuân thủ các quy định về bảo vệ an toàn đê điều và các công trình khác có liên quan theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, giao thông đường thủy nội địa, đê điều và phòng chống thiên tai...