Tăng cường công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, cát lòng sông

Lĩnh vực địa chất, khoáng sản 16/09/2019

Tình hình sạt lở bờ sông, rừng bị tàn phá diễn ra ngày càng phức tạp, manh động và khó lường. Các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, cát lòng sông, đặt biệt là quản lý, kiểm soát vai trò trách nhiệm, ý thức đạo đức, hiệu lực, hiệu quả công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thực thi quản lý nhà nước.

Khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra tại nhiều địa phương trong cả nước (đến năm 2018 vẫn có trên 30 tỉnh có khai thác khoáng sản trái phép; riêng cát, sỏi lòng sông khoảng trên 20 tỉnh). Khai thác trái phép chưa được giải quyết triệt để, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái diễn; công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép ngày càng khó khăn, phức tạp. Hậu quả là gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm nguồn nước, sạt lở bò sông, bãi sông...

Nguyên nhân của tình trạng này gồm: (1) nhu cầu sử dụng cát, sỏi làm vật liệu san lấp, xây dựng công trình hạ tầng ngày càng lớn, cung không đủ cầu; (2) công nghệ khai thác cát, sỏi lòng sông đơn giản, phương tiện khai thác cát, sỏi gọn nhẹ và linh hoạt; (3) hoạt động khai thác trái phép diễn ra bất kể ngày - đêm, kể cả những ngày lễ, gây khó khăn cho cơ quan chức năng; (4) nhiều địa phương chưa kiên quyết xử lý người đứng đầu địa phương, nhất là cấp xã; chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các địa phương, nhất là khu vực giáp ranh, chưa xử lý kiên quyết, kịp thời đối với hành vi khai thác trái phép; (5) để ngăn chặn hiệu quả khai thác cát, sỏi trái phép phải quản lý chặt chẽ từ khâu mua bán, vận chuyển, tập kết.

Chính phủ đã quy định cụ thể trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản, đồng thời đã bổ sung hành vi, tăng mức xử phạt đối với một số hành vi, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép lên 2-3 lần trong Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Thủ tướng Chính phủ đă ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 về tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì 01 cuộc họp trực tuyến các Bộ, ngành liên quan với 63 tỉnh thành phố; 02 cuộc họp trực tiếp với các tỉnh, thành phố có hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép kéo dài, phức tạp (mới đây là 3/4/2019) đê bàn các giải pháp ngăn chặn vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Thông báo số 142/TB-VPCP ngày 12/4/2019, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham gia cùng Bộ Công an và các Bộ liên quan kiểm tra tình hình quản lý cát, sỏi lòng sông tại 15 tỉnh, thành phố cả nước.

Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới: Các địa phương, các Bộ liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 03 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Thông báo số 142/TB-VPCP ngày 12/4/2019; các địa phương tiếp tục ban hành quy chế phối hợp trong quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản (đến nay đã có 45 tỉnh, thành phố ký kết 35 quy chế phối hợp quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông tại các khu vực giáp ranh); cương quyết xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép; Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra một số địa phương để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, gây bức xúc dư luận, kiến nghị xử lý theo quy định.

Để giải quyết căn cơ vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đă trình Chính phủ dự thảo Nghị định quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông đã trình Chính phủ xem xét, hiện nay đang được hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành. 05 chính sách lớn của dự thảo Nghị định gồm: (1) quản lý cát, sỏi theo quy định Luật khoáng sản gắn với trách nhiệm bảo vệ lòng bờ, bãi sông theo quy định của Luật tài nguyên nước; (2) quản lý, cấp phép, sử dụng cát, sỏi lòng sông trên lưu vực sông phải gắn với trách nhiệm của địa phương theo địa giới hành chính; (3) quản lý cát, sỏi lòng sông chặt chẽ từ lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác đến hoạt động mua bán, vận chuyển, tập kết; (4) cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi chủ yếu thông qua hình thức đấu giá; (5) khuyến khích sử dụng nguyên liệu thay thế cát, sỏi lòng sông từ đá và vật liệu giàu silic.