Bộ TN&MT tiếp tục tập huấn về quy trình ban hành và kiểm tra văn bản pháp luật
Tin tức - Sự kiện 18/11/2024
Quy trình ban hành văn bản pháp luật
Theo bà Nguyễn Trà My, Phó Trưởng phòng Phòng Đánh giá tác động thủ tục hành chính (TTHC) và Tổng hợp, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), hiện nay, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết đều trải qua 2 giai đoạn là lập đề nghị và soạn thảo.
Trong đó, giai đoạn lập đề nghị sẽ có các bước như: Lấy hồ sơ lập đề nghị (tổng kết thi hành, khảo sát, đánh giá thi hành, nghiên cứu tài liệu, xâu dựng chính sách, đánh giá nội dung của chính sách); Lấy ý kiến đề nghị xây dựng; Thẩm định đề nghị xây dựng; Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị.
“
Chậm nhất vào ngày 31/12 hằng năm, bộ, cơ quan ngang bộ gửi hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã được chỉnh lý theo nghị quyết của Chính phủ đến Bộ Tư pháp; Chậm nhất vào ngày 1/3 của năm trước, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh phải được gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội để lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đồng thời được gửi đến Ủy ban pháp luật của Quốc hội để thẩm tra.
Ở giai đoạn soạn thảo có những bước như: Thành lập Ban soạn thảo và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo; Lấy ý kiến; Thẩm định; Chính phủ xem xét, quyết định việc trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; Thẩm tra; Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, cuối cùng là thông qua dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.
Bà Nguyễn Trà My nhấn mạnh, ở cả hai giai đoạn lập đề nghị và soạn thảo chính sách đều có đánh giá tác động chính sách. Đánh giá tác động của chính sách phải thể hiện được các nội dung về: Tác động đối với hệ thống pháp luật; Tác động về kinh tế - xã hội, được đánh giá trên cơ sở phân tích chi phí, lợi ích, tác động tích cực, tiêu cực về một hoặc một số nội dung liên quan đến sản xuất, kinh doanh, việc làm, dân tộc, tôn giáo, văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường, quốc phòng, an ninh…; Tác động của thủ tục hành chính (TTHC) được đánh giá trên cơ sở phân tích về sự cần thiết, tính hợp lý và chi phí tuân thủ của thủ tục hành chính để thực hiện chính sách; Tác động về giới (bình đẳng giới, nếu có).
Theo bà Nguyễn Trà My, việc đánh giá tác động TTHC có vai trò quan trọng, nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan lập đề nghị xây dựng chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án, dự thảo văn bản, định hướng việc quy định TTHC theo hướng tối ưu; nâng cao chất lượng các quy định về TTHC và bảo đảm tính khả thi trong thực tế. Đồng thời góp phần kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định TTHC và chỉ duy trì những TTHC thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ thấp nhất theo chỉ đạo của Chính phủ. “Thời điểm đánh giá tác động TTHC được tiến hành trong quá trình soạn thảo dự án, dự thảo văn bản và phải hoàn thiện trước khi gửi hồ sơ cho cơ quan thẩm định”, bà Nguyễn Trà My lưu ý.
Còn đánh giá tác động về giới chính là những phân tích về cơ hội, điều kiện, năng lực thực hiện và hưởng thụ các quyền, lợi ích của mỗi giới với các đề xuất chính sách. Có thể lấý ví dụ như Luật Đất đai với quy định việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải có tê đầy đủ của cả chồng và vợ. Từ góc độ bình đẳng giới nhận thấy quy định này đảm bảo cơ hội bình đăng cho cả nam và nữ về khả năng tiếp cận quyền sử dụng đất. Từ góc độ kinh tế thì quy định này cho phép phụ nữ sủ dụng quyền sử dụng đất làm tài sả thế chấp để tiếp cận tín dụng. Quy định cũng giúp giảm chi phí tranh chấp đất đai trong các vụ án dân sự….
Kiểm tra văn bản pháp luật
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã được tập huấn, hướng dẫn cụ thể về công tác kiểm tra văn bản pháp luật. Theo TS. Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kiểm tra văn bản pháp luật là một nhiệm vụ phức tạp, mang tính chuyên môn, nghiệp vụ cao, được thực hiện thường xuyên, kịp thời nhằm phát hiện những nội dung trái luật để xử lý bằng các hình thức: ngưng hiệu lực hoặc đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ văn bản sai trái, đính chính văn bản nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Đối tượng của hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản, gồm: Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND; Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật; văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc có thể thức như văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, người không có thẩm quyền ban hành.
Phương thức để kiểm tra văn bản gồm tự kiểm tra văn bản và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền. Hiện nay, song song với việc thực hiện nghiêm các nguyên tắc kiểm tra văn bản thì việc đa dạng hóa và kết hợp linh hoạt các phương thức kiểm tra văn bản là một yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng và hiệu quả của công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Trong đó, tự kiểm tra văn bản là hoạt động được thực hiện bởi cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành hoặc liên tịch ban hành văn bản được kiểm tra với tinh thần là tự xem xét, đánh giá tính hợp pháp của văn bản do mình đã ban hành. Tự kiểm tra giúp cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản đó phát hiện nội dung không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản do mình ban hành một cách sớm nhất, nhanh nhất để có biện pháp xử lý kịp thời ngay tại nơi văn bản đó được ban hành.
“
Việc tự kiểm tra văn bản ngay sau khi ban hành có thể tránh được hậu quả do nội dung trái pháp luật gây ra. Hoạt động tự kiểm tra đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và đề cao ý thức chấp hành đầy đủ trình tự, thủ tục từ quá trình tham mưu, soạn thảo, thẩm định, ký ban hành văn bản, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng văn bản ở cơ quan, từ đó tạo lập một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch.
Cũng theo TS. Nguyễn Quỳnh Liên, Bộ TN&MT tổ chức tự kiểm tra khi ban hành văn bản, văn bản liên tịch hoặc nhận được yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các phương tiện thông tin đại chúng về văn bản do mình ban hành có dấu hiệu trái pháp luật hoặc không còn phù hợp. Các văn bản thuộc thẩm quyền tự kiểm tra của Bộ trưởng Bộ TN&MT bao gồm: Thông tư do Bộ Trưởng Bộ TN&MT ban hành hoặc Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng Bộ TN&MT với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Vụ trưởng Vụ Pháp chế sẽ là đầu mối giúp Bộ trưởng tổ chức việc tự kiểm tra văn bản này.
Còn kiểm tra văn bản theo thẩm quyền là hoạt động xem xét, đánh giá và kết luận về tính hợp pháp của văn bản được kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền ở bộ, ngành, địa phương đối với các văn bản có quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương mình. Phương thức này nhằm bảo đảm nội dung của văn bản đã ban hành phù hợp với pháp luật về lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành có liên quan trong văn bản đó; bảo đảm sự phù hợp của văn bản được ban hành với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Hoạt động kiểm tra theo thẩm quyền thực chất là sự “kiểm soát chéo” giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện pháp luật và có thể từ hoạt động này mà những nội dung không phù hợp với pháp luật không được phát hiện ở giai đoạn tự kiểm tra sẽ được xem xét, đánh giá lại, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản. “Bộ trưởng Bộ TN&MT có trách nhiệm kiểm tra theo thẩm quyền đối với văn bản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ban hành về những nội dung có liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình phục trách. Vụ trưởng Vụ Pháp chế có trách nhiệm giúp Bộ trưởng triển khai hoạt động kiểm tra theo thẩm quyền”, TS. Nguyễn Quỳnh Liên cho biết.
“
Từ ngày 14 đến ngày 16/11, tại Ninh Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị lập Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và theo dõi thi hành pháp luật của Bộ TN&MT nhằm trao đổi, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về một số công tác pháp chế cho công chức, viên chức của các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT.
Nguồn: Phạm Oanh, Báo điện tử tài nguyên môi trường
TIN LIÊN QUAN
- Xây dựng văn bản pháp luật năm 2025 và theo dõi thi hành pháp luật Bộ TN&MT
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
- Khẩn trương hoàn thiện quy định giao khu vực biển để điều tra, khảo sát phục vụ lập dự án điện gió trên biển
- Bộ trưởng Đỗ Đức Duy làm rõ quy định thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất
- Thúc đẩy đô thị hóa, giải quyết nhu cầu đất ở, nhà ở cho nhân dân