Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản

Lĩnh vực địa chất, khoáng sản 28/08/2020

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị thay thế Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản (Chỉ thị số 03).

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2017 giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan đánh giá toàn diện việc thực hiện Chỉ thị số 03. Thực hiện nhiệm vụ trên, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ liên quan đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 03. Ngày 16 tháng 11 năm 2017, Bộ Công Thương đã có Báo cáo số 111/BC-BCT gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Chỉ thị số 03, đồng thời xét đề nghị của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tiếp tục xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị thay thế Chỉ thị số 03 tại Văn bản số 790/VPCP-CN nêu trên.

Sau khi được giao nhiệm vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, tổng hợp nội dung báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị số 03 trong báo cáo công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên phạm vi cả nước năm 2018 để bổ sung, cập nhật thông tin. Trên cơ sở tiếp thu các kiến nghị, đề xuất nêu trong Báo cáo số 111/BC-BCT nêu trên của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự thảo (lần 1) Chỉ thị về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Ngày 30 tháng 01 năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 502/BTNMT-ĐCKS gửi các Bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi tắt là UBND cấp tỉnh) để lấy ý kiến về nội dung Dự thảo Chỉ thị. Đến nay, Bộ đã nhận được ý kiến góp ý của 05 Bộ gồm: Công Thương; Xây dựng; Giao thông vận tải; Tài chính; Lao động - Thương binh và Xã hội và ý kiến của 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ năm 2018 đến nay, một số nhiệm vụ xây dựng văn bản QPPL nêu trong Báo cáo số 111/BC-BCT nêu trên đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Theo đó, Bộ đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành 03 Nghị định cụ thể là: (1) số 67/2019/ NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2019 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (thay thế Nghị định số 203/2013/NĐ-CP); (2) số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; (3) số 36/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (thay thế Nghị định số 33/2017/NĐ-CP). Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ cũng có nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhất là đối với cát, sỏi lòng sông. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát các nội dung thuộc trách nhiệm, quyền hạn của các Bộ, ngành, địa phương trong các văn bản QPPL nêu trên, đối chiếu với các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Dự thảo (lần 1) Chỉ thị để bổ sung, cập nhật và hoàn thiện dự thảo trong nội dung Dự thảo Chỉ thị (lần 2) với tên gọi "Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu về khoáng sản” trình Thủ tướng Chính phủ.

Về sự cần thiết phải ban hành Chỉ thị

Ngay sau khi Chỉ thị số 03 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các Bộ, ngành liên quan, UBND cấp tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao. Theo đó, các Bộ, ngành có liên quan, UBND cấp tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến văn bản QPPL về khoáng sản; hầu hết các địa phương đã ban hành các văn bản triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao thuộc thẩm quyền nhằm tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản trên địa bàn địa phương. Từ năm 2015 đến nay, hàng năm các Bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh đều gửi báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 03 về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp số liệu, thông tin tình hình thực hiện Chị thị số 03 và đưa vào nội dung “Báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản trên phạm vi toàn quốc” hàng năm, trình Thủ tướng Chính phủ.

Về thực hiện trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Về việc thực hiện trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương

Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 03 của Thủ tướng Chính phủ, các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chỉ thị đã được tất cả các Bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh triển khai thực hiện. Nhờ đó, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống văn bản QPPL về khoáng sản từng bước được hoàn thiện; các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản đã chú trọng đầu tư công nghệ khai thác, chế biến, làm tăng giá trị khoáng sản, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu; công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản tiếp tục được đẩy mạnh; công nghiệp khai khoáng đã có đóng góp nhất định cho sự phát triển ổn định về kinh tế - xã hội đất nước.

Tuy nhiên, hoạt động khoáng sản và công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn một số tồn tại, hạn chế như: còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến gắn với công tác bảo vệ môi trường, chưa thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ khi kết thúc khai thác theo quy định; hoạt động khai thác trái phép đã giảm nhưng chưa ngăn chặn triệt để, nhất là khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông còn diễn biến phức tạp; công tác cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa nhiều; tình trạng vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép chưa được khắc phục triệt để.

Như vậy, đến nay cơ bản hệ thống văn bản QPPL về khoáng sản đã được hoàn thiện, đã tạo nên hành lang pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản và phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, chế biến, sử dụng khoáng sản theo hướng bền vững. Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản điều quan trọng là phải tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản trong thời gian tới. Do đó, việc ban hành một Chỉ thị mới với tên gọi "Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu về khoáng sản” để thay thế Chỉ thị số 03 là cần thiết.

Về các nội dung chính của dự thảo Chỉ thị

Chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02- NQ/TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đển năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.

Về nội dung, ngoài Phần mở đầu khái quát bối cảnh ban hành Chỉ thị, đánh giá ngắn gọn kết quả đạt được khi thực hiện Chỉ thị 03 trong công tác xây dựng, trình ban hành văn bản QPPL về khoáng sản; những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản cần tiếp tục tăng cường; Dự thảo (lần 2) Chỉ thị có các nội dung chủ yếu liên quan đến các nội dung:

Tổng kết 09 năm thi hành Luật Khoáng sản; đề xuất Quốc hội chương trình xây dựng Luật Khoáng sản mới thay thế Luật Khoáng sản năm 2010.

Giao nhiệm vụ lập Quy hoạch khoáng sản theo quy định của Luật Quy hoạch và chỉ đạo của Chính phủ; rà soát quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền đã phê duyệt; việc bổ sung vào Quy hoạch đối với những dự án chế biến khoáng sản phải chứng minh có nguồn nguyên liệu khả thi, công nghệ chế biến tiên tiến, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Đẩy mạnh thực hiện công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; kiểm soát sản lượng khai thác; hạn chế tối đa khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ; thực hiện nghiêm việc đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường. Xử lý nghiêm, đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với các cơ sở khai thác lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường.

Xây dựng để ban hành quy định chi tiết về mức độ tuyển, chế biến để xuất khẩu một số loại khoáng sản, trong đó có đá khối, đá ốp lát có quy mô lớn, nhu cầu trong nước không cao, các mỏ khoáng sản chế biến không có hiệu quả và dễ gây ô nhiễm môi trường.

Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các loại vật liệu thay thế cát xây dựng; đảm bảo cân đối cung cầu xây dựng trong nước.

Tổ chức triển khai Nghị định số 23/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

Rà soát tổng thể chính sách tài chính trong hoạt động khoáng sản làm cơ sở đề xuất điều chỉnh phù hợp với thực tế, thúc đẩy phát triển.

Kiểm tra việc trồng rừng thay thế đối với các diện tích đã chuyển đổi mục đích để khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện. Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong lĩnh vực khai khoáng.