Về định hướng, bên cạnh việc đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khoáng sản năm 2010 nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong Nghị quyết của Bộ Chính trị về khoáng sản; đồng thời xem xét đổi tên Luật khoáng sản thành Luật địa chất và tài nguyên khoáng sản nhằm mục tiêu phát huy toàn diện công tác điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khoáng sản năm 2010 được xây dựng và ban hành, để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, dự kiến xây dựng 04 Nghị định của Chính phủ (gồm: (1) Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; (2) Nghị định quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; (3) Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; (4) Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực địa chất khoáng sản) và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao quy định chi tiết trong Luật và các Nghị định nêu trên; các Thông tư quy định về các nội dung kỹ thuật trong điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản định mức kinh tế - kỹ thuật,…
Tập trung hoàn thành 4 đề án Chính phủ giao, bao gồm: (1) Điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven bờ biển Việt Nam; (2) Bay đo từ - trọng lực, tỉ lệ 1:250.000 biển và hải đảo Việt Nam; (3) Điều tra, đánh giá tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ phát triển kinh tế xã hội; (4) Đánh giá tổng thể về khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Tập trung thi công các đề án điều tra, đánh giá các khoáng sản có tiềm năng lớn, có nhu cầu cấp thiết, gồm: (1) Điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản cát trắng trên địa bàn các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam; (2) Đánh giá tiềm năng các diện tích có triển vọng nhất vùng quặng thiếc Lâm Đồng - Khánh Hòa; (3) Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng đá hoa trắng trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang; (4) Điều tra địa chất khoáng sản, tai biến địa chất, môi trường địa chất tỷ lệ 1/100.000 vùng biển 0-30m nước từ Hải Phòng đến Nga Sơn (Thanh Hóa); Các đề án đo vẽ lập bản đồ tỷ lệ 1/50.000, gồm: (1) Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 nhóm tờ Đồng Văn; (2) Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 nhóm tờ Tú Lệ, thuộc tỉnh Sơn La và Yên Bái; (3) Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1/50.000 nhóm tờ IaMer, tỉnh Gia Lai; (4) Lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Kan Nack (thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Bình Định); Các đề án khác như “Bay đo từ phổ gamma và trọng lực Lào Cai- Yên Bái tỷ lệ 1:50.000 - 1:25.000”.
Rà soát, mở mới các đề án điều tra, đánh giá các khoáng sản có tiềm năng lớn, có nhu cầu cấp thiết, gồm: (1) Phát triển hệ cơ sở dữ liệu địa chất và công nghệ quản trị thông minh hệ thống không gian ngầm đô thị ở Việt Nam; (2) Đánh giá tài nguyên than phần sâu đến đáy tầng than đối với các mỏ ở bể than Quảng Ninh, Thái Nguyên, Quảng Nam; (3) Đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên quặng vàng; (4) Điều tra, đánh giá tiềm năng, chất lượng đá vôi để phục vụ Quy hoạch phát triển công nghiệp vôi Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; (5) Điều tra, đánh giá tổng thể cát xây dựng các lưu vực sông ở Việt Nam phục vụ Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng bền vững; (6) Điều tra, đánh giá tiềm năng, triển vọng khí đá phiến khu vực phía Bắc Việt Nam; (7) Thăm dò quặng urani khu Khe Hoa - Khe Cao, tỉnh Quảng Nam; (8) Điều tra, đánh giá chi tiết địa động lực hiện đại phục vụ cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp thích ứng ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
Tổ chức thi công các đề án điều tra cơ bản địa chất, đánh giá khoáng sản chuyển tiếp, mở mới các nhiệm vụ theo Quy hoạch 1388/QĐ-TTg (kể cả các nhiệm vụ bằng nguồn vốn góp của các tổ chức và cá nhân). Đẩy mạnh công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền hoàn trả chi phí đánh giá, thăm dò khoáng sản.
Hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất, khoáng sản và hoạt động khoáng sản làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản khai thác cập nhật dữ liệu, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm soát hoạt động khoáng sản. Từng bước xây dựng hệ thống kiểm soát hoạt động khoáng sản hữu hiệu đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử.
Đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương với các nước phát triển và các nước trong khu vực như Vương Quốc Anh, Liên bang Nga, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, CCOP, ASOMM, IGCP-UNESCO trong lĩnh vực điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản ẩn sâu, khoáng sản biển. Hợp tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao bằng hình thức đào tạo và đào tạo lại, trên cơ sở đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật hiện có.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản; trong đó, tập trung, thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản kim loại và hoạt động khai thác cát, sỏi.