Trình Chính phủ ban hành Nghị định quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Lĩnh vực địa chất, khoáng sản 30/10/2020

Ngày 30/10/2020, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ Tờ trình về việc ban hành Nghị định quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao tại Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 14/5/2020 tại phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng “Nghị định quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án đầu tư trên mặt” theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đến nay, Dự thảo Nghị định đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành, được Bộ Tư pháp thẩm định tại Báo cáo thẩm định số 183/BCTĐ-BTP ngày 10/9/2020 theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). 

Công tác khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Thực hiện quy định tại Điều 29 Luật Khoáng sản, triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 22/12/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị; trên cơ sở kết quả công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, nhu cầu khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản theo Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản đã phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khoanh định và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 06/5/2014 về việc phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (dưới đây gọi tắt là Quyết định số 645/QĐ-TTg). 

Nhu cầu thực tiễn triển khai các dự án phát triển trên mặt ở các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Qua rà soát cho thấy, ở các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được khoanh định, công bố tại Quyết định số 645/QĐ-TTg nêu trên, có nhiều khu vực khoáng sản dự trữ (chủ yếu là titan, cát trắng) phân bố dọc dải ven biển, nơi có điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội (như: du lịch, điện gió, điện mặt trời, khu công nghiệp, ...). Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012, trong đó xác định “Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo”. Mặt khác, tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị đã khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Như vậy, phát huy mọi nguồn lực trong đó có tài nguyên đất đai, khoáng sản, du lịch, năng lượng sạch để phát triển kinh tế - xã hội là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trong hai năm trở lại đây, để phát huy tối đa các nguồn lực phát triển, nhất là các dự án đầu tư theo hướng bền vững, kinh tế xanh đã có nhiều địa phương như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, ... quan tâm kêu gọi đầu tư và đã có nhiều văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ ngành có liên quan cho phép triển khai các dự án phát triển trên mặt ở các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Thực tế có nhiều khu vực có tiềm năng phát triển các dự án trên mặt nằm trong các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia như titan, cát trắng. 

Những vấn đề bất cập phát sinh trong thực tiễn

Khi xem xét chủ trương đầu tư các dự án trên mặt nêu trên, nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn do chưa đủ cơ sở pháp lý để ban hành quyết định chủ trương đầu tư bởi Quyết định số 645/QĐ-TTg nêu trên chỉ khoanh định các diện tích khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, mà chưa có quy định triển khai các dự án trên mặt; chưa quy định về thời gian dự trữ khoáng sản mà phải vừa phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản, vừa đảm bảo thời hạn hoạt động của dự án; chưa quy định nguyên tắc khi quyết định chủ trương đầu tư dự án trên mặt và trách nhiệm bảo vệ khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Trong khi đó Luật Đầu tư, Luật Đất đai chỉ quy định về thời hạn hoạt động, diện tích đất sử dụng của dự án nhưng chưa có quy định cụ thể việc triển khai các dự án đầu tư trên mặt mà bên dưới có khoáng sản thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Muốn vậy, phải điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 645/ QĐ-TTg nêu trên làm cơ sở pháp lý triển khai thủ tục đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế trên mặt, trong khi đó chưa đủ cơ sở pháp lý để Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 645/QĐ-TTg nêu trên về thời gian, diện tích các khu vực đã được khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Trước yêu cầu thực tế nêu trên, để đủ cơ sở pháp lý vừa quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, vừa tạo điều kiện để triển khai các dự án phát triển trên mặt tại các khu vực có khoáng sản dự trữ quốc gia cần thiết phải ban hành Nghị định quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia để sử dụng hiệu quả tối đa nguồn lực tài nguyên đất và khoáng sản.

Cơ sở pháp lý

Căn cứ Điều 80 Luật Khoáng sản quy định “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về khoáng sản”, Điều 86 của Luật quy địnhChính phủ ... hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Trong khi đó, khoản 2 Điều 19 Luật ban hành văn bản pháp luật năm 2015 đã nêu Chính phủ ban hành Nghị định để quy định “...các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ…”. Như vậy, Chính phủ xem xét ban hành Nghị định này để quản lý khoáng sản ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, đồng thời cho phép triển khai các dự án phát triển trên mặt là hết sức cần thiết, cấp bách và phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ.

Nguyên tắc xây dựng Nghị định

Thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ là toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội và thống nhất, phân công cụ thể theo trách nhiệm cho từng Bộ, ngành, địa phương, trong đó có các nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với khoáng sản ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Nội dung công tác quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương đối với khoáng sản ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải gắn với trách nhiệm bảo vệ khoáng sản dự trữ chưa khai thác, để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, thống nhất từ khi lập quy hoạch, quyết định chủ trương đầu tư dự án phát triển trên mặt.

Yêu cầu

Phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong quản lý tài nguyên khoáng sản; quản lý các hoạt động liên quan đến bảo vệ khoáng sản dự trữ quốc gia, đồng thời phát huy tối đa nguồn lực tài nguyên đất, khoáng sản để phát triển kinh tế-xã hội.

Nội dung Nghị định không trái với quy định của Luật Khoáng sản, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự và các Luật khác, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý toàn diện của Chính phủ; không chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;

Các quy định trong các điều, khoản của Nghị định đảm bảo rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ, dễ hiểu cho mọi đối tượng khi áp dụng; đảm bảo tính hợp lý, thống nhất giữa các điều, khoản của Nghị định, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với hoạt động thực tế, có tính khả thi.

Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia để phát triển các dự án phát triển kinh tế - xã hội nằm trong khu vực đã được khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (dưới đây gọi chung là dự án phát triển trên mặt), gồm: khoanh định, phê duyệt, điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia; nguyên tắc quyết định chủ trương đầu tư dự án phát triển trên mặt và trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Đối tượng áp dụng Nghị định này áp dụng đối với: Cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản; Tổ chức, cá nhân có liên quan đến khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Thể chế hóa 05 Chính sách được Chính phủ thông qua tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 năm 2020, gồm:

Chính sách 1: Xác lập cơ sở pháp lý để đầu tư các dự án phát triển trên mặt ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải phù hợp với quy định của pháp luật về khoáng sản, đầu tư, đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Chính sách 2: Thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia phải đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng khoáng sản trong từng thời kỳ, đồng thời để phát triển các dự án trên mặt, nhằm phát huy hiệu quả, tối đa các nguồn lực tài nguyên phát triển kinh tế - xã hội.

Chính sách 3: Việc điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (về thời gian, diện tích dự trữ ...) phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư đang triển khai dự án phát triển trên mặt.

Chính sách 4: Triển khai các dự án phát triển trên mặt phải đáp ứng yêu cầu, quy định trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia có liên quan.

Chính sách 5: Quản lý nhà nước đối với các dự án phát triển trên mặt; quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia là trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh có liên quan.

Dự thảo Nghị định được kết cấu thành 05 Chương trong 15 Điều, cụ thể:

Chương I. Quy định chung, có 2 điều (Điều 1 và Điều 2), bao gồm:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Nghị định về: quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên mặt, gồm các nội dung: khoanh định, phê duyệt, điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia; triển khai dự án phát triển trên mặt và trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Nghị định áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Chương II. Khoanh định, phê duyệt, điều chỉnh khu vực dữ trự khoáng sản quốc gia và thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia, có 04 Điều (từ Điều 3 đến Điều 6), bao gồm:

Điều 3. Khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Điều 4. Hồ sơ đề nghị phê duyệt, điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Điều 5. Điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Điều 6. Thời gian dự trữ tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Chương này quy định về khoanh định, phê duyệt khu vực có khoáng sản dự trữ quốc gia căn cứ Điều 29 Luật Khoáng sản năm 2010; khoáng sản cần dự trữ cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh nguyên liệu lâu dài cho các ngành kinh tế; lợi thế về điều kiện tự nhiên của từng khu vực, cân đối giữa phát triển dự án du lịch, công nghiệp thân thiện môi trường và nhu cầu huy động khoáng sản; quy định về thành phần hồ sơ phê duyệt, điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; quy định thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia tối đa là 50 năm theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, trường hợp đặc biệt có thể đến 70 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Chương III. Bảo vệ, quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, có 05 Điều (từ Điều 7 đến Điều 11), bao gồm:

Điều 7. Yêu cầu về đầu tư dự án phát triển trên mặt ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Điều 8. Các loại dự án phát triển trên mặt tại khu vực có khoáng sản đã khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Điều 9. Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trong phạm vi dự án phát triển trên mặt.

Điều 10. Khai thác thu hồi khoáng sản trong phạm vi dự án phát triển trên mặt ở khu vực dữ trũ khoáng sản quốc gian.

Điều 11. Bồi thường thiệt hại khi thu hồi dự án phát triển trên mặt.

Chương này quy định các yêu cầu về đầu tư phát triển trên mặt ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; quy định về thời gian hoạt động của dự án đầu tư trên mặt ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; trách nhiệm bảo vệ khoáng sản tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia của chủ đầu tư thực hiện dự án trên mặt tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; quy định về thu hồi khoáng sản trong phạm vi dự án phát triển trên mặt tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (nếu có); quy định về bồi thường thiệt hại khi thu hồi dự án phát triển trên mặt.

Chương IV. Trách nhiệm quản lý nhà nước ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, có 02 Điều (từ Điều 12 đến Điều 13), bao gồm:

Điều 12. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 13. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Chương này quy định về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức khoanh định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Chương V. Điều khoản thi hành, có 02 Điều (từ Điều 14 đến Điều 15), bao gồm:

Điều 14. Điều khoản chuyển tiếp

Điều 15. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

Chương này quy định về điều khoản chuyển tiếp cho các dự án, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ đang hoạt động hợp pháp tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Các dự án phát triển trên mặt dự kiến triển khai tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà chưa phê duyệt, cấp phép cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Quy định thời điểm bắt đầu có hiệu lực của Nghị định và trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện thi hành của Bộ Tài nguyên và Môi trường; trách nhiệm thi hành Nghị định này của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tổ chức, cá nhân có liên quan.