Về tiền đặt trước
Tại Điều 5 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định: (i) Mức nộp: “Đối với trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản, tiền đặt trước bằng 1% đến 15% giá khởi điểm”; (ii) Địa chỉ nộp: “Trường hợp nộp bằng tiền mặt, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá phải nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tiếp nhận hồ sơ đấu giá quyền khai thác khoáng sản”, cụ thể ở đây là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường) hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường (đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép cả Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); (iii) Thời hạn nộp: “Thời hạn nộp tiền đặt trước được thông báo trong hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản trước khi tổ chức phiên đấu giá ít nhất là 07 (ngày)”.
Trong khi tại Điều 39 Luật Đấu giá tài sản quy định: (i) Mức nộp: “tối thiểu là năm phần trăm và tối đa là hai mươi phần trăm giá khởi điểm của tài sản đấu giá”; (ii) Nộp vào: “Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam”; (iii) Thời hạn nộp: “Tổ chức đấu giá tài sản chỉ được thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá trong thời hạn 03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá”.
Về đối tượng tham gia đấu giá
Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định: “Tổ chức, cá nhân tham gia phiên đấu giá và trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng từ chối không nhận kết quả trúng đấu giá mà chưa được Hội đồng đấu giá chấp thuận thì không được tham gia bất kỳ phiên đấu giá nào trong thời hạn 01 (năm), kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá đó”. Quy định này không phù hợp khoản 3 Điều 38 Luật đấu giá tài sản: “Ngoài các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan, người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá.”.
Về bán hồ sơ mời tham gia đấu giá
Điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định:
“a) Tổng cục Địa chất và Khoáng sản là cơ quan lập, thông báo và bán hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đồng thời là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan lập, thông báo và bán hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đồng thời là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”.
Quy định như trên không phù hợp khoản 2 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản: “Tổ chức đấu giá tài sản bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày.”.
Về thành lập Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 12 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP:
Đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong trường hợp mỏ có cấu trúc địa chất phức tạp hoặc trong trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng đấu giá để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Quy định trên là chưa phù hợp với Điều 60 Luật Đấu giá tài sản: Hội đồng đấu giá chỉ được thành lập trong trường hợp Luật quy định việc đấu giá tài sản do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện hoặc không lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản.
Hiện nay, Luật khoáng sản không có quy định về việc thành lập Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Do đó, việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đương nhiên không thuộc trường hợp được thành lập Hội đồng mà trước hết phải thuê tổ chức đấu giá tài sản thực hiện. Sau khi thông báo mà không có tổ chức nào đăng ký hoặc không có tổ chức nào đáp ứng được các tiêu chí, điều kiện thì mới được thành lập Hội đồng.