Nghị định thư Cartagena năm 2000 về an toàn sinh học

Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học 04/06/2019

Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học thuộc Công ước Đa dạng sinh học, đã được hoàn thiện và thông qua tại Montreal, Canada ngày 29/01/2000 trong cuộc họp của các bên tham gia Công ước, với 170 thành viên và có hiệu lực từ ngày 11/09/2003. Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Nghị định thư kể từ ngày 19 tháng 4 năm 2004. Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối quốc gia đối với Nghị định thư này.

Để bảo vệ đa dạng sinh học khỏi những nguy cơ từ các sinh vật biến đổi gen (LMO) nhờ công nghệ sinh học hiện đại, Nghị định thư Cartegena đã được thông qua năm 2000. Đây là Nghị định thư đầu tiên được xây dựng theo Điều 19 của Công ước Đa dạng sinh học (xem Phần II.1), dựa trên nguyên tắc phòng ngừa và nhằm mục đích bảo đảm xử lý, vận chuyển và sử dụng an toàn các sinh vật biến đổi gen. Các sinh vật biến đổi gen phổ biến nhất bao gồm các loại cây trồng nông nghiệp được biến đổi gen để tăng năng suất hoặc có khả năng chống lại sâu bệnh. Ví dụ về cây trồng biến đổi gen gồm cà chua, sắn, ngô, bông và đậu nành. Mặc dù Hoa Kỳ không phải là một thành viên của Công ước Đa dạng sinh học nhưng đã tham gia tích cực vào đàm phán Nghị định thư Cartagena vì phần lớn các sinh vật biến đổi gen có nguồn gốc từ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cho rằng việc buôn bán các sinh vật biến đổi gen nên được điều chỉnh bởi các hiệp định được đàm phán trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới. 

Nghị định thư điều chỉnh những vấn đề gì?                                                                                      

Mục tiêu

Theo Điều 1, mục tiêu của Nghị định thư Cartegena là góp phần bảo đảm mức độ bảo vệ thoả đáng trong lĩnh vực chuyển giao, xử lý và sử dụng an toàn những sinh vật biến đổi gen nhờ công nghệ sinh học hiện đại và có thể có tác động bất lợi tới việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Nghị định thư cũng tính đến những nguy cơ đối với sức khoẻ con người và đặc biệt tập trung vào việc vận chuyển qua biên giới.

Nội dung

Văn bản Nghị định thư có thể chia thành các nhóm điều khoản quy định về bối cảnh để hiểu Công ước, các điều khoản quy định về cam kết của các thành viên, các điều khoản về thể chế và các điều khoản về thủ tục đảm bảo tuân thủ (xem Bảng dưới đây). Những cam kết chính liên quan tới thủ tục yêu cầu các thành viên thông báo khi xuất khẩu và chấp thuận nhập khẩu các sinh vật biến đổi gen.

Các nguyên tắc

Các nguyên tắc chính của Nghị định thư Cartagena là nguyên tắc phòng ngừa và nguyên tắc chấp thuận thông báo trước. Cả hai nguyên tắc được đề cập trong Lời nói đầu và định hình cách tiếp cận để chuyển giao, xử lý và sử dụng an toàn các sinh vật biến đổi gen.

Thể chế

Nghị định thư Cartagena được quản lý bởi Hội nghị các Bên, với chức năng Cuộc họp các Bên tham gia Nghị định thư (COP-MOP). Theo điều 34, Uỷ ban về tuân thủ được thành lập. Để tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin và hỗ trợ thực thi, Điều 20 thiết lập cơ chế trao đổi thông tin về an toàn sinh học.Tuân thủ

Việc tuân thủ các cam kết theo Nghị định thư Cartagena chủ yếu dựa vào nghĩa vụ nộp báo cáo định kỳ và cơ chế xử lý các trường hợp không tuân thủ.

 Việt Nam cần tuân thủ những nghĩa vụ gì?                                                                                       

Nghị định thư Cartagena thiết lập những cam kết bắt buộc khác nhau mà tất cả các thành viên phải tuân thủ, trong đó có Việt Nam với tư cách là thành viên đang phát triển. Những cam kết quan trọng nhất bao gồm thủ tục thỏa thuận thông báo trước và thủ tục đối với các sinh vật biến đổi gen được dùng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hoặc để chế biến (LMOs-FFP). Ngoài ra, cũng phải kể tới những cam kết khác liên quan đến vận chuyển các sinh vật biến đổi gen hoặc báo cáo các biện pháp được tiến hành để thực hiện Nghị định thư Cartagena.

Thủ tục Thoả thuận thông báo trước (AIA)

Nghị định thư Cartagena quy định thủ tục Thoả thuận thông báo trước (Advanced Informed Agreement- gọi tắt là AIA) để đảm bảo các thành viên có thể đưa ra quyết định được thông báo trước về việc nhập khẩu các sinh vật biến đổi gen vào lãnh thổ quốc gia mình để trực tiếp đưa vào môi trường. Việt Nam cũng cần xây dựng các thủ tục và các cơ quan theo yêu cầu.

Thủ tục đối với các sinh vật biến đổi gen được sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi hoặc để chế biến

Đối với những sinh vật biến đổi gen được sử dụng trực tiếp làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, hoặc để chế biến (LMOs-FFP), Điều 11 thiết lập một thủ tục đơn giản hơn cho việc vận chuyển qua biên giới. Một thành viên phải thông báo cho các thành viên khác thông qua Trung tâm thông tin an toàn sinh học trong vòng 15 ngày kể từ ngày ra quyết định về việc sử dụng trong nước mình các sinh vật biến đổi gen có thể sẽ được vận chuyển qua biên giới. Quyết định của thành viên nước nhập khẩu cho phép hay không cho phép việc nhập khẩu LMOs-FFP được đưa ra phù hợp với các quy định pháp luật trong nước của thành viên đó, nhưng phải phù hợp với mục tiêu của Nghị định thư. Các thành viên đang phát triển, trong trường hợp chưa có quy định pháp luật liên quan, có thể thông qua Trung tâm thông tin an toàn sinh học tuyên bố rằng quyết định về việc nhập khẩu lần đầu các LMOs-FFP sẽ dựa trên đánh giá rủi ro được quy định trong Nghị định thư, cũng như thời hạn ra quyết định. Trong trường hợp không có đủ những thông tin và hiểu biết có liên quan, nước nhập khẩu có thể sử dụng nguyên tắc phòng ngừa để đưa ra quyết định về việc nhập khẩu các LMOs-FFP.

Những yêu cầu về vận chuyển qua biên giới đối với các sinh vật biến đổi gen

Theo Điều 18, các Thành viên phải tiến hành hai loại biện pháp đối với việc vận chuyển qua biên giới các sinh vật biến đổi gen.

Chi tiết nội dung Nghị định thư tải tại đây.

Tìm hiểu thêm :

Cổng thông tin của Nghị định thư: http://bch.cbd.int/protocol

Ấn phẩm chính:

- UNEP, 2003, An Introduction to the Cartagena Protocol on Biosafety (Giới thiệu Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học)

https://bch.cbd.int/database/attachment/?id=10862