Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học

Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học 18/06/2019

Với lợi thế về sự đa dạng sinh học (ĐDSH), Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm ĐDSH lớn của thế giới. Để phát huy lợi thế này, những năm qua công tác bảo tồn, phát triển bền vững ĐDSH nói chung, ĐDSH biển nói riêng rất được Việt Nam coi trọng. Nỗ lực này đã thu được kết quả đáng khích lệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việt Nam là quốc gia giàu có về ĐDSH, được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về mức độ đa dạng của tài nguyên sinh vật. Cùng với các hệ sinh thái đa dạng ở trên cạn, môi trường biển và giới sinh vật biển ở Việt Nam hiện nay đã phân biệt được 20 kiểu hệ sinh thái biển như: bãi triều, rừng ngập mặn cửa sông, đầm phá, vũng, vịnh biển, tùng, áng, rạn san hô, thảm cỏ biển… Ngoài ra, còn các hệ sinh thái vùng nước quanh các đảo ven bờ, đảo xa bờ, nhất là vùng nước và vùng đáy biển sâu (vùng biển quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), trong đó rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển được xem là các hệ sinh thái đặc trưng, quan trọng nhất do chúng có tính ĐDSH cao, có giá trị bảo tồn cao nhất. Kết quả điều tra cho thấy: tại vùng biển Việt Nam đã phát hiện được khoảng 11 nghìn loài sinh vật cư trú, trong đó có 6.000 loài động vật đáy; 2.400 loài cá, với 130 loài cá có giá trị kinh tế; 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù sa; 537 loài thực vật phù du; 225 loài tôm biển... Ngoài ra, các cảnh quan ven bờ biển, các đảo ven bờ có hệ sinh thái tự nhiên với tính ĐDSH cao còn là nền tảng cho ngành du lịch phát triển nhanh, nhất là du lịch sinh thái đang trở thành dịch vụ phổ biến ở các khu bảo tồn thiên nhiên.

Nhận thức được tầm quan trọng của ĐDSH mang lại, những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về bảo tồn ĐDSH nói chung và bảo tồn ĐDSH biển nói riêng. Điển hình như Luật ĐDSH (năm 2008); Kế hoạch hành động quốc gia về ĐDSH đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch hệ thống 16 Khu bảo tồn biển. Tính đến năm 2018, cả nước đã có 10 khu bảo tồn biển được thành lập và đi vào hoạt động. Các khu bảo tồn biển được thành lập, bên cạnh ý nghĩa bảo tồn các hệ sinh thái biển đặc thù và các loài sinh vật biển quý, hiếm, còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, giáo dục cộng đồng, giải trí và du lịch sinh thái. Đồng thời, còn cung cấp các cơ sở pháp lý, công cụ hành chính cho việc đấu tranh bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia trong phạm vi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới trong vùng Biển Đông mà các nước trong khu vực đang quan tâm…

Hiện có 06 Công ước, Nghị định thư liên quan đến bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học:

  1. Công ước năm 1992 về Đa dạng sinh học
  2. Nghị định thư Cartagena năm 2000 về An toàn sinh học
  3. Nghị định thư Nagoya năm 2010 về Tiếp cận các nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý các lợi ích
  4. Công ước năm 1973 về Buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng
  5. Công ước Ramsar năm 1971 về Các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của loài chim nước
  6. Công ước năm 1972 về Bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới