BẢO TỒN VÀ SỬ DỤNG BỀN VỮNG ĐA DẠNG SINH HỌC

Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học 08/07/2019

Thế giới bắt đầu quan tâm tới vấn đề bảo tồn nói chung từ những năm 1960, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực cụ thể như bảo vệ di sản văn hoá, suy giảm trữ lượng cá ngừ, các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng và vùng đất ngập nước. Đến những năm 1990, sự quan tâm của toàn cầu chuyển sang các lĩnh vực được gắn kết với nhau bởi vấn đề đa dạng “sinh học” như các loài, khí hậu, hệ sinh thái, nước và đất. Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước, Công ước về di sản thế giới và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) đều được thông qua trong những năm 1970. Các Công ước này đều quy định về việc bảo tồn và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên cụ thể.

                                                                    

0028-resize 01.jpg

Công ước Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học là hiệp định điều chỉnh toàn diện về đa dạng sinh học. Công ước được thông qua tại Hội nghị Rio năm 1992 và có cách tiếp cận tổng thể, hướng tới phát triển bền vững. Nghị định thư Cartagena năm 2000 về an toàn sinh học bổ sung cho Công ước đa dạng sinh học, điều chỉnh các sinh vật biến đổi gen (Living Modified Organisms, gọi tắt là LMO) được tạo ra từ công nghệ sinh học. Nghị định thư Nagoya năm 2010 điều chỉnh việc tiếp cận các nguồn gen và sự chia sẻ công bằng, hợp lý những lợi ích có được từ việc sử dụng những nguồn gen này. Danh sách 20 Mục tiêu đa dạng sinh học Aichi đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 10 các Bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (COP 10) và là một phần của Kế hoạch chiến lược về đa dạng sinh học 2011-2020 hướng tới mở rộng các chiến lược và kế hoạch của các thành viên theo hướng toàn diện hơn, bao quát nhiều chủ đề liên ngành và trên cơ sở đó kết hợp các hiệp định có liên quan với nhau về biến đổi khí hậu, hệ sinh thái biển, sa mạc hoá và các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Kế hoạch chiến lược về đa dạng sinh học 2011-2020 được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và nhiều hiệp định liên quan tới đa dạng sinh học ủng hộ.

0028-resize 02.jpg

Sáu Hiệp định chính mà Việt Nam đã phê chuẩn được trình bày trong cuốn sách này đại diện cho những nỗ lực toàn cầu to lớn nhằm giải quyết những vấn đề liên quan tới bảo tồn (còn gọi là luật xanh). Việc thực thi các hiệp định này ở cấp độ quốc gia bao gồm xây dựng một hệ thống các quy định và tiêu chuẩn để điều chỉnh việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Hệ thống này có thể bao gồm các khuôn khổ pháp lý thống nhất; các thiết chế mạnh; các cơ chế và thủ tục tư pháp và một hệ thống cho phép sự tham gia của cộng đồng từ những giai đoạn đầu nhằm củng cố toàn bộ hệ thống và bảo đảm ý thức trách nhiệm.

06 Công ước, Nghị định thư liên quan đến bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học gồm:

1.Công ước năm 1992 về Đa dạng sinh học

2.Nghị định thư Cartagena năm 2000 về An toàn sinh học

3.Nghị định thư Nagoya năm 2010 về Tiếp cận các nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý các lợi ích

4.Công ước năm 1973 về Buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng

5.Công ước Ramsar năm 1971 về Các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của loài chim nước

6.Công ước năm 1972 về Bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.