Triển khai Luật Bảo vệ môi trường: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương
Tin tức - Sự kiện 24/07/2024
Nhiều chuyển động trong triển khai Luật BVMT
Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh - Vụ trưởng Vụ Môi trường, với nhiều chính sách mới mang tính đột phá, Luật Bảo vệ môi trường 2020 (BVMT) được kỳ vọng tạo bước tiến lớn trong công tác BVMT tại nước ta. Trong thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Vụ Môi trường đã tích cực, chủ động phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, tập huấn, phổ biến các quy định, chính sách mới của Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng, phối hợp xây dựng văn bản pháp luật do Bộ TN&MT chủ trì để gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định và lộ trình đã được phê duyệt.
Kết quả, trong 2 năm qua, Bộ TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, tập huấn, phổ biến các quy định, chính sách mới của Luật BVMT đến đầy đủ các đối tượng cơ quan, tổ chức, cá nhân; thường xuyên trả lời, giải đáp cụ thể các ý kiến, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thi hành Luật và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn, thi hành; chủ động đôn đốc các Bộ, ngành có liên quan trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, quy định thuộc trách nhiệm đã được Thủ tướng Chính phủ phân công tại Quyết định số 343/QĐ-TTg.
Trong năm 2022, Bộ đã tổ chức thành công 3 Hội thảo trực tuyến cho đối tượng là Sở TN&MT của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương để tiếp nhận, giải đáp các vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật BVMT; tổng hợp các nội dung vướng mắc và triển khai xây dựng Sổ tay hỏi đáp chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; trong năm 2023 tiếp tục tổ chức 2 Hội thảo vùng tại tỉnh Cần Thơ và Phú Yên để tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Cũng theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, Vụ trưởng Vụ Môi trường, thời gian qua, Bộ TN&MT đã rà soát kỹ lưỡng các quy định của Luật BVMT để xây dựng phương án phân cấp, phân quyền trong Dự thảo Nghị định dựa trên 3 tiêu chí cơ bản: Loại hình hoạt động; lĩnh vực hoạt động và khu vực hoạt động hoặc phạm vi tác động của dự án. Theo đó, Bộ TN&MT sẽ tập trung giải quyết TTHC về môi trường cho các đối tượng: thực hiện trên địa bàn liên tỉnh; xả nước thải vào nguồn nước mặt liên tỉnh; thuộc thẩm quyền quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; các loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng đề xuất bổ sung quy định phân cấp thẩm quyền cấp Giấy phép môi trường (GPMT) cho địa phương đối với cả những trường hợp đã được Bộ phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cấp giấy phép môi trường trước đây nhưng đã được phân cấp, phân quyền theo Nghị định sửa đổi.
Hội nghị tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường
Nâng cao hiệu quả thực thi Luật BVMT
Để sớm đưa các chính sách, nhất là các chính sách mới của Luật BVMT đi vào cuộc sống, Vụ Môi trường đề nghị các địa phương cần tập trung, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định, chính sách mới của Luật BVMT, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan hành chính, các cấp của địa phương.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ pháp luật về BVMT; đặc biệt là các quy định liên quan đến phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; BVMT khu đô thị, khu dân cư, làng nghề...
Triển khai quy định về phân loại chất thải rắn, Vụ Môi trường đề nghị Sở TN&MT các tỉnh tham mưu, báo cáo UBND cấp tỉnh sớm ban hành quy định, kế hoạch để triển khai quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; bảo đảm các điều kiện thực thi theo lộ trình của Luật BVMT. Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật BVMT; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về BVMT, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về môi trường thuộc thẩm quyền để bảo đảm triển khai thi hành Luật.
Cùng với đó, Bộ TN&MT đề nghị các địa phương quan tâm đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường của địa phương, tích hợp vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường của quốc gia theo quy định của Luật BVMT và các văn bản quy định chi tiết thi hành nhằm thúc đẩy các mô hình quản lý số trong công tác bảo vệ môi trường.
Các địa phương cần thực hiện việc rà soát, đánh giá, bảo đảm điều kiện về nguồn lực và nhân lực cần thiết để triển khai thi hành Luật BVMT. Đặc biệt là rà soát, chuẩn bị, hoàn thiện các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấpgiảiquyết TTHC theo tinh thần Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Nguồn: Nguyễn Thủy, Báo điện tử tài nguyên môi trường
TIN LIÊN QUAN
- Bộ trưởng Đỗ Đức Duy làm rõ các ý kiến của Đại biểu Quốc hội về chính sách đất đai
- Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Kiên trì, nhất quán trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện Luật Đất đai
- Bộ TN&MT phổ biến các Nghị định thi hành Luật Đất đai năm 2024 tại Hòa Bình
- Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đã thể hiện quan điểm khá rõ ràng
- Quảng Bình: Tập huấn Luật Đất đai 2024 và các Nghị định hướng dẫn thi hành