Tăng cường cảnh báo về rủi ro về thiên tai do diễn biến thời tiết, khí hậu bất thường

Lĩnh vực khí tượng thủy văn 21/06/2019

Cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị với những cảnh báo về rủi ro về thiên tai do diễn biến thời tiết, khí hậu bất thường. Cử tri đề nghị Chính phủ cho biết đã có những chỉ đạo cụ thể nào để phòng ngừa, ngăn chặn những tác động tiêu cực trên?

Về xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn phục vụ phòng chống thiên tai

Ngày 23/11/2015 Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XIII ban hành Luật Khí tượng thủy văn. Theo quy định của Luật, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ liên quan đã ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật gồm 2 Nghị định của Chính phủ , 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trên 20 Thông tư quy định kỹ thuật, định mức kinh tế... Bên cạnh đó, còn có 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn phục vụ phòng chống thiên tai: Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai và Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai. Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát, nghiên cứu để tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản này cho phù hợp với yêu cầu mới về công tác phòng chống thiên tai.

Song song với việc hoàn thiện thể chế, Chính phủ đã ban hành các văn bản, chương trình quan trọng nhằm tạo cơ chế, chính sách cho công tác dự báo, cảnh báo phục vụ phòng chống thiên tai, như Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai, Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn...

Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra công tác thi hành pháp luật về khí tượng thủy văn, trong đó có công tác phối hợp, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng chống thiên tai ở các địa phương.

Về nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo phục vụ phòng chống thiên tai

Biến đổi khí hậu toàn cầu làm các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và trái quy luật cũng đặt ra những thách thức mới cho công tác dự báo khí tượng thủy văn. Bên cạnh đó, kinh tế - xã hội ở các địa phương ngày càng phát triển nên tác động của thiên tai ngày càng lớn đến xã hội, cộng đồng. Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai các hoạt động cụ thể nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, trọng tâm tập trung vào:

Tăng cường mật độ trạm quan trắc, nhất là các trạm trên biển, các trạm đo mưa tự động trên khu vực có địa hình phức tạp, các trạm quan trắc cao không, radar thời tiết; đầu tư trang bị hệ thống máy tính hiệu năng cao; phát triển và hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc, thu nhận, xử lý, lưu trữ và cung cấp tư liệu khí tượng thủy văn từ Trung ương tới địa phương.

Nâng cao năng lực đội ngũ dự báo viên; xây dựng chiến lược đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về khí tượng thủy văn; phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với các báo, đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương và các địa phương nhằm nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó với thiên tai khí tượng thủy văn của các cấp chính quyền và nhân dân.

Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy hợp tác và chuyển giao công nghệ khí tượng thủy văn hiện đại. Tiếp thu và ứng dụng sản phẩm nghiệp vụ dự báo thời tiết từ quy mô hạn ngắn cho đến hạn mùa như của Mỹ, Canađa, Đức, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... 

Các hoạt động trên trong những năm gần đây đã góp phần tăng độ chính xác, độ tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng được nâng cao hơn, đặc biệt trong vấn đề dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, lũ lụt, về cơ bản đáp ứng được những yêu cầu của công tác phòng chống thiên tai, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Cụ thể trên một số mặt công tác như sau:

- Về dự báo, cảnh báo bão: độ chính xác trong bản tin dự báo bão (vị trí và cường độ bão) của Việt Nam đã dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Từ năm 2018, thời hạn dự báo bão/áp thấp nhiệt đới đã tăng lên từ 3 - 5 ngày và đã thực hiện dự báo thời tiết điểm hàng ngày chi tiết cho khoảng 600 điểm thuộc các quận, huyện trên phạm vi cả nước.

- Dự báo, cảnh báo mưa lớn: trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%. Đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông: mới chỉ cảnh báo trước từ 30 phút đến 2-3 giờ.

- Dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh: trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%.

- Dự báo, cảnh báo lũ trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 1-2 ngày và ở khu vực Bắc Bộ trước 3-5 ngày với độ tin cậy 70-80%.

- Dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng: trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 70%, thời điểm kết thúc các đợt nắng nóng diện rộng có độ tin cậy từ 80-90%.

Từ năm 2016, ngoài các tin cảnh báo, dự báo lũ, lũ quét, sạt lở đất định kỳ, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện nhiều tin nhanh cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tới cấp huyện. Đánh giá chung, các sản phẩm dự báo khí tượng thủy văn đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ phòng chống thiên tai, phục vụ kinh tế-xã hội như nông nghiệp, ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản, vận hành các hồ thủy lợi, thủy điện…

Tuy nhiên, công tác dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai nguy hiểm sau bão, xảy ra trong những phạm vi hẹp, như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất còn hạn chế. Trong những năm gần đây, mưa lũ vẫn gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nguyên nhân chính, bên cạnh việc hạn chế về công nghệ định lượng mưa, kể cả mưa diện rộng và cho khu vực chi tiết, còn cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, sự chia sẻ các thông tin chi tiết từ các bộ, ngành, địa phương, như: các thông tin về lớp phủ, các thông tin về các hoạt động kinh tế, xã hội; các thông tin về địa chất, địa hình, địa mạo…

Phương hướng, giải pháp trong thời gian tới

Để tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng chống thiên tai, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin dữ liệu và tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; hoàn thiện hệ thống thể chế, hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phục vụ cho hoạt động khí tượng thủy văn phát triển; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế và các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, truyền thông, nâng cao nhận thức về khí tượng thủy văn, chính sách thu hút nhân tài cho ngành khí tượng thủy văn.