Sự cần thiết xây dựng Chiến lược phát triển ngành khí tượng thuỷ văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Lĩnh vực khí tượng thủy văn 17/11/2020

Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn (KTTV) đến năm 2020 là Chiến lược đầu tiên của Ngành. Việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển đến 2020 giúp Ngành KTTV được đầu tư, phát triển theo cách căn cơ, bài bản với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ cùng các giải pháp, đề án, dự án trọng điểm.

Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao xây dựng "Chiến lược phát triển ngành khí tượng thuỷ văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (sau đây gọi tắt là Chiến lược). Căn cứ nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức đánh giá, tổng kết Chiến lược phát triển ngành khí tượng thuỷ văn đến năm 2020  được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 22/6/2010. Để xây dựng dự thảo Chiến lược, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập gồm đại diện các Bộ, ngành liên quan cũng như nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia có kinh nghiệm. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến của các Bộ, ngành và các bên liên quan.

Là Chiến lược đầu tiên của Ngành, việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển đến 2020 giúp Ngành KTTV được đầu tư, phát triển theo cách căn cơ, bài bản với quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ cùng các giải pháp, đề án, dự án trọng điểm. Triển khai Chiến lược phát triển đến 2020, hoạt động KTTV được đặt trong bối cảnh đồng thời với việc đất nước bước vào thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, vì vậy Ngành KTTV gặp nhiều thuận lợi cho thời cơ phát triển.

Bên cạnh các thuận lợi, việc triển khai và thực hiện Chiến lược phát triển đến 2020 của Ngành còn gặp một số khó khăn, biến động cả về khách quan và chủ quan, như vấn đề biến đổi khí hậu, thay đổi về cơ cấu tổ chức, nhận thức, quan điểm phát triển lĩnh vực KTTV trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, đặc biệt là trình độ khoa học công nghệ phát triển như vũ bão trong giai đoạn 2010-2020. Do đó, bên cạnh những kết quả đã đạt được theo Chiến lược phát triển ngành khí tượng thuỷ văn đến năm 2020 còn có những mục tiêu chưa đạt được cũng như còn tồn tại những khó khăn, bất cập cần triển khai thực hiện trong thời gian tới. Một là, lĩnh vực KTTV thực hiện công tác điều tra cơ bản, dự báo, thông tin tư liệu KTTV, quan trắc môi trường không khí và môi trường nước trong điều kiện cơ sở vật chất, hệ thống mạng lưới kỹ thuật chưa đồng bộ, mạng lưới trạm quan trắc còn thưa nên nguồn số liệu đầu vào phục vụ công tác dự báo vẫn còn khó khăn; mô hình dự báo chuyên dùng cho Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện do đó việc cải tiến và đa dạng hóa bản tin, chuẩn hóa mẫu bản tin đã được thực hiện nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của cộng đồng. Hai là, nhiều vấn đề khoa học công nghệ về dự báo trong nước và trên thế giới chưa thực hiện được như: dự báo định lượng mưa lớn trong trường hợp cực đoan phạm vi hẹp; cảnh báo lũ quét, sạt lở đất mới chỉ đạt được ở mức cảnh báo có nguy cơ trên một khu vực rộng, chưa cảnh báo được ở một vị trí cụ thể; việc thu nhận số liệu hồ chứa từ các chủ hồ phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thủy văn vùng hạ du hồ còn nhiều bất cập đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dự báo, cảnh báo KTTV. Do đó, việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành khí tượng thuỷ văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là rất cần thiết.