Một là, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật
Rà soát điều chỉnh, bổ sung quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai; quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai trình Thủ tướng Chính phủ; Rà soát, điều chỉnh, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
Hai là, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy
Kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường hằng năm;
Rà soát, xây dựng, sửa đổi các quy định về công tác trực ban, ứng phó sự cố, thiên tai, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương trong ứng phó, khắc phục, giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu, sự cố môi trường theo quy định của pháp luật; tham gia công tác kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại các tỉnh, thành phố; Phối hợp với các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ Trung ương đến địa phương và cơ quan thông tin đại chúng trong việc truyền, phát các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai đến cộng đồng, đặc biệt là các vùng có nguy cơ cao về ngập lụt, lũ quét để chủ động phòng, tránh.
Ba là, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai
Triển khai các chương trình lớn theo yêu cầu của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phụ hậu quả thiên tai; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.
Đầu tư nghiên cứu, phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ dự báo khí tượng thủy văn, công nghệ viễn thám, khai thác có hiệu quả số liệu viễn thám, số liệu quan trắc radar, các mô hình số trị, hệ thống siêu máy tính, xây dựng hệ thống dự báo tổ hợp, đồng hóa số liệu nhằm nâng cao năng lực, chất lượng dự báo. Thực hiện chuyển đổi sang dự báo dựa trên tác động, cảnh báo rủi ro; dự báo điểm và dự báo định lượng; chi tiết hóa và đa dạng hóa các bản tin dự báo khí tượng thủy văn.
Đẩy nhanh tiến độ tự động hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia; tăng mật độ trạm đo, điểm đo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, hoàn thiện hệ thống Ra đa thời tiết theo quy hoạch phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là đối với nguồn số liệu khí tượng, hải văn trên biển, đảo.
Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế về khí tượng thủy văn, nhằm tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khí tượng thủy văn chất lượng cao; đẩy nhanh tiếp thu, ứng dụng vào nghiệp vụ dự báo khí tượng thủy văn, tập trung vào các hiện tượng thời tiết thủy văn nguy hiểm; đồng hóa số liệu trên cơ sở có sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Ủy ban bão quốc tế, các nước có nền khoa học, công nghệ dự báo khí tượng thủy văn tiên tiến.