Dự án mong đợi huy động nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) từ năm tài khóa 2022. Ngày 6/10 vừa qua, Bộ TN&MT đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất dự án này.
Về sự cần thiết của dự án
Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa của Đông Nam Á, là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có nhiều loại hình thiên tai tác động. Hàng năm, Việt Nam bị tác động bởi thiên tai áp thấp nhiệt đới, bão, lũ lụt, lũ quét, hạn hán và các thiên tai khác gây thiệt hại về tính mạng con người và cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, khu vực phía Bắc của Việt Nam đang phải hứng chịu tác động với cường độ và tần suất ngày một gia tăng do biến đổi khí hậu. Mưa với cường độ lớn, trong thời gian ngắn gây lũ quét, sạt lở đất ở nhiều nơi như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn. Bên cạnh đó các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều như mưa đá, lốc xoáy, dông sét diện rộng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân tại các tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, khu vực phía Bắc (bao gồm Tây Bắc, Việt Bắc và Đông Bắc) là một trong những khu vực có mật độ trạm quan trắc thưa và các trạm thời tiết tự động mới được đầu tư tại khu vực Đông Bắc. Do đó, việc lắp đặt các trạm thời tiết tự động và các trạm đo mưa tự động trong khu vực này là rất quan trọng nhằm tăng cường số liệu quan trắc tự động thời gian thực cho các mô hình dự báo và sẽ đóng góp đáng kể trong việc ứng phó với thiên tai. Trong khuôn khổ dự án sẽ lựa chọn lắp đặt các trạm quan trắc tự động tại khu vực Việt Bắc nhằm tăng thêm số liệu các trạm quan trắc tự động tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão theo hướng từ Đông sang Tây của phía Bắc Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nước nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi trung tâm hình thành bão Tây Bắc Thái Bình Dương, do đó việc ứng phó với bão là rất quan trọng đối với Việt Nam. Các hệ thống và công cụ của Tổng cục Khí tượng Hàn Quốc (Korea Meteorological Administration - KMA) để phân tích dữ liệu vệ tinh và bão sẽ rất hữu ích cho Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) Việt Nam trong quá trình dự báo bão vì các dự báo viên sẽ được huấn luyện thông qua chương trình đào tạo quốc tế do Cơ quan Hơp tác quốc tế Hàn Quốc (Korea International Cooperation Agency - KOICA) tài trợ và thực hiện bởi KMA. Tại Hàn Quốc gần đây đã phóng vệ tinh địa tĩnh khí tượng thế hệ thứ 2 GeoKompsat-2A (GK-2A) vào tháng 12 năm 2018 cho phép giám sát khu vực Đông Nam Á khi vị trí của vệ tinh nằm trên khu vực Philippines. Hình ảnh vệ tinh GeoKompsat-2A rất hữu ích cho khu vực Đông Nam Á vì nó giám sát được toàn bộ khu vực. Bên cạnh đó, hệ thống dự báo bão (TOS) đã được phát triển gần đây và ra mắt tại KMA sẽ là một công cụ thực tế để phía Tổng cục KTTV Việt Nam phân tích và ứng phó với các vấn đề liên quan đến bão. Đây sẽ là công cụ để phân tích và cung cấp thông tin dự báo chính xác hơn tại Tổng cục KTTV Việt Nam do sử dụng phân tích tích hợp đối với bão và vệ tinh khí tượng.
Các hệ thống này cũng sẽ được thiết lập kết nối, tích hợp sử dụng dữ liệu khí tượng thủy văn từ hệ thống dữ liệu trung tâm (Center Data Hub - CDH) đang hoàn thành tại Tổng cục KTTV trong khuôn khổ dự án Hợp phần 2 “Tăng cường hệ thống dự báo thời tiết và cảnh báo sớm”.
Những nỗ lực đã được thực hiện
Tổng cục KTTV Việt Nam cũng rất quan tâm đến công nghệ quan trắc, thu thập và xử lý số liệu khí tượng thủy văn để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, lũ lụt ở Việt Nam nói chung và khu vực Việt Bắc nói riêng.
Trong những năm qua, Tổng cục KTTV Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ phát triển chính thức từ nhiều quốc gia như Nhật Bản, Phần Lan và các nhà tài trợ như WB và JICA. Các tổ chức này đã tài trợ để cung cấp, lắp đặt thiết bị mới và tiếp tục nâng cấp thiết bị cũ tại nhiều khu vực nhằm tăng cường năng lực dự báo và cảnh báo thiên tai, lũ lụt. Mạng lưới quan trắc được đầu tư hiện đại hóa trên cơ sở quy hoạch phát triển mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn cho giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 90/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ.
Bên cạnh đó, hệ thống hỗ trợ dự báo thời tiết đang được xây dựng và phát triển trong khuôn khổ dự án Hợp phần 2 “Tăng cường hệ thống dự báo thời tiết và cảnh báo sớm” do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ đang hoàn thiện hệ thống CDH đảm bảo tích hợp, cung cấp đầy đủ dữ liệu cho hệ thống phân tích dữ liệu vệ tinh khí tượng và hệ thống dự báo bão trong khuôn khổ dự án hợp tác này.
Nội dung đề xuất
Mục tiêu tổng quát: Tăng cường năng lực quan trắc, xử lý thông tin và dự báo khí tượng thủy văn, trọng tâm là công tác dự báo bão, nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo sớm các thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn, phục vụ các yêu cầu quản lý, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu cụ thể của dự án: Tăng cường năng lực mạng lưới quan trắc tự động thời gian thực tại khu vực thuộc Đài KTTV khu vực Việt Bắc và thu thập, xử lý, tích hợp cơ sở dữ liệu hiện đại phục vụ công tác dự báo/cảnh báo thời tiết, khí hậu, thiên tai; Giám sát thời tiết theo thời gian thực và hỗ trợ dự báo thời tiết và cảnh báo thiên tai tại địa phương và khu vực; Tăng cường năng lực phân tích bão và phân tích dữ liệu vệ tinh khí tượng nhằm cải thiện mức độ chính xác của các bản tin dự báo; Tăng cường cơ sở hạ tầng KTTV nhằm phát triển các loại hình dịch vụ thời tiết, khí hậu; Tăng cường năng lực đội ngũ chuyên gia và cán bộ, đặc biệt trong công tác hiện đại hóa ngành và phát triển các dịch vụ KTTV; Tăng cường năng lực quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phạm vi của dự án: Dự án sẽ được triển khai tại trụ sở Tổng cục KTTV Việt Nam tại Hà Nội và một số tỉnh thuộc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Việt Bắc như: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc và Phú Thọ.