Công ước khung của Liên Hợp Quốc năm 1992 về Biến đổi khí hậu

Ứng phó với biến đổi khí hậu 23/06/2019

Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu là một hiệp ước quốc tế về môi trường được đàm phán tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED), thường được gọi là Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất diễn ra tại Rio de Janeiro từ ngày 3 đến 14 tháng 6 năm 1992. Mục tiêu của Hội nghị là ổn định các nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu. Công ước khung có hiệu lực từ ngày 21/03/1994, với số thành viên phê chuẩn là 197 nước. Việt Nam phê chuẩn Công ước từ ngày 16/11/1994. Cơ quan đầu mối thực thi Công ước là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC, Công ước khung) xác lập một khuôn khổ chung cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu và đã được cụ thể hóa thông qua nhiều quyết định của Hội nghị các Bên.

Công ước quy định những vấn đề gì?                                                                                                 

Mục tiêu

Điều 2 UNFCCC quy định mục tiêu của Công ước là ứng phó với biến đổi khí hậu trên cơ sở đề ra một mục tiêu và tiêu chí chung cho việc xây dựng lộ trình hoàn thành mục tiêu đó.

Mục tiêu của Công ước nhằm ổn định mức độ tích tụ khí nhà kính ở mức có thể ngăn ngừa các tác động nguy hiểm.

Tại Công ước đưa ra các tiêu chí sau: Cho phép hệ sinh thái thích nghi với biến đổi khí hậu một cách tự nhiên; bảo đảm cho sản xuất lương thực không bị đe dọa; tạo điều kiện để phát triển kinh tế theo cách thức bền vững.

0082-resize 01.jpg

Nội dung

Sau đó, mục tiêu này đã được các Quốc gia thành viên chính thức cụ thể hóa thành một mục tiêu có tính định lượng: bảo đảm nhiệt độ không tăng cao hơn 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thỏa thuận Paris thậm chí còn đi xa hơn thế và quy định các nước thành viên có thể lựa chọn theo đuổi mục tiêu là 1.5°C.

Nội dung của Công ước bao gồm các điều khoản cung cấp bối cảnh để hiểu Công ước, các điều khoản ghi nhận cam kết của thành viên, các điều khoản về thể chế và các điều khoản về thủ tục đảm bảo tuân thủ.

0082-resize 02.jpg

Các nguyên tắc

Điều 3 UNFCCC quy định các nguyên tắc định hướng việc thực thi Công ước. Các nguyên tắc này được rút ra hoặc phù hợp với Tuyên bố Rio 1992 về Môi trường và Phát triển .

0083-resize 01.jpg

Bên cạnh tính chất định hướng, các nguyên tắc này cũng định hình các cam kết cụ thể. Ví dụ, với nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt, Điều 4 UNFCCC quy định các cam kết chung cho tất cả các thành viên và các cam kết dành riêng cho các nước phát triển.

Thể chế     

Đứng đầu cơ cấu thể chế của Công ước là Hội nghị các Bên, là cơ quan ra quyết định chính. Ban thư ký là cơ quan thường trực đặt tại Bonn (Đức), có nhiệm vụ chuẩn bị cho các phiên họp của Hội nghị các Bên và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Công ước hoặc theo yêu cầu của Hội nghị các Bên.

0083-resize 02.jpg

Tuân thủ

Theo hướng dẫn của Hội nghị các Bên, Cơ quan tư vấn về Khoa học và Công nghệ và Cơ quan giúp việc Thực thi có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Điều 9 và 10 UNFCCC.

Việc tuân thủ các cam kết được nêu tại Điều 4 UNFCCC được đảm bảo thông qua nghĩa vụ cung cấp thông tin thường xuyên về các hoạt động thực thi Công ước và quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp.

0084-resize 01(1).jpg

 Việt Nam cần tuân thủ những nghĩa vụ gì?                                                                                       

Công ước phân biệt giữa cam kết bắt buộc áp dụng cho tất cả các Quốc gia thành viên và cam kết chỉ áp dụng cho hoặc nước phát triển hoặc nước đang phát triển. Liên quan tới Việt Nam, với tư cách là nước đang phát triển, Công ước quy định các cam kết thực thi và báo cáo thông tin như sau.

0084-resize 02.jpg

Các cam kết này đã được cụ thể hóa theo các quyết định được Hội nghị các Bên thông qua.

Các cam kết thực thi cho nước đang phát triển

Điều 4(1) UNFCCC quy định các cam kết bắt buộc cho tất cả các Quốc gia thành viên. Tuy nhiên theo Điều 4(7) UNFCCC việc thực thi của các nước đang phát triển như Việt Nam sẽ tùy thuộc vào sự hỗ trợ từ các nước phát triển.

0084-resize 03.jpg

Trong bối cảnh cam kết ở Điều 4(1) UNFCCC để thực thi các biện pháp giảm nhẹ, Hội nghị các Bên đã đưa ra sáng kiến vềHoạt động giảm thiểu phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (National Approriate Mitigation Actions, gọi tắt là NAMA) như một công cụ tự nguyện cho các nước đang phát triển nhằm cắt giảm việc thải khí nhà kính với sự hỗ trợ của các nước phát triển.

Cam kết cung cấp thông tin của các nước đang phát triển

Điều 12 quy định nghĩa vụ báo cáo bắt buộc và tự nguyện, là cơ sở hình thành khuôn khổ minh bạch theo Công ước.

0085-resize 01.jpg

Hội nghị các Bên đã cụ thể hóa các cam kết này cả về nội dung lẫn chu kỳ báo cáo đối với các quyết định khác nhau. Theo đó, việc nộp các Thông tin quốc gia là bắt buộc, còn việc nộp các Báo cáo cập nhật hai năm một lần là tự nguyện đối với Việt Nam, với tư cách nước đang phát triển.

0085-resize 02.jpg

     

Chi tiết nội dung Công ước tải tại đây.

 Tìm hiểu thêm 

Cổng thông tin của Công ước:

- http://unfccc.int/essential_background/convention/items/6036.php

Ấn phẩm chính:

- UNFCCC Secretariat, 2006, UNFCCC Handbook (Ban thư ký UNFCCC, 2006, Sổ tay Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu)

https://unfccc.int/resource/docs/publications/handbook.pdf