Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai

Lĩnh vực khí tượng thủy văn 17/06/2019

Trong những năm gần đây, độ tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng được nâng cao hơn, đặc biệt, việc dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão, mưa, lũ lớn vốn là những loại hình thời tiết rất nguy hiểm, tác động và gây thiệt hại trên diện rộng về cơ bản đáp ứng được những yêu cầu của công tác phòng, chống thiên tai, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

- Về dự báo, cảnh báo bão: từ năm 2018, đã tăng thời hạn dự báo, cảnh báo bão sớm từ 3 ngày lên đến 5 ngày; thông tin dự báo sớm về bão đã góp phần chủ động trong công tác phòng chống trên biển. Độ tin cậy (hoặc sai số dự báo) trong bản tin dự báo bão (vị trí và cường độ bão) của Việt Nam đã dần tiệm cận với trình độ dự báo của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay trên thế giới cũng đã thực hiện dự báo, cảnh báo bão trước 5 ngày, tuy nhiên độ tin cậy cao chỉ thường xuyên ở bản tin dự báo trước từ 1-3 ngày.

- Dự báo, cảnh báo mưa lớn: trước 2-3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%, tuy nhiên, đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơ dông mới chỉ cảnh báo trước được trong khoảng thời gian ngắn do hạn chế về khoa học dự báo mưa đối với vùng nhiệt đới và hạn chế về mật độ mạng lới đo mưa.

- Dự báo, cảnh báo lũ: Trên các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước 1-2 ngày và ở khu vực Bắc Bộ trước 3-5 ngày với độ tin cậy 70-80%. Tỷ lệ này tương đương với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Philipin, Indonexia…

- Dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng: Trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 70%, thời điểm kết thúc các đợt nắng nóng diện rộng có độ tin cậy từ 80-90%.

- Đã thực hiện được dự báo thời tiết cho từng địa điểm thời hạn đến 10 ngày (Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia thực hiện cho 63 điểm đại diện cho đơn vị cấp tỉnh; các Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực và Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh thực hiện cho các điểm đại diện cho đơn vị cấp huyện).

- Việc cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai đã được thực hiện theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và đã xác định phù hợp đến từng địa phương, phục vụ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai các nhiệm vụ có liên quan đến lĩnh vực khí tượng thuỷ văn, biến đổi khí hậu còn một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân sau:

- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực khí tượng thuỷ văn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nên một số mặt công tác, lĩnh vực chuyên sâu thiếu quy định điều chỉnh; một số quy định đã ban hành nhưng khi triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, ví dụ: việc cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trong các bản tin cảnh báo, dự báo khí tượng thuỷ văn; việc thực hiện quy định cung cấp thông tin hồ chứa phục vụ dự báo khí tượng thuỷ văn chưa được chủ các công trình hồ thực hiện nghiêm túc, quy định cấp báo động lũ còn bất cập.

Untitled 1 Công nghệ giúp nâng cao chất lượng công tác dự báo thiên tai

- Một số loại hình thiên tai như dông, lốc, sét, mưa đá… chỉ có thể đưa ra cảnh báo khả năng xuất hiện trên vùng rộng. Việc cảnh báo chi tiết cho các khu vực chỉ thực hiện được ở khu vực có số liệu quan trắc của ra đa thời tiết trước từ 30 phút đến 01 giờ.

- Do các hạn chế về khoa học, công nghệ, thiếu số liệu thông tin nền về điều kiện sinh lũ quét và sạt lở đất như địa hình, cấu trúc địa chất, lớp vỏ phong hoá, đặc điểm thảm phủ, độ ẩm, mức độ bão hoàn, ngưỡng mưa sinh lũ quét và sạt lở đất, các hoạt động kinh tế-xã hội, dân sinh như giao thông, khai thác mỏ, xây dựng, phân bố dân cư và do tính phức tạp, bất bờ, ngắn hạn của lũ quét, sạt lở đất nên việc cảnh báo, phòng chống các hiện tượng thiên tai khí tượng thuỷ văn nguy hiểm này còn gặp nhiều khó khăn.

- Việc dự báo thiên tai đã có tiến bộ về mặt định tính (khu vực, thời gian, hướng di chuyển, ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai). Tuy nhiên, dự báo định lượng như cường độ bão, cường độ mưa… vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với các trường hợp mưa lớn kỷ lục, cục bộ và ở những nơi ít thông tin quan trắc như vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên.

- Dự báo lũ, ngập lụt đặc biệt là đối với các sông ngắn, dốc ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên với thời gian tập trung nước nhanh, các sông có nhiều hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện còn gặp nhiều khó khăn. Công nghệ dự báo cực ngắn chưa được đầu tư xây dựng thoả đáng.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên là do các nguyên nhân sau:

- Mạng lưới quan trắc phục vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn còn quá thưa, chưa thực hiện quan trắc và truyền số liệu tự động đồng bộ nên chưa đáp ứng được yêu cầu số liệu đầu vào của các mô hình dự báo.

- Hạn chế về công nghệ của cả hệ thống quan trắc, hệ thống thông tin và xử lý số liệu, phân tích dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn. Các thông tin, số liệu về vận hành hồ chưa chưa được đồng bộ hoá cùng hệ thống số liệu khí tượng thuỷ văn.

- Biến đổi khí hậu toàn cầu làm các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và trái quy luật cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới cho công tác dự báo khí tượng thuỷ văn.

- Giới hạn khả năng của khoa học công nghệ dự báo trên thế giới và trong nước hiện nay chưa cho phép dự báo chi tiết, chính xác, định lượng một số loại hình thiên tai.

- Các hoạt động kinh tế- xã hội phát triển đa dạng với nhiều ngành nghề, phạm vi ngày càng mở rộng cả ở các vùng núi, biển và hải đảo xa, trong đó, nhiều vùng có nguy cơ thiên tai khí tượng thuỷ văn cao. Dự báo khí tượng thuỷ văn biển còn gặp nhiều khó khăn, sai số lớn trong khi yêu cầu dự báo cho các khu vực trên biển ngày càng cao về độ tin cậy, mức chi tiết, thời gian dự báo sớm…

- Trình độ của cán bộ chuyên môn kỹ thuật khí tượng thuỷ văn nói chung và của dự báo viên khí tượng thuỷ văn nói riêng còn hạn chế, đặc biệt là ở cấp khu vực và cấp tỉnh.

Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ mà Quốc hội giao, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin dữ liệu và tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; hoàn thiện hệ thống thể chế, hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách phục vụ cho hoạt động khí tượng thủy văn phát triển; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế và các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, truyền thông, nâng cao nhận thức về khí tượng thủy văn, chính sách thu hút nhân tài cho ngành khí tượng thủy văn.