Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 38/2016/NĐ-CP

Lĩnh vực khí tượng thủy văn 03/06/2019

Thực hiện quy định của Luật Khí tượng thủy văn năm 2015, ngày 15/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thủy văn (sau đây gọi tắt là Nghị định số 38/2016/NĐ-CP). Căn cứ quy định của Nghị định số 38, thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan đã triển khai thi hành các nội dung liên quan. Qua 3 năm triển khai Nghị định 38/2016/NĐ-CP đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn (KTTV). Việc quản lý hoạt động KTTV chuyên dùng bước đầu đi vào nề nếp. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 45 tỉnh, thành phố và 03 Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải) lập danh mục 393 công trình và chủ công trình phải quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.

 

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Trưởng Ban soạn thảo phát biểu tại cuộc họp

 

Ngoài ra theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức cá nhân và thống kê của Tổng cục Khí tượng thủy văn thì hiện trên lãnh thổ Việt Nam đã có khoảng 700 trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng hiện đang hoạt động trong các ngành, lĩnh vực (không bao gồm lĩnh vực quốc phòng, an ninh). Hành lang kỹ thuật theo quy định của Nghị định đã tương đối phù hợp với thực tế, vừa đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật, vừa không mâu thuẫn với các hoạt động phát triển kinh tế xã hội khu vực có công trình. Từ khi Nghị định số 38 có hiệu lực thi hành, tình trạng vi phạm hành lang kỹ thuật công trình đã giảm, ít phát sinh vi phạm mới.

Hoạt động dự báo cảnh báo của tổ chức cá nhân khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn, trao đổi thông tin dữ liệu KTTV, giám sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài không thuộc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có đủ cơ sở pháp lý và bước đầu mang lại kết quả…

Tuy nhiên bên cạnh các kết quả đạt được, một số quy định của Nghị định khi áp dụng vào thực tế còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Một số quy định về loại công trình chưa cụ thể, chi tiết, dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng; yêu cầu tiếp tục minh bạch hồ sơ, đơn giản thủ tục hành chính cấp giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV, một số quy định về hành lang kỹ thuật công trình KTTV cần được điều chỉnh thêm về kỹ thuật. Thêm vào đó, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới hoạt động KTTV, do vậy cũng cần có sự điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật.

Xuất phát từ thực tế nêu trên và căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 38/2016/NĐ-CP của Chính phủ, việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khí tượng thủy văn là cần thiết, đủ cơ sở pháp lý và có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khí tượng thủy văn trong thời gian tới.

Theo đó dự thảo Nghị định gồm 3 Điều, trong đó tập trung đề xuất vào sửa đổi, bổ sung 11 quy định tại các điểm, khoản thuộc Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 8, Điều 9, Điều 13, Điều 15, Điều 24, Điều 30, Điều 34 của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP. Cụ thể là điều chỉnh, bổ sung công trình phải quan trắc quy định tại khoản 3 Điều 13 của Luật Khí tượng thủy văn; mở rộng phạm vi đối với loại công trình đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt, loại lớn, loại vừa và hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông; sửa đổi, bổ sung một số quy định về hành lang kỹ thuật công trình KTTV để đảm bảo phù hợp hơn với thực tế hoạt động quan trắc và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; sửa đổi đơn giản hóa một số giấy tờ, hồ sơ liên quan đến thủ tục hành chính cấp giấy phép dự báo, cảnh báo KTTV….

Toàn cảnh cuộc họp