Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển là nền tảng cho việc phát triển kinh tế biển, quản lý biển, hải đảo của nước ta trong giai đoạn tới

Lĩnh vực biển và hải đảo 01/06/2019

Ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là “đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”. Chiến lược cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 cho từng lĩnh vực: về kinh tế biển; về xã hội; về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như các chỉ tiêu tổng hợp.

.

 

_MG_1119%20chon_resize.JPG

Thứ trưởng Trần Quý Kiên phát biểu tại Hội thảo

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển là một chiến lược tổng thể, toàn diện, là nền tảng cho việc phát triển kinh tế biển, quản lý biển, hải đảo của nước ta trong giai đoạn tới với những khâu đột phá hết sức quan trọng và các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính chiến lược vừa mang tính cụ thể để đạt được các mục tiêu đề ra.

Thực hiện Nghị quyết, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết và xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình, kế hoạch hành động để cụ thể, thể chế hóa Nghị quyết. Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch tổng thể  và  kế hoạch 5 năm của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo để trao đổi các nội dung về: Khung Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ; Bối cảnh, cơ hội, thách thức khu vực và thế giới đối với việc thực hiện Chiến lược; Vấn đề phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường - sinh thái tại Biển Đông. “Hội thảo này có ý nghĩa lớn, góp phần quan trọng vào thành công của việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.”

_MG_1215%20chon_resize.JPG

Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Tạ Đình Thi phát biểu tại Hội thảo

Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý tập trung thảo luận một số nội dung chủ yếu:

Một là, cụ thể hóa các mục tiêu của Chiến lược; phương pháp, tiêu chí, cách thức tiến hành xác định các nhiệm vụ, lộ trình thực hiện một cách cụ thể, khả thi theo các giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030;

Hai là, nhận diện đầy đủ bối cảnh, làm rõ các cơ hội và thách thức khu vực và thế giới, trên cơ sở đó để có thể đề xuất các giải pháp hợp lý, khả thi nhằm thực hiện Chiến lược;

Ba là, phân tích, đánh giá về triển khai thực hiện các khâu đột phá phục vụ xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm, trước mắt là phát triển mô hình tăng trưởng xanh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong ngành nuôi biển - một ngành kinh tế biển mới nổi và trong ứng phó các thách thức an ninh môi trường biển Đông.

_MG_1111%20chon_resize.JPG

Toàn cảnh Hội thảo

Trong thời gian tới, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến tham luận, trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ tập trung trí tuệ, nguồn lực để xây dựng Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW đảm bảo tiến độ và chất lượng; đồng thời, hoàn thiện bộ tiêu chí làm cơ sở lựa chọn các nhiệm vụ, đề án, dự án, đề tài để đưa vào Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm.

 

_MG_1235%20chon_resize.JPG

Thứ trưởng Trần Quý Kiên trao tặng Bằng khen Bộ trưởng Bộ TN&MT cho các nhà khoa học, chuyên gia đã có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Nghị quyết 36-NQ/TW