40 năm phát triển Công ước Luật biển của Liên hợp quốc và sự tham gia tích cực của Việt Nam
Lĩnh vực biển và hải đảo 19/04/2023
Từ khoá: Công ước Luật Biển của Liên hợp Quốc/UNCLOS, Việt Nam, giải quyết tranh chấp, Biển Đông.
Abstract: The United Nations Convention on the Law of the Sea (UNCLOS) was signed in 1982. Over the past 40 years, UNCLOS has shown the important role in the management of seas and oceans globally. UNCLOS has made great achievements, but there are also challenges to the role and development of this “Constitution for the Oceans”. Vietnam is one of the countries that have signed up to UNCLOS very early, and Vietnam also has a series of active activities in support, application and development of UNCLOS during the past time.
Keywords: The United Nations Convention on the Law of the Sea; Vietnam; dispute settlement; South China Sea.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Giới thiệu
Ngày 10/12/2022 là dịp kỷ niệm 40 năm các quốc gia đầu tiên đã ký kết UNCLOS. Tuy nhiên, UNCLOS phải bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/11/1994, sau khi đã được 60 quốc gia thành viên phê chuẩn. Đến nay, UNCLOS đã được gần như tất cả các thành viên của Liên hợp quốc (LHQ) phê chuẩn, ngoại trừ 15 thành viên chưa phê chuẩn. Bảy trong số 15 quốc gia từ chối này là các quốc gia không giáp biển, Hoa Kỳ, Iran và Bắc Triều Tiên cũng nằm trong số các quốc gia chưa phê chuẩn UNCLOS.
Trong 40 năm qua, UNCLOS đã trở thành nền tảng pháp lý quan trọng cho việc quản trị đại dương toàn cầu. Mặc dù UNCLOS không thể giải quyết được tất cả mọi bất đồng, nhưng các quy tắc và nguyên tắc của nó đã được sử dụng để giải quyết hoặc quản lý hàng chục tranh chấp biển trên thế giới. Ngay tại khu vực Đông Nam Á, một số quốc gia đã thay đổi luật pháp trong nước và điều chỉnh các yêu sách biển của mình để phù hợp với UNCLOS và nhờ đó có thể giải quyết các tranh chấp về biên giới biển cũng như các tranh chấp biển khác với các nước láng giềng. UNCLOS đã chứng tỏ giá trị của nó và các giá trị này cần phải được bảo vệ và tôn vinh.
2. Thành tựu của Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc
Đánh giá về thành tựu thì không thể chỉ xem xét riêng UNCLOS mà phải đặt UNCLOS trong tổng thể các quy định của pháp luật biển quốc tế. Pháp luật biển quốc tế là một lĩnh vực phức tạp, ngoài UNCLOS, còn có các quy tắc của pháp luật biển quốc tế thông thường (nhiều quy tắc trong số đó về bản chất phản ánh các quy tắc được nêu trong UNCLOS). Pháp luật biển cũng bao gồm một loạt các điều ước đa phương, khu vực và song phương quan trọng khác, cũng như các án lệ, về các vấn đề như vận tải biển, đánh bắt cá, bảo vệ môi trường và phân định biển. Các khía cạnh khác của pháp luật pháp quốc tế nói chung, chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến quyền tài phán, luật hình sự quốc tế, nhân quyền và việc sử dụng vũ lực, áp dụng đối với các hoạt động trên biển.
UNCLOS có thể được coi là một trong những công ước quan trọng và thành công nhất của luật pháp quốc tế hiện đại. Trong nhiều khía cạnh, nó đóng vai trò như một khuôn khổ, thiết lập các quy tắc cơ bản mà không nhất thiết ảnh hưởng đến các giải pháp đạt được đối với các vấn đề cụ thể.
Các nhà đàm phán UNCLOS đã thành công trong việc đạt được thỏa thuận giữa hầu như tất cả các quốc gia về các quy tắc cơ bản của pháp luật biển quốc tế thông qua cái gọi là “thỏa thuận cả gói”[1]. Họ đã làm điều này vào thời điểm mà có vẻ như các yêu sách của một số quốc gia ven biển sẽ dẫn đến việc bao vây ngày càng nhiều không gian biển, gây bất lợi lớn cho nhiều quốc gia mà giao thông hàng hải và hàng không đại diện cho lợi ích sống còn. UNCLOS đã đạt được kết quả cân bằng liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế, đặt cơ sở cho việc thực hiện di sản chung của nhân loại (vùng đáy đại dương). Trên tất cả, UNCLOS củng cố các quyền thiết yếu đối với thông tin liên lạc quốc tế, cũng như đối với hòa bình và an ninh quốc tế nói chung, bao gồm các quyền tự do hàng hải và hàng không, quá cảnh qua các eo biển quốc tế và đi qua không gây hại trong lãnh hải.
Nỗ lực đầu tiên nhằm hệ thống hóa luật biển, bốn Công ước Geneva năm 1958, đã không thành công trong việc giải quyết các vùng biển. Điều đó dẫn đến việc các quốc gia tuyên bố chủ quyền lãnh hải của họ với chiều rộng từ ba đến 200 hải lý và các vùng bên ngoài lãnh hải vì các mục đích khác nhau và có chiều rộng khác nhau. Từ đó đã dẫn đến lo ngại rằng, các quốc gia có công nghệ tiên tiến sẽ chiếm đoạt các khu vực rộng lớn dưới đáy biển cho riêng mình. Điều này đã dẫn tới rất nhiều tranh chấp, chẳng hạn như “chiến tranh cá tuyết” của Vương quốc Anh với Iceland (1958-1976)[2]. UNCLOS đã giúp chấm dứt những tuyên bố đơn phương và tình hình hỗn loạn trước đây.
UNCLOS về cơ bản đã đứng vững trong 40 năm qua và sẽ tiếp tục như vậy. UNCLOS đã cung cấp một khuôn khổ ổn định để điều chỉnh các hoạt động trên biển, điều chưa từng tồn tại trước đây. Đây có lẽ là thành tựu lớn nhất của UNCLOS.
Thứ hai, UNCLOS đã đưa ra một cơ chế điều chỉnh việc khai thác khoáng sản từ đáy biển ngoài thềm lục địa, trong cái gọi là Vùng đáy đại dương (còn gọi là Vùng) gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm dưới biển cả và nằm bên ngoài các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia.
Trước khi UNCLOS được thông qua, đã có lo ngại rằng hoạt động khai thác khoáng sản dưới biển sâu sẽ trở thành hoạt động miễn phí cho tất cả mọi người. Thậm chí sau đó, đã có một khoảng thời gian, vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, khi có vẻ như nhiều nước công nghiệp hóa sẽ không phê chuẩn UNCLOS và thay vào đó thiết lập chế độ khai thác của riêng họ. Mối nguy hiểm đó đã được ngăn chặn với việc ký kết một thỏa thuận vào năm 1994, trong khi được mô tả một cách hoa mỹ chỉ đơn thuần là “thực hiện” Phần XI của UNCLOS, trên thực tế lại sửa đổi nó một cách triệt để. Thỏa thuận này đã khuyến khích các nước công nghiệp phê chuẩn UNCLOS. Kể từ đó, Cơ quan Quyền lực Đáy Đại Dương - cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hoạt động khai thác khoáng sản dưới biển sâu trong Vùng, đã thông qua ba hệ thống quy định quản lý hoạt động thăm dò đối với các kết cuội mangan, các mỏ sunfit đa kim và lớp vỏ ferromanganese giàu coban[3]. Cơ quan này hiện cũng đang soạn thảo các quy định về khai thác thương mại và dự kiến sẽ ban hành vào tháng 6 năm 2023[4]. Một vấn đề chính là những quy định đó sẽ giúp giảm thiểu tác hại không thể tránh khỏi đối với môi trường biển do khai thác dưới biển sâu gây ra.
Thứ ba, UNCLOS đã thu hút được sự tham gia gần như của các thành viên trên toàn cầu. Trong số 193 thành viên của LHQ, 167 quốc gia và Liên minh châu Âu đang là thành viên của UNCLOS[5]. Điều đó trái ngược với Công ước Geneva năm 1958, chỉ được phê chuẩn bởi chưa đến một nửa số quốc gia hiện có. Ngay cả đối với các bên không tham gia, bao gồm Iran, Israel, Libya, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ, nhiều điều khoản của UNCLOS có tính ràng buộc vì chúng đại diện cho luật tập quán quốc tế.
Thứ tư, với tư cách là một công ước khung, UNCLOS đã đóng vai trò là chất xúc tác cho việc thông qua một số lượng lớn các hiệp ước khác liên quan đến biển. Một số lượng đáng kể các tổ chức quốc tế đang tham gia vào việc áp dụng, thực hiện và bổ sung UNCLOS, bao gồm cả việc phát triển thêm các công cụ và các quy tắc, tiêu chuẩn cũng như các thông lệ và thủ tục quốc tế được thống nhất. Ngoài LHQ, các tổ chức liên quan bao gồm Tổ chức Hàng hải Quốc tế, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ, Tổ chức Lao động Quốc tế, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của LHQ và Tổ chức Thủy văn quốc tế. Ngoài ra, cũng còn có một loạt các tổ chức khu vực và ngành, chẳng hạn như các tổ chức quản lý nghề cá khu vực, cũng như các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực này.
Thứ năm, UNCLOS bao gồm một hệ thống giải quyết tranh chấp, theo đó bất kỳ quốc gia thành viên nào trong tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS đều có thể (trừ một số trường hợp ngoại lệ) đưa tranh chấp đó ra xét xử mà không cần sự đồng ý của bên kia, sự đồng ý đó thường là được yêu cầu cho các tòa trọng tài hoặc tòa án khác có thẩm quyền.
UNCLOS nổi tiếng với cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc, theo đó hầu hết các tranh chấp có thể được đệ trình lên trọng tài hoặc một số cơ chế giải quyết tranh chấp được thỏa thuận khác. Khi UNCLOS bắt đầu có hiệu lực vào năm 1994, chỉ một số lượng tương đối nhỏ các tranh chấp đã được đệ trình để giải quyết. Tuy nhiên, càng về sau thì các tranh chấp biển được giải quyết theo quy định của UNCLOS tăng lên rất nhiều[6].
Phần XV của UNCLOS đưa ra quy định rộng rãi về việc giải quyết bắt buộc các tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng các điều khoản của nó. Việc giải quyết có thể do Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tòa án Quốc tế về luật biển (ITLOS), hoặc một tòa trọng tài ad hoc được thành lập cho vụ việc cụ thể. Các quyết định có giá trị ràng buộc đối với các bên trong vụ việc và phần lớn đã được tuân thủ. Phần XV cũng quy định trong một số trường hợp nhất định về hòa giải bắt buộc, một thủ tục đã được Timor-Leste và Úc sử dụng lần đầu và sử dụng thành công trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2018[7].
Cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc đã thúc đẩy cho sự tiến bộ của pháp luật biển. Việc giải thích của các toà án đã làm sáng tỏ một số điều khoản của Công ước, chẳng hạn như ý nghĩa của “đá" và “đảo" theo Điều 121, và giải thích cho việc thay đổi công nghệ, như được công nhận trong các phương pháp phát tín hiệu cho tàu trong khi truy đuổi khẩn cấp theo Điều 111. Các quyết định đôi khi phản ánh về “thỏa thuận cả gói” liên quan đến việc ký kết UNCLOS. Ví dụ, một số trường hợp đã tạo cơ hội để khẳng định sự cân bằng phải tồn tại giữa quyền của quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế và lợi ích của quốc gia khác về tự do hàng hải trong vùng biển đó.
Nhìn chung, có mức độ tuân thủ cao đối với các quy tắc được nêu trong UNCLOS. Đã có nhiều thông lệ giải quyết tranh chấp theo Phần XV của UNCLOS kể từ khi nó có hiệu lực vào năm 1994. Các trường hợp này đã đóng góp quan trọng vào việc giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các quốc gia, vào sự phát triển của luật pháp quốc tế chung và củng cố pháp luật biển quốc tế.
3. Những thách thức của Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu lớn, nhưng UNCLOS cũng đang đứng trước nhiều thách thức. Một trong những thách thức chính nảy sinh liên quan đến UNCLOS là sự bất đồng về cách giải thích và áp dụng các điều khoản của Công ước trong thực tế. Những bất đồng như vậy liên quan, ngoài những điều khác, về khả năng của các thực thể trên biển (ví dụ như các đảo nhỏ hoặc các mỏm đá tương tự) để tạo ra các yêu sách biển, quyền đi lại của tàu chiến và tàu chở các chất độc hại (ví dụ như vật liệu hạt nhân) qua lãnh hải, và tính hợp pháp cho việc tiến hành các cuộc diễn tập quân sự và các hoạt động liên quan trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia khác. Không có bất đồng nào trong số này là mới và chúng thường được phản ánh trong các tuyên bố của các quốc gia khi ký kết hoặc phê chuẩn Công ước. Đồng thời, những bất đồng như vậy không thuần túy mang tính học thuật và chúng có thể dẫn đến đối đầu trực tiếp trên biển, như đã được minh chứng rõ ràng qua sự cố vào tháng 6 năm 2021 ở Biển Đen liên quan đến con tàu HMS Defender của Anh[8].
Trong những năm qua, Trung Quốc đã nhận rất nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế khi luôn tìm cách giải thích và áp dụng UNCLOS theo một cách riêng của họ, trong đó nổi bật có cái gọi là “Đường chín đoạn” đầy tai tiếng trên Biển Đông, cũng như Tuyên bố về đường cơ sở của họ xung quanh Hoàng Sa năm 1996.
Thách thức tiếp theo là việc tuân thủ các quy định của UNCLOS từ các quốc gia thành viên. Phán quyết của Toà trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông do Philippines đưa ra chống lại Cộng hòa nhân dân (CHND) Trung Hoa là một ví dụ cụ thể. Trung Quốc đã từ chối không tham gia quá trình xét xử, cũng như không thừa nhận và không thi hành Phán quyết này. Tuy nhiên, đây cũng không chỉ là thách thức của riêng UNCLOS mà còn là hạn chế của luật pháp quốc tế nói chung. Chưa kể, trên thực tế, có nhiều quốc gia đã không chọn giải quyết tranh chấp theo UNCLOS vì những lý do chính trị hoặc những lý do khác.
Thách thức thứ ba là có những khía cạnh quan trọng của UNCLOS mà chưa có quy định về giải quyết tranh chấp. Một ví dụ điển hình là các tranh chấp về việc liệu một quốc gia ven biển có tuân thủ nghĩa vụ bảo tồn và quản lý tài nguyên sinh vật biển trong phạm vi quyền tài phán quốc gia hay không (Điều 297(3)). Mặc dù ngoại lệ này được đưa vào do tính nhạy cảm của các quốc gia ven biển đối với việc xem xét lại việc thực thi các quyền thuộc chủ quyền của họ, nhưng việc bảo vệ các vấn đề đó khỏi cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc là một vấn đề khó khăn do tình trạng nghèo nàn của nhiều nguồn cá trên thế giới và nhu cầu đảm bảo rằng các quốc gia được hành động thích hợp để giải quyết vấn đề này, như đã thảo luận ở trên. Đồng thời, các thủ tục thay thế khác có thể được sử dụng để đảm bảo sự giám sát chặt chẽ về mặt này. Chẳng hạn, đáng chú ý là các thủ tục hòa giải bắt buộc liên quan đến nghề cá, được quy định tại Điều 297(3) của UNCLOS, chưa bao giờ được sử dụng, mặc dù chúng có thể được đưa ra làm cơ sở giúp các bên tranh chấp ngồi lại với nhau để thống nhất về một giải pháp có thể chấp nhận được với sự hỗ trợ của các chuyên gia độc lập.
Thách thức quan trọng nữa là UNCLOS đã trao quyền tài phán rộng rãi cho quốc gia ven biển để thực thi các luật và các quy định trong lãnh hải của mình cũng như các quyền hạn cụ thể hơn để thực thi các quy định về đánh bắt cá, nghiên cứu khoa học biển và ô nhiễm môi trường biển trong EEZ của quốc gia đó. Quốc gia ven biển cũng có đặc quyền tài phán đối với các hoạt động trên thềm lục địa của mình. Việc thực thi của các quốc gia ven biển trong các trường hợp này phải tuân theo các biện pháp bảo vệ để đảm bảo rằng họ không lạm dụng quyền thực thi của mình[9]. Các biện pháp bảo vệ này là một phần quan trọng của “thỏa thuận cả gói" làm cơ sở cho UNCLOS, nhưng trong một số phán quyết gần đây của các tòa án và tòa trọng tài quốc tế về việc liệu các quốc gia ven biển có vi phạm nghĩa vụ của họ khi thực thi các quyền hay không đã đặt ra câu hỏi liệu các quốc gia ven biển có được tôn trọng đầy đủ trong các quyết định cưỡng chế của họ.
Một xu hướng khác trong giải quyết tranh chấp là việc các tòa án viện dẫn các quy tắc ngoài Công ước như một sự cân nhắc thích đáng trong việc giải quyết các tranh chấp UNCLOS. Đôi khi những quy tắc như vậy được sử dụng như một phương tiện để giải thích UNCLOS, đôi khi chúng được đưa trực tiếp vào Công ước thông qua các quy tắc tham chiếu. Một ví dụ cụ thể là Phán quyết Trọng tài vụ Chagos MPA (2015),[10] theo đó Vương quốc Anh bị phát hiện đã không tuân thủ các nghĩa vụ UNCLOS của mình bằng cách không tham khảo ý kiến của Mauritius trước khi tuyên bố khu bảo tồn biển xung quanh quần đảo Chagos. Phát hiện này dựa trên việc giải thích và áp dụng Điều 2(3) của UNCLOS, trong đó có khả năng cho phép các tranh chấp theo các quy tắc quốc tế khác áp dụng cho các vùng biển được xác định thông qua các thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS, ngay cả khi các quốc gia không có thỏa thuận nào khác. Ngoài ra, còn có các ví dụ khác mà các tòa án và trọng tài có thể bị cáo buộc là vượt quá các giới hạn của thẩm quyền tài phán, khi toà đã xác định các tranh chấp theo các nguyên tắc khác của luật pháp quốc tế nhưng lại nằm ngoài UNCLOS. Một ví dụ gần đây là Vụ Enrica Lexie (2020)[11], trong đó Tòa xác định vụ việc trên cơ sở luật miễn trừ của Nhà nước áp dụng cho tàu khi tàu ở trong cảng, đây là một vấn đề không được UNCLOS đề cập. Phán quyết đã được thông qua với đa số phiếu bầu, nhưng hai trọng tài viên bất đồng ý kiến đã nêu bật mối quan ngại của họ về việc liệu Tòa có thẩm quyền tài phán trong vụ việc này hay không?[12] Những trường hợp này đặt ra những câu hỏi nghiêm trọng về phạm vi quyền tài phán theo hệ thống giải quyết tranh chấp bắt buộc do UNCLOS thiết lập. Một số học giả đã cho rằng: “hạn chế nghiêm trọng hơn của quan điểm mở rộng này về luật áp dụng là các quốc gia sẽ trở nên thận trọng hơn trong việc chấp nhận các điều khoản thẩm quyền bắt buộc trong các hiệp ước, và có thể bắt đầu bác bỏ những điều khoản mà trước đây họ sẵn sàng chấp nhận”[13].
Một lỗ hổng lớn khác trong khuôn khổ UNCLOS liên quan đến việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở các khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ). Các cuộc đàm phán đang được tiến hành tại LHQ để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, chúng đã bị trì hoãn do Đại dịch Covid-19 và phần nào bị lu mờ bởi trọng tâm hiện tại là vấn đề biến đổi khí hậu tại COP 26 và COP 27.
Các quốc gia thành viên UNCLOS cần thúc đẩy việc bảo vệ có ý nghĩa đối với các hệ sinh thái biển, lý tưởng nhất là thành lập các khu bảo tồn biển được bảo vệ nghiêm ngặt, không cho phép các hoạt động khai thác nơi đây.
4. Việt Nam tích cực tham gia Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc
Là một quốc gia ven biển có đường bờ biển dài trên 3000 km với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có nhiều lợi ích gắn liền với biển. Nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng xây dựng UNCLOS và có nhiều nỗ lực trong việc thực thi UNCLOS.
Năm 1977, Việt Nam đã ban hành “Tuyên bố của Chính phủ về các vùng biển Việt Nam”[14], trong đó xác lập vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, không chỉ giới hạn trong quyền đánh cá mà còn có các quyền chủ quyền và quyền tài phán khác. Tuyên bố này được đưa ra khi UNCLOS đang được xây dựng và chưa được ký kết, phản ánh xu thế được đa số các nước ủng hộ tại Hội nghị Luật biển lần thứ 3, thể hiện sự đóng góp của Việt Nam vào quá trình pháp điển hóa luật biển quốc tế.
Việt Nam cũng là một trong 107 quốc gia tham gia ký Công ước tại Montego Bay, Jamaica ngay sau khi văn kiện này được mở ký và là một trong những quốc gia phê chuẩn sớm, trước khi Công ước có hiệu lực. Điều này thể hiện thiện chí, sự coi trọng và kỳ vọng của Việt Nam vào một trật tự pháp lý mới về biển và đại dương.
Ngày 23/6/1994, Quốc hội Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc phê chuẩn UNCLOS[15], trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở các quy định của Công ước và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, yêu cầu các nước tôn trọng các quyền nêu trên của Việt Nam.
Đồng thời, Nghị quyết còn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012 nhằm thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác tài nguyên biển và quản lý các vùng biển, thềm lục địa, hải đảo của Việt Nam, cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và các nước láng giềng[16]. Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc chuyển hóa các quy định của UNCLOS vào hệ thống pháp luật trong nước, tạo thuận lợi cho việc quản lý thống nhất về biển và phát triển kinh tế biển Việt Nam. Cùng với việc ban hành Luật Biển, Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Bộ luật Hàng hải năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2017, điều chỉnh các hoạt động giao thông hàng hải trên biển, chế độ ra vào các cảng biển Việt Nam[17].
Với chủ trương nhất quán thông qua các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc áp dụng có hiệu quả UNCLOS để giải quyết các tranh chấp về phân định biển với các nước láng giềng, trong đó luôn đề cao nguyên tắc công bằng để tìm ra giải pháp hợp lý, cụ thể là: Việt Nam đã ký với Thái Lan Hiệp định về phân định biển ngày 09/8/1997; ký với Trung Quốc Hiệp định và phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000; ký với Indonesia Hiệp định về phân định thềm lục địa ngày 26/6/2003[18].
Thực tiễn đàm phán, ký kết các văn kiện nêu trên đã thể hiện sự vận dụng sáng tạo các quy định của UNCLOS, đóng góp và làm phong phú thêm luật pháp quốc tế về phân định biển. Trên cơ sở các quy định của UNCLOS, Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán phân định và hợp tác cùng phát triển tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc; đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia và đàm phán về các vấn đề trên biển với các nước láng giềng khác.
Mặc khác, Việt Nam luôn tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Theo đó, khi bàn về vấn đề tranh chấp Biển Đông, Việt Nam luôn kiên trì yêu cầu “tôn trọng pháp luật quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982”, coi đây như một nguyên tắc để giải quyết và xử lý các tranh chấp liên quan đến biển đảo. Việt Nam đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN, kể cả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC); “Tuyên bố 6 điểm ngày 20/7/2012 của ASEAN về Biển Đông”; dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trong đàm phán Việt Nam và các nước thống nhất nguyên tắc COC phải sử dụng UNCLOS làm cơ sở.
Việt Nam còn tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế được thành lập theo Công ước. Việt Nam đã từng được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng và thành viên Hội đồng của Cơ quan Duyền lực quốc tế về đáy Đại Dương[19]. Việt Nam tham gia đầy đủ Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước được tổ chức hàng năm tại Đại hội đồng LHQ và luôn có những đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy thực thi hiệu quả UNCLOS; tham gia và có những đóng góp tích cực vào các hội nghị của Cơ quan Quyền lực quốc tế về đáy Đại Dương; ủng hộ tăng cường hoạt động của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) và nâng cao vai trò của Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS); đồng thời đóng góp đầy đủ kinh phí để các cơ quan nói trên có thể hoạt động hiệu quả.
Đây chính là những bằng chứng sinh động thể hiện thiện chí, sự tích cực, quyết tâm và cam kết thực tế của Chính phủ Việt Nam đối với việc tôn trọng và thực thi các quy định của UNCLOS, đồng thời thể hiện nỗ lực và chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc hợp tác giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, nhằm thúc đẩy hợp tác với các quốc gia, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông.
Trong bối cảnh phức tạp hiện nay ở Biển Đông, việc tôn trọng và tuân thủ đầy đủ UNCLOS càng có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực. Điều quan trọng là tất các quốc gia cần tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý cũng như các tiến trình đàm phán đang diễn ra, tránh có những động thái nhằm làm xói mòn, hạ thấp vai trò của UNCLOS.
Mọi yêu sách về biển của các nước cần dựa trên các quy định của UNCLOS, không áp đặt các yêu sách thái quá, không phù hợp với quy định của Công ước này. Khi có bất đồng hoặc khác biệt liên quan đến giải thích và thực thi Công ước, các bên liên quan cần thương lượng, giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS.
Trong khi chưa giải quyết được các tranh chấp, các nước liên quan cần tôn trọng và thực hiện đầy đủ DOC, kiềm chế, không thực hiện các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng tranh chấp, tham gia đàm phán một cách xây dựng nhằm sớm đạt một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với các quy định của UNCLOS./.
[1] Alan Beesley, “The Negotiating Strategy of UNCLOS III: Developing and Developed countries as Partners–a Pattern for Future Multilateral international conferences?”, Law and Contemporary Problems, vol. 46, No.2 (spring 1983), p. 183-194 (185).
[2] https://www.atlasobscura.com/articles/what-were-cod-wars.
[3] https://www.isa.org.jm/mining-code.
[4] https://www.isa.org.jm/news/nauru-requests-president-isa-council-complete-adoption-rules-regulations-and-procedures.
[5] https://www.un.org/depts/los/reference_files/chronological_lists_of_ratifications.htm#The United Nations Convention on the Law of the Sea.
[6] Tính từ 1997 cho đến 2019 đã có 27 tranh chấp đưa ra giải quyết tại Toà án Quốc tế về luật biển (ITLOS), 12 tranh chấp đưa ra giải quyết tại Toà trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS.
[7] Vụ hoà giải giữa Timor-Leste và Australia, truy cập tại: https://pca-cpa.org/en/cases/132/
[8] https://www.russiamatters.org/analysis/hms-defender-incident-what-happened-and-what-are-political-ramifications.
[9] J Harrison, ‘Safeguards against excessive enforcement measures in the Exclusive Economic Zone – law and practice’, in H Ringbom (ed.), Jurisdiction over Ships: Post-UNCLOS Developments in the Law of the Sea (Brill 2015) 217-248.
[10] Phán quyết trọng tài Vụ Khu bảo tồn biển (MPA) Chagos, truy cập tại: https://pca-cpa.org/en/cases/11/.
[11] Phán quyết trọng tài Vụ Enrica Lexie, truy cập tại: https://pca-cpa.org/en/cases/117/.
[12] Ý kiến bất đồng của Thẩm phán Patrick Robinson, https://pcacases.com/web/sendAttach/16774, đoạn 30.
[13] AE Boyle and J Harrison, ‘Judicial Settlement of International Environmental Disputes: Current Problems’ (2013) 4 Journal of International Dispute Settlement, p. 245, 255.
[14] https://canhsatbien.vn/portal/pho-bien-giao-duc-phap-luat/ tuyen-bo-cua-chinh-phu-nuoc-chxhcn-viet-nam-ve-lanh-hai-vung-tiep-giap-vung-dac-quyen-kinh-te-va-them-luc-dia-cua-vn-ngay-12-5-1977.
[15] https://moit.gov.vn/van-ban-phap-luat/van-ban-phap-quy/nghi-quyet-ve-viec-phe-chuan-cong-uoc-cua-lien-hop-quoc-ve-l.html.
[16] https://chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=163056.
[17] https://vbpl.vn/FileData/TW/Lists/vbpq/Attachments/96117/VanBanGoc_95.2015.QH13.P1.pdf.
[18] Nguyễn Mạnh Đông, Giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ của Việt Nam: Kết quả và bài học kinh nghiệm, Tạp chí Cộng sản, truy cập tại: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/821647/giai-quyet-cac-van-de-bien-gioi,-lanh-tho-cua-viet-nam--ket-qua-va-bai-hoc-kinh-nghiem.aspx.
[19] https://dangcongsan.vn/thoi-su/viet-nam-trung-cu-vao-uy-ban-phap-ly-va-ky-thuat-co-quan-quyen-luc-quoc-te-day-dai-duong-619479.html.
HOÀNG VIỆT
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 01+02 (473+474), tháng 1/2023.)
TIN LIÊN QUAN
- Áp dụng quy tắc giải thích điều ước quốc tế trong xác định đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
- Quyền tiếp cận biển và khai thác tài nguyên sinh vật biển của các quốc gia nội lục theo UNCLOS
- Tránh chồng chéo, phát sinh thủ tục hành chính khi xây dựng Nghị định về hoạt động lấn biển
- Trọng tâm công tác quản lý tài nguyên môi trường biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025
- Rà soát, đánh giá, đề xuất, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo