Các nhiệm vụ trọng tâm công tác quản lý tài nguyên môi trường biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 như sau:
Rà soát, đánh giá, đề xuất, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Sơ kết việc thi hành và nghiên cứu sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn làm cơ sở xây dựng các dự án luật có liên quan về quản lý vùng bờ, khai thác, sử dụng các vùng biển và quản lý các hải đảo; xây dựng các nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật: ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Nghị định quy định về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển của tổ chức, cá nhân được giao để nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ, bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi khu vực biển vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng, Nghị định quy định về hoạt động lấn biển, Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản và quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển nhằm hoàn thiện hành lang cơ sở pháp lý thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Ban hành Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xây dựng, công bố Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm tính liên kết vùng, giữa địa phương có biển và không có biển.
Quan tâm, đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; Chương trình tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030; Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam lần thứ nhất nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 26/NQ-CP, huy động sự hợp tác và các nguồn lực phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, và đề xuất các định hướng chiến lược, giải pháp mới nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.