Quyền tiếp cận biển và khai thác tài nguyên sinh vật biển của các quốc gia nội lục theo UNCLOS
Lĩnh vực biển và hải đảo 22/02/2022
TS. NGUYỄN THỊ THU TRANG
Giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế _Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM
Từ khóa: Quyền tiếp cận biển, quyền khai thác tài nguyên sinh vật, quốc gia nội lục, UNCLOS.
Abstract: The authors, within the scope of this article, provide an analysis of the provisions under the United Nations Convention on the Law of the Sea (UNCLOS) of 1982 on the right to access the sea and to exploitation of marine biological resources by the land-locked countries; an analysis of the challenges in the enforcement of the right of access to the sea and the exploitation of biological resources of the land-locked countries, and also proposed solutions for the land-locked countries to overcome these challenges.
Keywords:The right to access the sea; right to exploitation of marine biological resources; land-locked country, UNCLOS.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Quy định của UNCLOS về quyền tiếp cận biển và khai thác tài nguyên sinh vật biển của quốc gia nội lục
Điều 124(1)(a) Công ước về Luật Biển năm 1982 (United Nations Convention on Law of the Sea – UNCLOS) định nghĩa, quốc gia nội lục(landlocked countries) là các quốc gia không có đường bờ biển.Các quốc gia nội lục phân tán về mặt địa lý trên tất cả các lục địa và chiếm đến 1/5 số quốc gia trên thế giới[1]. Theo Báo cáo của Viện Quan hệ quốc tế châu Phi, trên thế giới có hơn 40 quốc gia nội lục, tập trung chủ yếu ở châu Á, châu Âu, châu Phi và một tỷ lệ nhỏ ở Nam Mỹ[2]. Theo phân loại của Liên hợp quốc (LHQ), ngoại trừ 16 quốc gia tại châu Âu, hơn một nửa trong số 24 quốc gia không có biển còn lại[3] là quốc gia kém phát triển[4].
Ở đây, câu hỏi được đặt ra là, có hay không mối quan hệ nhân quả giữa vị trí địa lý không giáp biển và trình độ phát triển của quốc gia. Kết quả nghiên cứu cho thấy, vị trí địa lý đóng góp 1/4 câu trả lời cho những hạn chế nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia[5]. Thực vậy, do đặc điểm địa lý bị bao quanh hoàn toàn bởi các quốc gia và vùng lãnh thổ xung quanh, “sức khỏe” của nền kinh tế các quốc gia nội lục đã bị ảnh hưởng đáng kể. Bởi vì, việc không có biển đồng nghĩa quốc gia đã mất đi động lực phát triển từ nguồn tài nguyên biển, gia tăng chi phí vận chuyển hàng hóa trong hoạt động thương mại hàng hải và hạn chế khả năng tiếp cận cơ hội hợp tác trong tiến trình hội nhập vào xu thế phát triển chung của thế giới. Chính vì vậy, việc đảm bảo quyền tiếp cận biển của các quốc gia nội lục là một trong mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế, đại diện là LHQ. UNCLOS ra đời đã ghi nhận quyền của các quốc gia nội lục trong việc tiếp cận và khai thác biển. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng đảm bảo nguyên tắc công bằng trong Luật Biển quốc tế.
Cũng như mọi quốc gia khác, quốc gia nội lục trước hết cần biển như một nguồn cung cấp hải sản dồi dào cho cư dân trong nước; do đó, đối với những quốc gia này, quyền tiếp cận biển là “xương sống” của việc hưởng quyền khai thác tài nguyên sinh vật tại vùng đặc quyền kinh tế, vùng biển quốc tế và vùng di sản chung[6]. Nhằm tạo điều kiện thực hiện quyền tiếp cận biển, UNCLOS đã dành hẳn phần X gồm 9 điều (từ Điều 124 đến Điều 132) điều chỉnh các vấn đề liên quan đến quyền của các quốc gia nội lục đi ra biển và từ biển vào và tự do quá cảnh. Bên cạnh đó, UNCLOS cho phép các quốc gia nội lục tham gia khai thác số dư tài nguyên sinh vật tại vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển (Điều 69).
Trước khi UNCLOS ra đời, lịch sử đã từng ghi nhận các trường hợp quyền quá cảnh được trao cho quốc gia nội lục nhưng chỉ được tiến hành dựa trên các thỏa thuận song phương theo vụ việc (Ad hoc Bilateral basis)[7]. Tuy nhiên, với một thỏa thuận Ad hoc, quan hệ quá cảnh sẽ chấm dứt ngay khi các công vụ cụ thể giữa quốc gia nội lục và quốc gia ven biển được hoàn thành. Chính vì đặc tính ngắn hạn vốn có của các thỏa thuận này, trong khi nhu cầu đánh bắt hải sản là thường xuyên, có ý kiến cho rằng, quyền tự do quá cảnh của quốc gia không có biển phải được pháp điển hóa trong một văn bản pháp luật quốc tế áp dụng cho mọi trường hợp, miễn là việc thực hiện quyền đó không gây thiệt hại đến lợi ích của quốc gia quá cảnh[8]. Vì mục đích ấy, quyền tự do quá cảnh xuất hiện trong UNCLOS như một quyền phái sinh mà quốc gia quá cảnh phối hợp thực hiện với quốc gia nội lục thông qua con đường thỏa thuận song phương, khu vực hoặc liên khu vực. Quyền tự do quá cảnh, tự do ra biển và từ biển vào là hệ quả tất yếu để các quan niệm về tự do biển cả có ý nghĩa thực tế.
Điều 125 UNCLOS đã phản ánh đúng tinh thần đảm bảo quyền tự do trên biển quốc tế và vùng di sản chung của nhân loại khi trao cho quốc gia không có biển được tự do ra vào biển để sử dụng quyền tự do đánh bắt hải sản của mình, một trong sáu quyền trù định trong UNCLOS[9], mà không phương hại đến quyền sử dụng biển cả của các quốc gia khác. Để được pháp luật quốc tế công nhận quyền tự do quá cảnh, theo Hersch Lauterpacht[10], quốc gia nội lục phải đáp ứng được hai điều kiện tiên quyết: (i) chứng minh được việc hưởng quyền là điều cần thiết (necessity) hoặc thuận tiện (convenience) cho khả năng tiếp cận biển; (ii) việc thực hiện quyền không phương hại đến quốc gia quá cảnh[11]. Về nội hàm của tiêu chí “cần thiết” và “thuận tiện” sẽ được hiểu theo nghĩa rộng và linh hoạt cho từng hoàn cảnh cụ thể của quốc gia nội lục mà không bị giới hạn theo vụ việc cấp bách, quan trọng cần được quá cảnh như trước[12].
Về quyền tham gia khai thác phần dư tài nguyên sinh vật tại vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển, mục tiêu của UNCLOS là thiết lập một trật tự pháp lý hướng đến sử dụng công bằng và hiệu quả tài nguyên. Theo đó, các quốc gia phát triển không có biển chỉ có quyền tham gia khai thác tài nguyên sinh vật trong các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia phát triển ven biển ở trong cùng một khu vực hoặc một phần khu vực (khoản 4 Điều 69 UNCLOS). Điều này có nghĩa là, các quốc gia phát triển không có biển sẽ không được quyền khai thác nguồn tài nguyên sinh vật biển dư trong các vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển “đang hoặc kém” phát triển. Bởi thực chất quy định về quyền khai thác nguồn tài nguyên sinh vật dư trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển theo tinh thần chủ đạo của UNCLOS là sự thỏa hiệp của các quốc gia có biển với các quốc gia đang hoặc kém phát triển không có biển[13].
Ngoài ra, nhằm tránh gây ra gánh nặng cụ thể cho bất kỳ quốc gia ven biển nào, Điều 71 UNCLOS quy định, tất cả quốc gia khác đều sẽ không được tham gia khai thác sản lượng tài nguyên sinh vật dư của các quốc gia ven biển có nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động khai thác tài nguyên sinh vật tại vùng đặc quyền kinh tế của mình. Ngoại trừ các trường hợp trên, quốc gia không có biển phù hợp với quy định tại Điều 69 UNCLOS sẽ được hưởng quyền khai thác phần dư sinh vật biển trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển trên cơ sở bình đẳng với công dân của các quốc gia đó. Các điều kiện chi phối việc hưởng quyền này sẽ tuân theo thỏa thuận giữa các quốc gia.
2. Thách thức trong thực hiện quyền tiếp cận biển và khai thác tài nguyên sinh vật của các quốc gia nội lục
2.1. Sự phụ thuộc vào các quốc gia ven biển
Như mọi văn bản pháp luật quốc tế khác, vấn đề thực thi các nguyên tắc và quy phạm của UNCLOS được bảo đảm thông qua cơ chế tự nguyện tôn trọng quy định của các chủ thể khi tham gia các hoạt động hợp tác trong khai thác và sử dụng biển. Bởi lẽ, với đặc điểm của một văn kiện quốc tế toàn cầu, vai trò của UNCLOS chỉ dừng lại ở đề ra một khung pháp lý công nhận cho quốc gia nội lục các quyền nền tảng để thực hiện quyền tự do khai thác tài nguyên biển. UNCLOS không quy định cụ thể mọi quyền tự do của quốc gia không có biển sẽ được thực thi trên thực tế. Theo đó, các quyền tự do khai thác tài nguyên đó được thực hiện như thế nào hầu hết sẽ phụ thuộc vào các điều ước quốc tế giữa quốc gia nội lục và quốc gia ven biển. Chính vì vậy, quyền tự do quá cảnh và quyền tham gia khai thác số dư tài nguyên sinh vật tại vùng đặc quyền kinh tế, đều có điểm chung là chỉ được thực hiện khi được sự đồng ý của quốc gia ven biển. Từ đây nảy sinh vấn đề gây tranh luận rằng, liệu các quốc gia không có biển có thực sự hưởng quyền tiếp cận biển không hay việc tiếp cận đó chỉ là một đặc quyền, tùy thuộc vào các điều khoản và điều kiện do các quốc gia ven biển áp đặt.[14] Đây là rào cản quan trọng nhất mà các quốc gia nội lục phải đối mặt.
Trên thực tiễn, quốc gia nội lục luôn ở tình thế phụ thuộc vào quyết định của quốc gia ven biển. Trong quá trình tiếp cận biển, các quốc gia không có biển sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ việc phụ thuộc vào thiện chí chính trị cũng như chất lượng cơ sở hạ tầng của nước láng giềng. [15] Cái giá mà một quốc gia không giáp biển phải trả để thực hiện các thỏa thuận quá cảnh thường cao hơn so với chi phí mà quốc gia ven biển bỏ ra.[16] Bất kể ngôn từ của UNCLOS mạnh mẽ đến đâu, quốc gia nội lục ở một mức độ nào đó sẽ vẫn phụ thuộc nặng nề vào quốc gia ven biển mà nó cần quá cảnh qua để có thể được tiếp cận biển và tiến hành hoạt động khai thác tài nguyên sinh vật.[17]
Để có được thỏa thuận khai thác nguồn tài nguyên sinh vật biển dư, quốc gia nội lục phải xây dựng được mối quan hệ hữu nghị với quốc gia ven biển. Một mối quan hệ chính trị tốt tạo ra sự đồng cảm từ các nước láng giềng ven biển là mục tiêu hướng đến của các quốc gia nội lục. Chỉ khi các quốc gia ven biển sẵn sàng thương lượng về điều kiện và thể thức sử dụng quyền tự do quá cảnh của quốc gia nội lục được ghi nhận trong UNCLOS thì các quốc gia này mới có thể hưởng các quyền của họ. Ngược lại, mối quan hệ ngoại giao tan vỡ có thể dẫn đến tình trạng không thỏa thuận được “điều kiện và thể thức thực hiện” quyền tự do quá cảnh. Điều này dẫn đến việc quốc gia nội lục gặp khó khăn hơn để hướng ra biển nhằm thực hiện việc khai thác tài nguyên sinh vật biển. Bên cạnh đó, trường hợp quốc gia nội lục không đạt được thỏa thuận song phương, phân khu hoặc khu vực với quốc gia ven biển về khai thác nguồn tài nguyên sinh vật dư thì quốc gia nội lục không có cơ hội khai thác nguồn tài nguyên sinh vật dư đó.
Có thể nói, ý chí ngoại giao và bất ổn chính trị là những thách thức lớn nhất mà các quốc gia không giáp biển phải đối mặt nhưng lại không phải nằm trong khả năng kiểm soát.[18] Các quyền khai thác tài nguyên sinh vật dư quy định Điều 69 và quyền tự do quá cảnh quy định Điều 125 UNCLOS chỉ có thể được hưởng trong điều kiện, thể thức cho phép theo thỏa thuận với các nước láng giềng quá cảnh. Thách thức này đặt các quốc gia nội lục vào vị thế dễ bị tổn thương bởi họ phụ thuộc vào các nước láng giềng quá cảnh và các nước láng giềng ven biển.
2.2. Hạn chế về trình độ, kỹ thuật đánh bắt
Như đã đề cập, do hoàn cảnh địa lý bị bao quanh bởi các quốc gia và vùng lãnh thổ xung quanh, đa số quốc gia không có biển đều là những quốc gia có nền kinh tế đang hoặc kém phát triển. Ngư dân của những quốc gia này thường gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác tài nguyên sinh vật biển do hạn chế về trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm thực tế; thiếu thốn phương tiện; cơ sở hạ tầng không phát triển đa dạng như quốc gia ven biển. Thực tế sẽ mất một khoảng thời gian để các quốc gia không có biển có được khả năng vận dụng các quyền khai thác tài nguyên sinh vật biển mà UNCLOS công nhận cho họ.
Các ngư dân của quốc gia nội lục tham gia khai thác số dư tài nguyên sinh vật thường sẽ vận chuyển về nước của mình để tiêu thụ nội địa hoặc thậm chí bán lại tại cảng cho quốc gia ven biển hoặc xuất khẩu sang thị trường nước ngoài[19]. Quá trình vận chuyển này ít nhiều đòi hỏi họ phải trung chuyển qua các nước hoặc một số vùng, khu vực khác. Đối với các quốc gia nội lục kém phát triển vốn phụ thuộc nhiều vào các quốc gia láng giềng quá cảnh, họ phải trải qua các tuyến đường vận chuyển với chi phí, rủi ro và công sức bỏ ra tương đối lớn. Một câu hỏi đặt ra: “liệu chi phí vận chuyển có thấp hơn so với việc nhập khẩu từ quốc gia ven biển hay không, có đáng để đánh đổi hay không?” Đây cũng là một vấn đề quan trọng mà các quốc gia nội lục phải cân nhắc và cách giải quyết tốt nhất. Thực tiễn cho thấy, để đa dạng hóa nguồn cung hải sản, các quốc gia nội lục vừa tự đánh bắt vừa nhập khẩu từ các quốc gia ven biển. Với mục đích phát triển ngành đánh bắt hải sản, quốc gia nội lục mong muốn ngoài nhận được quyền khai thác số dư tài nguyên sinh vật, còn nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính từ quốc gia khác hoặc các tổ chức quốc tế. Mối quan tâm của họ có thể không chỉ giới hạn trong việc đảm bảo các quyền khai thác tài nguyên sinh vật biển dư được quy định tại Điều 69, Điều 70 UNCLOS, còn có xu hướng vượt xa bản chất của quyền được hưởng (ví dụ như nâng cao trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm khai thác tài nguyên biển).
2.3. Thách thức từ tuyến đường quá cảnh
Các quốc gia nội lục thường phụ thuộc vào quốc gia láng giềng để quá cảnh nên rất chủ động trong các cuộc gặp gỡ giữa các bên[20]. Trong quá trình đàm phán, ký kết, các quốc gia nội lục luôn mong muốn được ưu tiên tuyến đường ra biển thuận lợi nhất. Một tuyến đường thuận lợi sẽ được đặc trưng bởi: (i) khoảng cách ngắn; (ii) lệ phí, thuế phải trả thấp; (iii) Các quy trình thủ tục biên giới nhanh chóng. Tuy nhiên, các quốc gia ven biển hầu như không tạo điều kiện thuận tiện nhất cho các quốc gia nội lục.[21] Điều này xuất phát từ hai lý do chính: (i) các quốc gia ven biển muốn các nước láng giềng không giáp biển của họ ở vị thế yếu hơn, lệ thuộc vào quốc gia ven biển, đặc biệt là về mặt kinh tế[22]; (ii) quốc gia ven biển cho rằng, việc cấp các tuyến đường thuận tiện cho các quốc gia không giáp biển không phải nghĩa vụ của họ, các quốc gia quá cảnh đôi khi xem nhu cầu quá cảnh của quốc gia nội lục là có khả năng xâm phạm chủ quyền đất nước[23].
Thực tế thì lý do thứ hai đã được nhắc đến tại khoản 3 Điều 125 UNCLOS như một ngoại lệ cho quốc gia ven biển trong việc sử dụng chủ quyền toàn vẹn trên lãnh thổ của mình. Cụ thể, quốc gia ven biển được phép từ chối quá cảnh nếu việc thực hiện điều đó sẽ ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng dựa trên những cân nhắc về kinh tế, chính trị của quốc gia ven biển.
Trong các trường hợp khác, các tuyến đường vận chuyển dễ bị ảnh hưởng bởi các rủi ro khách quan như điều kiện thời tiết, tình hình chính trị của quốc gia ven biển làm gia tăng chi phí vận chuyển, gây nguy cơ thiệt hại đối với hàng hóa trên đường vận chuyển. Về thời tiết, ví dụ như Cộng hòa Trung Phi[24] có tuyến đường quá cảnh qua Cameroon không thể đi vào mùa mưa hay tuyến đường quá cảnh qua Cộng hòa Dân chủ Congo không sử dụng được trong mùa khô do mực nước thấp.[25] Do đó, tùy từng giai đoạn mà Cộng hòa Trung Phi liên tục tìm kiếm các tuyến đường phù hợp thay thế qua các nước lân cận như Sudan, Chad... Về tình hình chính trị, một ví dụ điển hình cho thách thức này có thể tìm thấy giữa Ethiopia và Eritrea. Ethiopia từng là một quốc gia ven biển, tuy nhiên, sau chiến tranh với Eritrea, quốc gia này đã bị mất phần lãnh thổ đất liền ven biển vào tay Eritrea và trải qua căng thẳng chính trị với Eritrea kể từ đó. Vì Ethiopia không còn đường trực tiếp ra biển, con đường vận chuyển thuận tiện nhất là qua Eritrea để đến cảng Assab, nơi thực hiện 75% thương mại của Ethiopia không thể được sử dụng[26]. Ethiopia phải chuyển hướng thương mại xuyên đại dương qua Djibouti, nơi có các cơ sở hạ tầng cảng hạn chế và hệ quả là gây tốn kém hơn cho Ethiopia.[27]
Có trường hợp, những quốc gia nội lục cũng bị ảnh hưởng bởi những tình hình chính trị, kinh tế, kỹ thuật của các quốc gia quá cảnh. Những tình huống như vậy có thể dẫn đến việc tắc nghẽn đường biên giới, làm cho quá trình vận chuyển hàng hóa có thể bị hư hỏng gây thiệt hại cho quốc gia nội lục. Cách thay thế duy nhất là tìm kiếm quá cảnh qua quốc gia quá cảnh hoặc quốc gia ven biển khác.
Theo Điều 127 UNCLOS, việc vận chuyển quá cảnh của quốc gia nội lục sẽ không phải chịu thuế quan, thuế hay các khoản lệ phí khác, ngoài trừ các khoản thuế phải trả cho các dịch vụ đặc biệt liên quan đến việc vận chuyển đó. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, các quốc gia quá cảnh áp đặt những quy trình thủ tục hành chính phức tạp liên quan đến xuất nhập khẩu, thậm chí áp dụng phí giao thông quá cảnh cao hơn nhiều phí giao thông nội địa, gây trở ngại về việc cấp tuyến đường thuận tiện nhất cho quốc gia không có biển, do đó hàng hóa quá cảnh không những phải chịu thủ tục rườm rà, chi phí cao[28].
Các quốc gia nội lục phụ thuộc vào các nước láng giềng quá cảnh của họ để xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa quá cảnh tại cửa khẩu biên giới. Các quy trình hành chính sẽ trở thành thách thức lớn đối với quốc gia nội lục như quy trình hành chính quan liêu, rườm rà, khiến cho hàng hóa của các quốc gia nội lục rơi vào nguy cơ bị xếp sau (second priority) khi xảy ra tắc nghẽn ở biên giới. Thực hiện chính sách “một cửa” là một trong những giải pháp được đề ra ở các quốc gia quá cảnh. Ví dụ, đã có những nỗ lực cải cách giữa Botswana (quốc gia nội lục) và Namibia (quốc gia ven biển) nhằm minh bạch hoá và đơn giản hoá các thủ tục hành chính biên giới[29].
3. Giải pháp nhằm đảm bảo quyền tiếp cận biển và khai thác nguồn tài nguyên sinh vật của quốc gia nội lục
Thứ nhất, các quốc gia nội lục đang phát triển cần đặc biệt chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nội bộ của họ. Vận chuyển nguồn tài nguyên sinh vật biển bị ảnh hưởng đáng kể bởi chi phí vận tải. Vì vậy, đầu tư vào xây dựng và bảo trì đường sắt, đường bộ và đường thủy nội địa là rất quan trọng để giảm các chi phí này.
Thứ hai, bản thân các quốc gia nội lục cần nâng cao trình độ và kỹ thuật khai thác để tận dụng triệt để quyền tiếp cận biển và khai thác nguồn tài nguyên sinh vật biển của mình.
Thứ ba, xây dựng Quy chế điều chỉnh hoạt động khai thác hải sản các quốc gia không có biển theo khu vực (regional fishery regime). Mô hình này có thể áp dụng tốt ở châu Phi bởi các quốc gia ven biển châu Phi tuân thủ tốt nguyên tắc đoàn kết châu Phi (African solidarity principle) và hiện tại các quốc gia ven biển châu Phi đã thể hiện sự hỗ trợ nhiều hơn với các vấn đề của các quốc gia nội lục[30]. Tương tự, tại châu Âu, Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) có thể xây dựng một quy chế nghề cá khu vực điều chỉnh hoạt động khai thác hải sản của các quốc gia thuộc phạm vi quyền hạn của EEC. Riêng với các quốc gia nội lục Mỹ Latinh, giải pháp này chưa cho thấy khả thi ở hiện tại vì còn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các quốc gia ven biển trong khu vực. Đối với các nước châu Á, do sự khác biệt về quan điểm chính trị và kinh tế giữa các nước trong khu vực nên Quy chế nghề cá khu vực ít có khả năng được thiết lập[31]. Tuy vậy, mô hình này về lâu dài sẽ phù hợp bởi các quốc gia trong khu vực có sự phù hợp về chính trị, kinh tế, địa lý và văn hóa. Thêm vào đó, thỏa thuận theo khu vực sẽ hài hòa quyền lợi giữa các quốc gia nội lục và quốc gia ven biển trong khu vực đó./.
Cùng các Tác giả:
Dương Minh Trúc**
Đặng Thị Ánh Vi**
Nguyễn Hoàng Tường Vy**
** Sinh viên Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM.
[1] Patrick Childs (1972), “The Interests of Landlocked States in Law of the Sea”, San Diego Law Review, Vol. 9, No.3, P. 701.
[2] Ernesta Swanepoel (2020), “The Law of the Sea and Landlocked States”, South African Institute of International Affairs (08/2020), P. 1.
[3] Quốc gia nội lục, quốc gia không có biển, quốc gia không giáp biển, quốc gia không có đường bờ biển là các thuật ngữ có cùng nội hàm chỉ các quốc gia không có đường ra biển trực tiếp, do đó sẽ được sử dụng thay thế lẫn nhau trong bài viết này mà không làm thay đổi về mặt ý nghĩa.
[4] UNCTAD, List of Landlocked Developing Countries, <https://unctad.org/topic/landlocked-developing-countries/list-of-LLDCs>, truy cập ngày 10/07/2021.
[5] Dương Trường Phúc, Dương Thị Kim Chuyên (2018), “Vị trí không giáp biển: Thách thức cho phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa”, Tạp chí nghiên cứu nước ngoài, Tập 34, Số 1, tr. 191.
[6] See Endalacachew Bayeh (2015), “The Rights of Land-Locked States in the International Law: The Role of Bilateral/Multilateral Agreements”, Social Sciences Vol. 4 No. 2 (2015), P. 27-30.
[7] A. Mpazi Sinjela (1982), “Freedom of Transit and The Right of Access for Landlocked States: The Evolution of Principle and Law”, GA.J.Int’l & Comp. L.,Vol. 12, P. 33.
[8] S. Pufendorf (1934), “De Jure Naturae Et Gentium”, Classics Of International Law Trans., Vol.2, P. 354.
[9] Biển cả được để ngỏ cho tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển. Quyền tự do trên biển cả được thực hiện trong những điều kiện do các quy định của Công ước hay và những quy tắc khác của pháp luật quốc tế trù định. Đối với các quốc gia dù có biển hay không có biển, quyền tự do này đặc biệt bao gồm: a) Tự do hàng hải; b) Tự do hàng không; c) Tự do đặt các dây cáp hoặc ống dẫn ngầm với điều kiện tuân thủ Phần VI; d) Tự do xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các thiết bị khác được pháp luật quốc tế cho phép, với điều kiện tuân thủ phần VI; e) Tự do đánh bắt hải sản trong các điều đã được nêu ở Mục 2; f) Tự do nghiên cứu khoa học với các điều kiện tuân thủ các Phần VI và VIII (Khoản 1, Điều 87, UNCLOS 1982).
[10] Hersch Lauterpacht là luật sư người Anh có nhiều đóng góp cho lĩnh vực luật quốc tế hiện đại của thế kỷ XX. Ngoài ra, ông từng là thành viên trong hội đồng thẩm phán của Tòa án Công lý quốc tế. Xem: Phillippe Sands, My legal hero: Hersch Lauterpacht, The Guardian, <https://www.theguardian.com/law/2010/nov/10/my-legal-hero-hersch-lauterpacht>, truy cập ngày 15/07/2021
[11] Hersch Lauterpacht (1958), “Freedom of Transit in Internation Law”, Transactions of the Grotius Society, 44, P. 320.
[12] Alfred Rubin (1973), “Landlocked Countries and Rights of Access to the Sea”, Land-locked countries of Africa (Ed by Zdenek Cervenka), Scandinavian Institute of African Studies, P. 45.
[13] Xem Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh (2017), Giáo trình Công pháp Quốc tế (quyển1), Nxb. Hồng Đức, tr. 375.
[14] A. Mpazi Sinjela, tlđd, P. 32.
[15] Dương Trường Phúc, Dương Thị Kim Chuyên, tlđd, tr. 190.
[16] Patrick Childs, tlđd, P. 701.
[17] Patrick Childs, tlđd, p. 701.
[18] Bojotlhe O. G. Butale (2016), “Bridging the Gap to the Sea for Landlocked States: A Case for Botswana”, United Nations – The Nippon Foundation of Japan Fellowship Programme (2016), P. 33.
[19] Ví dụ: theo cơ sở dữ liệu COMTRADE của Liên Hợp Quốc về Thương mại quốc tế, giá trị xuất khẩu cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm, thủy sản không xương sống của Lào sang Hàn Quốc là 3,08 nghìn USD trong năm 2019 xem: Trading Economics, Laos exports of fish, crustaceans, molluscs, aquatics invertebrates to South Korea, <https://tradingeconomics.com/laos/exports/south-korea/fish-crustaceans-molluscs-aquatics-invertebrates>, truy cập ngày 16/07/2021
[20] Dương Trường Phúc, Dương Thị Kim Chuyên, tlđd, P. 195.
[21] Uprety (1995), “Right of Access to the Sea of Land-Locked States; Retrospect and Prospect for Development”, Journal of International Legal Studies Vol. 1, P. 97.
[22] Helmut Tuerk (2007), “The Landlocked States and the Law of the Sea”, Revue Belge De Droit International, 40, P. 49.
[23] See Snow, Thomas, Michael Faye, John McArthur and Jeffrey Sachs (2003), “Country Case Studies on the Challenges Facing Landlocked Developing Countries”, Human Development Report Office (United Nations Development Programme), New York, USA.
[24] Cộng hòa Trung Phi (tên tiếng Anh là Central African Republic) là một quốc gia không có biển nằm ở miền Trung châu Phi. Cộng hòa Trung Phi giáp Chad về phía Bắc, giáp Sudan về phía Đông, giáp Cộng hòa Dân chủ Congo và Cộng hòa Congo về phía Nam, giáp Cameroon về phía Tây. Cộng hòa Trung Phi nằm ở rìa Bắc của lưu vực sông Congo. Xem: Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh, Thông tin cơ bản về Cộng hòa Trung Phi, http://www.mofahcm.gov.vn/vi/tintuc_sk/tulieu/nr060907094817/nr090520010131/ns090520170001>, truy cập ngày 17/07/2021.
[25] Helmut Tuerk, tlđd, P. 97.
[26] Bojotlhe O. G. Butale, tlđd, P. 38.
[27] Bojotlhe O. G. Butale, tlđd, P. 38.
[28] See Michael L. Faye (2004), “The Challenges Facing Landlocked Developing Countries”, Journal of Human Development, Vol. 5, No.1, P. 47 – 48.
[29] See Bojotlhe O. G. Butale, tlđd, P. 40.
[30] Farin Mirvahabi (1979), “The Rights of the landlocked and geographically Disadvantaged States in Exploitation of Marine Fisheries”, The NetherlandsInternational Law Review, Vol. 26, Iss. 02, P. 153.
[31] Farin Mirvahabi, tlđd, p. 153.
(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 24 (448), tháng 12/2021.)
TIN LIÊN QUAN
- 40 năm phát triển Công ước Luật biển của Liên hợp quốc và sự tham gia tích cực của Việt Nam
- Áp dụng quy tắc giải thích điều ước quốc tế trong xác định đường cơ sở của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
- Tránh chồng chéo, phát sinh thủ tục hành chính khi xây dựng Nghị định về hoạt động lấn biển
- Trọng tâm công tác quản lý tài nguyên môi trường biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025
- Rà soát, đánh giá, đề xuất, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo