Cần thiết phải xây dựng tiêu chí và quy trình đánh giá dự án ưu tiên
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương về việc đề xuất các nhiệm vụ dự án phục vụ xây dựng Chương trình trọng điểm. Đến nay, Bộ đã nhận được gần 100 dự án do các Bộ, ngành và địa phương đề xuất. Các dự án rất đa dạng cả về phạm vi, đối tượng, mục đích điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển.
Đồng thời, hiện nay có nhiều chương trình, kế hoạch, chiến lược từ tổng thể đến ngành, lĩnh vực và các quy định pháp lý liên quan tới công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển (Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Thủy sản, Luật Khoáng sản và các nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết các Luật trên…) trong đó có các nội dung, quy định ưu tiên công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển theo các đối tượng, lĩnh vực khác nhau.
Chính vì các lý do nêu trên, để lựa chọn được các dự án điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, phù hợp với các chương trình, chiến lược, kế hoạch và các quy định pháp lý hiện hành; đảm bảo phù hợp với khả năng đầu tư nguồn lực của Nhà nước để triển khai theo Chương trình trọng điểm, Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy rằng cần thiết phải xây dựng các tiêu chí với các thang điểm cụ thể để làm cơ sở khoa học phục vụ công tác rà soát, đánh giá và lựa chọn dự án của Hội đồng thẩm định liên ngành trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định.
Dự thảo tiêu chí cung cấp cơ sở khoa học và pháp lý đánh giá, lựa chọn các dự án vừa mang tính vừa cấp bách, vừa lâu dài, phù hợp với khả năng đầu tư nguồn lực của Nhà nước
Mục đích của dự thảo tiêu chí nhằm đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, đa mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, mang tính vừa cấp bách, vừa lâu dài của các nhiệm vụ theo Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đơn giản, dễ thực hiện, đảm bảo tính khách quan, tin cậy trong quá trình rà soát, lựa chọn các dự án; phù hợp với khả năng đầu tư nguồn lực của nhà nước cho Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Theo dự thảo, các dự án được xem xét, lựa chọn đưa vào Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải đáp ứng tối thiểu đươc một trong số các điều kiện sau: Phù hợp và đáp ứng yêu cầu Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Phù hợp và đáp ứng yêu cầu Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Đáp ứng các yêu cầu của Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Đáp ứng các yêu cầu của Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Các đơn vị chủ trì có đủ năng lực tích hợp giữa điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học, có kinh nghiệm và khả năng điều phối, huy động nguồn lực, trang thiết bị để triển khai, đảm bảo chất lượng, hiệu quả khi dự án được phê duyệt.
Tiêu chí đánh giá gồm: Tiêu chí đánh giá về tính phù hợp với các Chiến lược, kế hoạch, quy hoạch và các quy định pháp luật có liên quan về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Tiêu chí đánh giá theo nội dung đề xuất gồm tính cấp thiết; tính hiệu quả của sản phẩm dự án; tính lồng ghép, liên ngành, liên vùng; giải pháp thực hiện; nguồn lực và tổ chức thực hiện.
Quy trình đánh giá gồm có 02 bước. Bước 1 là Đánh giá sơ bộ nhằm lược bỏ các đề xuất dự án: có nội dung hoàn toàn không gắn với hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; không có tính kế thừa các dự án điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển trước đây hoặc trùng lặp với các dự án đã và đang triển khai; không phù hợp các yêu cầu nêu trên; không phù hơp với chức năng, nhiệm vụ, năng lực của cơ quan đề xuất dự án.
Sau khi đã lược bỏ sơ bộ các dự án theo Bước 1, các dự án còn lại sẽ được đánh giá chi tiết theo Bước 2. Hồ sơ dự án được đánh giá, chấm điểm tối đa 100 điểm theo các nhóm tiêu chí và thang điểm: Tính cấp thiết; Tính hiệu quả của sản phẩm dự án; Tính lồng ghép, liên ngành, liên vùng; Giải pháp thực hiện; Nguồn lực và tổ chức thực hiện.
Để rà soát, đánh giá lựa chọn các dự án đưa vào Chương trình trọng điểm trên cơ sở tiêu chí nêu trên, dự thảo Tiêu chí quy định về Hội đồng thẩm định và Tổ giúp việc. Trong đó, Hội đồng và Tổ giúp việc có thành viên là đại diện các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng và các chuyên gia có kinh nghiệm, chuyên môn sâu trong lĩnh vực điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.