Nghiên cứu xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định lấn biển

Lĩnh vực biển và hải đảo 15/08/2019

Vấn đề quản lý, sử dụng đất ven biển, lấn biển hiện nay đang phát sinh vướng mắc tại địa phương có biển trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và biển đảo. Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển giải quyết các vướng mắc, đặc biệt là các dự án lấn biển. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 3606/VPCP-NN ngày 19/4/2018 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định lấn biển để làm cơ sở để địa phương thực hiện tốt hơn trong công tác quản lý nhà nước về đất đai và biển, góp phần phát triển kinh tế, xã hội gắn với yêu cầu an ninh, quốc phòng.

Nước ta có chiều dài đường bờ biển trên 3.260 km với 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giáp biển, có 136 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và 675 xã, phường, thị trấn tiếp giáp biển. Dọc theo bờ biển Việt Nam có trên 50% số đô thị lớn của cả nước.

Theo xu thế chung, khu vực ven biển sẽ là tâm điểm cho sự phát triển trong tương lai với sự gia tăng dân số, mở rộng các ngành công nghiệp, du lịchvà quá trình đô thị hóa. Trong đó, thời gian gần đây, nhiều dự án lấn biển quy mô lớn đã và đang được thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị thu được thì hoạt động lấn biển cũng có rất nhiều vấn đề phải quan tâm, giải quyết. Trong thời gian vừa qua, một số dự án có hoạt động lấn biển đã gây tác động, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái, gây xói lở bờ biển; có dự án phải ngừng triển khai do chưa tính toán kỹ càng về kỹ thuật, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; có dự án đã vấp phải sự phản đối của người dân địa phương khi triển khai do ảnh hưởng đến sinh kế, việc làm, chỗ ở của người dân khu vực lấn biển.

Lấn biển tại dự án Khu đô thị Đa Phước

Thực tế vừa qua, có những dự án có hoạt động lấn biển mà chủ yếu là các dự án bất động sản đã “quây” mặt biển và đường ra biển, cản trở quyền tiếp cận của người dân với biển, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân nơi đây, hạn chế tiềm năng du lịch biển.Tình trạng san lấp, lấn biển phá vỡ cảnh quan, quy hoạch; lợi dụng, biến tướng các dự án được phê duyệt để tiến hành lấn biển trái phép; việc buông lỏng quản lý, không kiểm soát chặt chẽ hoạt động lấn biển diễn ra ở một số địa phương gần đây nổi lên một số vấn đề khá phức tạp như ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hồ Chí Minh,...

Nguyên nhân là do chưa quản lý, kiểm soát chặt chẽ các dự án có hoạt động lấn biển; chưa có sự tính toán kỹ càng về kỹ thuật, môi trường ...; còn thiếu các quy định pháp luật cụ thể để điều chỉnh đối với hoạt động lấn biển.

Vì vậy, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động lấn biển.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu, trình Chính phủ Đề xuất xây dựng Nghị định về lấn biển. Hiện đang thực hiện các bước theo quy định của pháp luật về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc xây dựng Nghị định về lấn biển để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong thời gian tới.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và tác động tới các hệ sinh thái ven biển Việt Nam do các hoạt động lấn biển gây ra” với mục tiêu trong đó là “Đề xuất giải pháp quản lý các hoạt động lấn biển nhằm giảm thiểu tác động làm ô nhiễm môi trường và suy thoái đa dạng sinh học”. Đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động lấn biển; kiểm soát chặt chẽ các dự án, hoạt động lấn biển.