Thứ trưởng Trần Quý Kiên phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, biển Việt Nam có tiềm năng lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội. Để phát triển kinh tế biển nhanh, hiệu quả và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đầu tư phát triển mô hình kinh tế xanh lam là một lựa chọn đúng đắn.
“Tăng trưởng xanh và nền kinh tế xanh lam sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế biển truyền thống phù hợp với bối cảnh quốc tế và khu vực, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Ban chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.” – PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nói.
Đề án đặt mục tiêu sẽ xác định hướng tiếp cận mô hình kinh tế xanh lam phù hợp với bối cảnh Việt Nam, đề xuất khung chính sách, các nội dung, nhiệm vụ ưu tiên để thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển và hải đảo Việt Nam.
Theo đó, Đề án sẽ thực hiện các nhiệm vụ chính như: phân tích, tổng kết cách tiếp cận mô hình kinh tế xanh lam; đánh giá mối quan hệ, vai trò, ý nghĩa của mô hình kinh tế xanh lam trong quản lý tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, và ứng phó với biến đổi khí hậu; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong việc áp dụng mô hình nền kinh tế xanh lam; đánh giá tiềm năng và hiện trạng các mô hình khai thác tài nguyên biển, quản lý môi trường biển và ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng biển, ven biển Việt Nam; đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lên việc khai thác tài nguyên biển Việt Nam dựa trên các mô hình theo các ngành kinh tế ưu tiên: du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển...
Toàn cảnh cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá cao Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường đã tiếp cận nghiên cứu các mô hình kinh tế xanh lam trong các ngành kinh tế biển phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã đầu tư các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng kinh tế xanh lam từ nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính, xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật và hạ tầng cho phát triển kinh tế biển đến bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên biển. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới nên nhận thức về tăng trưởng xanh và kinh tế xanh lam của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ và khác nhau.
“Vì vậy, Đề án sẽ góp phần đổi mới tư duy phát triển kinh tế biển, nâng cao hiểu biết về tiềm năng và lợi thế biển Việt Nam; đồng thời, cụ thể hóa và góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 36/NQ-TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.” – Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh.
Thứ trưởng đề nghị Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện Đề án, tổ chức các hội thảo để mời các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách trong nước và quốc tế tham gia góp ý về vấn đề này.