Tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo đến năm 2030

Lĩnh vực biển và hải đảo 02/10/2019

Chỉ đạo tại cuộc họp nghe Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam báo cáo về Đề án tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo đến năm 2030, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh tới vai trò và tầm quan trọng của Đề án; đồng thời định hướng các nhiệm vụ theo hướng quản lý theo khu vực nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại các địa phương. 

 

Đề án Tăng cường năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên, môi trường biển hải đảo đến năm 2030 được xây dựng với mục tiêu chung là: Tăng cường năng lực và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và phương tiện làm việc cho các cơ quan quản lý Nhà nước về biển và hải đảo từ trung ương đến địa phương nhằm bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ về quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo mà trọng tâm là công tác quản lý Nhà nước và điều tra, quan trắc, kiểm soát và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; xây dựng cơ sở dữ liệu về biển, hải đảo; góp phần đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 36/NQ-TƯ về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước biển và hải đảo trong tình hình mới.

Phạm vi của Đề án: thực hiện tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển (Sở Tài nguyên và Môi trường 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển). Thời gian thực hiện: từ năm 2020-2030.

Đề án gồm 5 nhóm nhiệm vụ chính, được thực hiện trong giai đoạn 2020-2025 và 2026 -2030. Đối với nhóm nhiệm vụ tăng cường năng lực hệ thống quan trắc tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, tập trung xây dựng hệ thống trạm quan trắc tài nguyên, môi trường biển; hệ thống trạm ra đa biển và hệ thống trạm phao biển, cụ thể sẽ đầu tư 32 trạm quan trắc tài nguyên môi trường biển, 22 trạm ra đa biển (trong đó có 3 trạm đã đầu tư) và 35 trạm phao biển; cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm DGPS tại Hải Phòng, Quảng Nam và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đối với nhóm nhiệm vụ tăng cường năng lực quản lý tổng hợp; điều tra, nghiên cứu tài nguyên môi trường biển; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo tập trung vào đầu tư đội tàu nghiên cứu biển, điều tra tài nguyên môi trường biển; tăng cường năng lực trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên – môi trường biển và hải đảo. Đối với nhóm nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và hiện đại hóa công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển hải đảo tập trung xây dựng hệ thống thông tin tích hợp phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên – môi trường biển, hải đảo. Đối với nhóm nhiệm vụ tăng cường năng lực cơ sở vật chất phục vụ công tác quản lý tài nguyên, môi trường biển, hải đảo sẽ tập trung đầu tư cơ sở vật chất phục vụ điều tra cơ bản cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; xây dựng Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương; xây dựng Phân Viện Nghiên cứu biển và hải đảo miền Trung và Phân viện Tây Nam Bộ. Đối với nhóm nhiệm vụ đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cho Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh thành phố, căn cứ và nhu cầu và khả năng cân đối nguồn lực tài chính của từng địa phương xây dựng dự án đầu tư, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật thiết yếu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quý Kiên một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xây dựng Đề án. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn.

Thứ trưởng nhất trí cao với những đề xuất đưa ra, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và bảo đảm các điều kiện triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW thì rất cần tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, khoa học công nghệ thì mới có thể thực hiện thắng lợi các mục tiêu này. Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần rà soát lại chức năng nhiệm vụ, hướng tới quản lý theo khu vực, vùng, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại các địa phương.