Đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan đến đề nghị xây dựng Nghị định quy định về lấn biển

Lĩnh vực biển và hải đảo 15/10/2020

Việc thiếu các quy định cụ thể điều chỉnh đối với hoạt động lấn biển là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng tình hình hoạt động lấn biển như đã nêu trên và nếu không được kịp thời bổ sung sẽ gây ra những phức tạp, hệ lụy chưa lường hết được trong thời gian tới.

Những vấn đề này cũng đặt ra những câu hỏi về quy định quản lý riêng đối với các hoạt động lấn biển ở những không gian biển khác nhau như: (1) Quản lý hoạt động lấn biển đối với các dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để thực hiện các dự án đầu tư khai thác, sử dụng tài nguyên biển thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; (2) Quản lý hoạt động lấn biển ngoài khơi xa (nằm ngoài phạm vi vùng biển 03 hải lý); khu vực biển liên vùng, trừ các khu vực biển thuộc thẩm quyền giao của Thủ tướng Chính phủ; (3) Quản lý hoạt động lấn biển gần bờ (nằm trong phạm vi vùng biển 03 hải lý). Hoặc như cách tiếp cận khác về: (3) Quản lý hoạt động lấn biển nối liền với đất liền và (4) Quản lý hoạt động lấn biển không nối liền với đất liền (đảo, bán đảo nhân tạo,…). Hoặc là cách tiếp cận dựa trên hành lang bảo vệ bờ biển của các tỉnh, thành ven biển như quy định tại Khoản 1, Điều 79, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo: (5) Quản lý hoạt động lấn biển đối với các dự án đầu tư, xây dựng mới công trình có hoạt động lấn biển được quy định tại các Điểm a, b, c, Khoản 1, Điều 79, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, nằm trong phạm vi 100 m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo (do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường) trong trường hợp UBND cấp tỉnh chưa ban hành hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định và (6) Quản lý các hoạt động lấn biển đối với các dự án có hoạt động lấn biển tại các tỉnh, thành đã ban hành Hành lang bảo vệ bờ biển,…

Đối với cách tiếp cận theo ngành dọc và loại hình khai thác của hoạt động lấn biển cũng đưa ra những câu hỏi cần được làm rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật về: (1) Quản lý hoạt động lấn biển để xây đê kè chắn sóng, ngăn nước biển, phòng chống xói lở bờ biển; (2) Quản lý hoạt động lấn biển để xây cảng biển; (3) Quản lý hoạt động lấn biển để tạo quỹ đất (làm khu đô thị, khu dân cư mới, làm khu nghĩ dưỡng, khách sạn); (4) Quản lý hoạt động lấn biển để trồng rừng ngập mặn, làm khu nuôi trồng thủy sản; (5) Quản lý hoạt động lấn biển để tạo bãi tắm; (6) Quản lý hoạt động lấn biển để phục vụ quốc phòng, an ninh; (7) Quản lý hoạt động lấn biển để xây đảo nhân tạo và các mục đích khác. Hoặc như cách quản lý các hoạt động lấn biển sử dụng ngân sách nhà nước; không sử dụng ngân sách nhà nước; hoạt động lấn biển có yếu tố nước ngoài (chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài; dự án có vốn nước ngoài), …

Với những tiềm năng và lợi ích từ hoạt động lấn biển mang lại, việc lấn biển trong thời gian tới có xu hướng gia tăng, nhất là các dự án đầu tư bất động sản, cảng biển, du lịch... Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích thu được, hoạt động lấn biển nếu không được quản lý, kiểm soát tốt sẽ có tác động rất lớn đến môi trường, hệ sinh thái, sinh kế của người dân ven biển, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước cả trước mắt và lâu dài đặt ra yêu cầu phải tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lấn biển, kiểm soát chặt chẽ các dự án có hoạt động lấn biển. Trong đó có những vấn đề quan trọng là phải quy định rõ trách nhiệm, phân công, phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành trong quản lý hoạt động lấn biển; quy định các yêu cầu đối với hoạt động lấn biển; việc xem xét, quyết định cho phép thực hiện các hoạt động lấn biển; quy định các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án có hoạt động lấn biển; hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động lấn biển.