Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị định bao gồm hoạt động lấn biển được điều chỉnh trong Nghị định và phạm vi thực hiện hoạt động lấn biển.
Hoạt động lấn biển có thể phân thành nhiều loại như:
Về mục đích: lấn biển để xây đê kè chắn sóng, ngăn nước biển, phòng chống xói lở bờ biển; xây cảng biển; lấn biển tạo quỹ đất (làm khu đô thị, khu dân cư mới, làm khu nghĩ dưỡng, khách sạn); lấn biển để trồng rừng ngập mặn, làm khu nuôi trồng thủy sản; lấn biển tạo bãi tắm; xây đảo nhân tạo... Ngoài ra, dự án lấn biển có thể phân loại thành: lấn biển phục vụ quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng; vì mục đích kinh tế.
Về nguồn vốn, chủ đầu tư: hoạt động lấn biển sử dụng ngân sách nhà nước; hoạt động lấn biển không sử dụng ngân sách nhà nước; hoạt động lấn biển có yếu tố nước ngoài (chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài; dự án có vốn nước ngoài).
Hoạt động lấn biển có thể là một phần hoặc toàn bộ nội dung của một dự án đầu tư.
Hiện nay, pháp luật đã có các quy định liên quan đến lấn biển để xây đê kè chắn sóng, ngăn nước biển, phòng chống xói lở bờ biển; xây cảng biển; lấn biển để trồng rừng ngập mặn (Luật đê điều, Bộ luật hàng hải, Luật lâm nghiệp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành); tuy nhiên, chưa có quy định yêu cầu cụ thể đối với các dự án có hoạt động lấn biển. Riêng đối với hoạt động lấn biển phục vụ quốc phòng, an ninh có tính đặc thù, nhất là trong việc xem xét, quyết định cho phép thực hiện để bảo đảm bí mật quốc gia.
Về phạm vi thực hiện hoạt động lấn biển: theo quy định của pháp luật hiện hành, ranh giới phân định biển và đất liền được hiểu là đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm. Tuy nhiên, thực tế thì nước biển dâng đến đường mực nước triều cao; khoảng cách từ đường mép nước triều kiệt trung bình nhiều năm đến đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm có những nơi rất lớn, ở các vùng đồng bằng, châu thổ như các tỉnh đồng bằng sông Hồng (Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình) hay đồng bằng sông Cửu Long (Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau), khoảng cách này đến vài km. Trong khi đó, các hoạt động liên quan đến lấn biển chủ yếu từ đường mực nước triều cao ra phía biển; khu vực trong phạm vi từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến đường mực nước triều cao là nơi tập trung các hệ sinh thái, độ đa dạng sinh học cao, nhạy cảm; đây cũng là nơi chịu tác động, ảnh hưởng lớn nhất từ các hoạt động của con người cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; nơi diễn ra các hiện tượng xói lở bờ biển, bồi tụ; nơi trọng yếu về quốc phòng, an ninh...
Các phương án và đánh giá tác động như sau:
Phương án 1: Hoạt động lấn biển được quy định trong Nghị định là hoạt động có phạm vi thực hiện từ đường mép nước triều kiệt trung bình nhiều năm ra phía biển ngoại trừ hoạt động lấn biển phục vụ quốc phòng an ninh
Tác động đến môi trường: Theo quy định của pháp luật hiện hành, ranh giới phân định biển và đất liền được hiểu là đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm. Tuy nhiên, thực tế thì nước biển dâng đến đường mực nước triều cao; Khoảng cách từ đường mực nước triều kiệt đến mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền là rất lớn và đây cũng là là nơi tập trung các hệ sinh thái, độ đa dạng sinh học cao, nhạy cảm; là nơi chịu tác động, ảnh hưởng lớn nhất từ các hoạt động của con người cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; nơi diễn ra các hiện tượng xói lở bờ biển, bồi tụ; nơi trọng yếu về quốc phòng, an ninh...
Tác động về kinh tế: Không có tác động về kinh tế
Tác động về xã hội: Không có tác động về xã hội
Tác động của thủ tục hành chính: không có tác động về thủ tục hành chính
Tác động đối với hệ thống pháp luật: Quy định chưa đẩy đủ về phạm vi diễn ra hoạt động lấn biển và gây chồng chéo với phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển đã được quy định từ đường mực nước biển triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền.
Phương án 2: Hoạt động lấn biển được quy định trong Nghị định là hoạt động có phạm vi thực hiện từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm ra phía biển ngoại trừ hoạt động lấn biển phục vụ quốc phòng an ninh.
Tác động đến môi trường: Bảo vệ, duy trì sự toàn vẹn của các hệ sinh thái từ đường mực nước triều cao ra phía biển.
Tác động về kinh tế: Không có tác động về kinh tế
Tác động về xã hội: Không có tác động về xã hội
Tác động đối với hệ thống pháp luật: Đảm bảo sự thống nhất trong các quy định về phạm vi điều chỉnh.
Kiến nghị: Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị lựa chọn Phương án 2