Có 2 phương án đánh giá tác động được nêu ra.
Phương án 1: Quy định cụ thể các yêu cầu về việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với dự án có hoạt động lấn biển trong quá trình lập, xem xét, thẩm định, quyết định cho phép thực hiện các hoạt động lấn biển.
Quy định các yêu cầu về đánh giá, xác định, thỏa thuận vị trí lấn biển; yêu cầu về đánh giá tác động môi trường đối với dự án có hoạt động lấn biển; yêu cầu về thu thập thông tin, dữ liệu, phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, tài nguyên, môi trường; yêu cầu về đánh giá tác động của dự án có hoạt động lấn biển đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền tiếp cận của người dân với biển; yêu cầu về thiết kế kỹ thuật, phương án thi công; yêu cầu đối với một số dự án có hoạt động lấn biển có tính đặc thù; các yêu cầu đối với hoạt động lấn biển trong quá trình thực hiện lấn biển, sau khi hoàn thành việc lấn biển nhằm cụ thể hóa và minh bạch các yêu cầu đối với hoạt động lấn biển, tạo thuận lợi cho việc thực hiện cũng như kiểm soát hoạt động này trong thực tiễn.
Về các yêu cầu mang tính kỹ thuật chuyên ngành (như yêu cầu về đánh giá, xác định vị trí lấn biển; yêu cầu về đánh giá tác động môi trường đối với dự án có hoạt động lấn biển; yêu cầu về thu thập thông tin, dữ liệu; yêu cầu về đánh giá tác động của dự án có hoạt động lấn biển đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quyền tiếp cận của người dân với biển; yêu cầu về thiết kế kỹ thuật, phương án thi công...), Nghị định về lấn biển chỉ quy định các yêu cầu cơ bản và giao cho các bộ quản lý chuyên ngành quy định chi tiết. Ví dụ như: Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết các yêu cầu về đánh giá, xác định vị trí lấn biển; yêu cầu đánh giá tác động môi trường đối với dự án có hoạt động lấn biển; yêu cầu về thu thập thông tin, dữ liệu...; Bộ Công Thương quy định chi tiết các yêu cầu về thiết kế kỹ thuật, phương án thi công...
Về các yêu cầu đối với một số dự án lấn biển có tính đặc thù (dự án bất động sản; dự án lấn biển có yếu tố nước ngoài; dự án lấn biển bên các hải đảo...), đây là các dự án có hoạt động lấn biển đã và đang được thực hiện chủ yếu gần đây cũng như sẽ có nhiều trong thời gian tới. Các dự án này cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm, cần có quy định cụ thể để quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, Nghị định về lấn biển cần quy định cụ thể đối với các dự án có hoạt động lấn biển đặc thù này.
Tác động về kinh tế: phương án này có thể gia tăng chi phí trong quá trình đánh giá tiền khả thi, xây dựng luận chứng kinh tế - kỹ thuật và xin cấp phép dự án. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ đảm bảo giảm tối đa tác động tiêu cực của các dự án tới các hệ thống tự nhiên, hệ sinh thái, cũng như đảm bảo hải hòa lợi ích của các bên liên quan, các đối tượng chịu tác động của hoạt động lấn biển từ đó tối ưu hóa lợi ích mang lại của dự án đối với phát triển kinh tế. Những yêu cầu này cũng đảm bảo phù hợp với nguyên tắc quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo, phù hợp với định hướng phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam.
Tác động về xã hội: Đảm bảo công bằng xã hội, ý kiến của tất cả các bên liên quan, nhất là cộng đồng địa phương sẽ được thu thập, đánh giá đầy đủ.
Tác động về giới của chính sách: không có tác động về giới.
Tác động của thủ tục hành chính: chính sách có thể làm phát sinh một số thủ tục hành chính mới khi chủ đầu tư, doanh nghiệp phải chấp hành yêu cầu và chịu sự đánh giá của nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Tuy nhiên phương án này đảm bảo việc đánh giá sự tuân thủ các yêu cầu đối với dự án lấn biển của chủ đầu tư được chính xác nhất đồng thời đảm bảo sự thống nhất của các bộ, ngành, địa phương trong quyết định cấp phép phê duyệt hoặc không phê duyệt thực hiện dự án.
Tác động đối với hệ thống pháp luật: phù hợp và bổ sung cho các văn bản pháp luật hiện hành.
Phương án 2: không quy định các yêu cầu đối với dự án lấn biển, các Bộ, ngành, địa phương tự đánh giá tính khả thi của dự án đối với từng nội dung theo chức năng nhiệm vụ và các quy định hiện hành.
Tác động về kinh tế: không làm phát sinh chi phí cho chủ đầu tư trong quá trình đánh giá tiền khả thi, xây dựng luận chứng kinh tế - kỹ thuật và xin cấp phép dự án. Tuy nhiên phương án này sẽ gây khó khăn cho chính chủ đầu tư cũng như các cơ quan quản lý nhà nước do thiếu các yêu cầu cụ thể, là căn cứ để đánh giá mức độ phù hợp của dự án, không đảm bảo nguyên tắc quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo. Việc thiếu vắng quy định về những yêu cầu đối với dự án lấn biển, do đó, có thể làm kéo dài thời gian xin cấp phép dự án, gây thiệt hại cho cả địa phương và chủ đầu tư.
Tác động về xã hội: việc không quy định những yêu cầu đối với dự án lấn biển có thể dẫn đến sự không thống nhất trong đánh giá các dự án khác nhau, không đánh giá đầy đủ, chính xác hay bỏ qua những tác động về mặt xã hội của dự án, là nguyên nhân gây phát sinh mâu thuẫn trong xã hội khi dự án được triển khai.
Tác động về giới của chính sách: không có tác động về giới.
Tác động của thủ tục hành chính: chính sách không làm phát sinh thủ tục hành chính mới.
Tác động đối với hệ thống pháp luật: phù hợp và bổ sung cho các văn bản pháp luật hiện hành.
Kiến nghị: Căn cứ trên thực trạng và nội dung đánh giá tác động đã nêu, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị lựa chọn phương án 1.