Sự cần thiết ban hành Thông tư về Danh mục chất phân tán được phép sử dụng trong vùng biển Việt Nam và hướng dẫn về quy trình sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển

Lĩnh vực biển và hải đảo 10/10/2020

Tại Việt Nam chưa đưa ra tiêu chuẩn chấp nhận nào cũng như chưa đề xuất danh mục các chất phân tán cho việc sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển. Xuất phát từ thực tiễn cần có danh mục chất phân tán được phép sử dụng trong công tác khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển Việt Nam, việc ban hành danh mục chất phân tán được phép sử dụng trong vùng biển Việt Nam là rất cần thiết.

Cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu về năng lượng của Việt Nam ngày càng gia tăng. Việc khai thác và sử dụng mạnh mẽ dầu khí trong mọi lĩnh vực đang thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, vùng biển Việt Nam là loại biển nửa kín nối liền Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đây là một trong những tuyến đường hàng hải có lưu lượng tàu bè qua lại rất lớn, trong đó 70% là tàu chở dầu. Theo số liệu quốc tế, số lượng dầu chuyên chở qua Biển Đông hàng năm vào khoảng 2,1 tỷ tấn và thường xuyên có khoảng 51 tàu chở dầu cỡ lớn hoạt động trong khu vực (theo monre.gov). Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển thì cũng gắn liền với nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái. Đặc biệt là nguy cơ từ các sự cố tràn dầu xảy ra trong khu vực vùng biển Việt Nam trong thời gian qua.

Tràn dầu thường xảy ra trong các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, phân phối và tàng trữ dầu khí và các sản phẩm của chúng. Ví dụ, các hiện tượng rò rỉ, phụt dầu, vỡ đường ống, vỡ bể chứa, tai nạn đâm va gây thủng tàu, đắm tàu, sự cố tại các dàn khoan dầu khí, cơ sở lọc hoá dầu v.v... làm cho dầu và sản phẩm dầu thoát ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sinh thái và thiệt hại đến các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các hoạt động có liên quan đến khai thác và sử dụng các dạng tài nguyên thuỷ sản.

Theo thống kê của Hiệp hội các chủ hàng chở dầu quốc tế từ năm 2005 đến năm 2014 đối với 39 quốc gia thì Việt Nam là một trong 5 quốc gia có số lượng sự cố tràn dầu nhiều nhất với số lượng từ 10 sự cố trở lên. Theo thống kê của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam từ các báo cáo hàng năm của địa phương, trung bình mỗi năm có khoảng 3-5 sự cố tràn dầu, bao gồm cả sự cố xác định được nguồn gốc và không xác định được nguồn gốc. Sự cố tràn dầu được xem là sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do chúng gây thiệt hại rất lớn cho môi trường, hệ sinh thái nếu không được ứng phó kịp thời.

Ngăn ngừa và khắc phục sự cố tràn dầu là công việc hết sức cần thiết, nhưng phức tạp và khó khăn, đòi hỏi sự tổ chức, phối hợp mau lẹ và việc áp dụng các kỹ thuật phù hợp. Tuỳ thuộc vào điều kiện môi trường và thời tiết ở từng địa bàn, từng thời gian cụ thể, ảnh hưởng của dầu đối với môi trường có những tác hại khác nhau. Các khu vực cần được bảo vệ trước nhất là các nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất, vùng nuôi trồng thuỷ sản, ruộng lúa ven biển, ruộng muối, rừng ngập mặn, đất ngập nước, bãi rong biển, rạn san hô, các bãi biển nằm trong khu du lịch, các khu dân cư và các điểm di tích lịch sử.

Khi sự cố tràn dầu xảy ra, thường gây hậu quả môi trường nghiêm trọng, nhất là tại các sông, vùng cửa sông, vịnh và vùng biển ven bờ. Khi đó, các phương tiện sử dụng để ứng phó, khắc phục sự cố là dùng phao quây, bơm hút dầu,… Trường hợp tràn dầu ngoài khơi, xa bờ, ở diện rộng mà các biện pháp khác không có hiệu quả (ví dụ phao quây không đủ dài,…) có thể xem xét dùng chất phân tán dầu nhằm ngăn không cho dầu có khả năng loang vào gây ô nhiệm đới bờ, bởi đới này thường là các khu vực nhạy cảm cần được ưu tiên bảo vệ.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào quy định về danh mục chất phân tán và quy trình sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển Việt Nam. Tại Khoản 5 Điều 24 Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, xây dựng và ban hành Danh mục chất phân tán được phép sử dụng trên biển Việt Nam và hướng dẫn về quy trình sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang dự thảo Quy chế sửa đổi, bổ sung và Quyết định kèm theo để thay thế Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg và Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối năm 2020. Tuy nhiên, quy định về sử dụng các chất phân tán dầu tràn không có sự thay đổi so với Quy chế cũ. Do đó, việc xây dựng Thông tư ban hành Danh mục chất phân tán được phép sử dụng trên biển Việt Nam và hướng dẫn về quy trình sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển là rất cần thiết nhằm từng bước hoàn thiện các văn bản về giám sát, đánh giá rủi ro, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu tại Việt Nam.

Trên thế giới, chất phân tán đã được nghiên cứu và thử nghiệm trong vòng 30 năm qua. Lần đầu chất phân tán được sử dụng dưới dạng một chất tẩy rửa trong vụ tràn dầu Torrey Canyon năm 1967 tại vịnh Persian ở nước Anh. Các nhà khoa học Anh có quan điểm cho rằng việc phân tán dầu là một biện pháp ứng phó có căn cứ và hợp lý. Tuy nhiên, chất hóa học được sử dụng trong vụ tràn dầu Torrey Canyon quá độc hại, không đủ hiệu quả và không được sử dụng đúng cách do thiếu sự hướng dẫn cũng như các quy tắc sử dụng chất hóa học một cách hiệu quả. Một số nước khác cũng bắt đầu xây dựng các quy tắc sử dụng chất phân tán, điển hình như Na Uy. Na Uy đã ra một quy chế về sử dụng chất phân tán trong đó yêu cầu phải xem xét tới các hậu quả môi trường trong các kịch bản sử dụng chất phân tán. Giữa những năm 1970, việc sử dụng chất phân tán như một biện pháp chiến lược để ứng phó với sự cố tràn dầu trên biển đã được chấp nhận tại Anh và nhiều nước trên khắp thế giới.

heo Hiệp hội các Tổ chức Khai thác Dầu khí Quốc tế (OGP - International Association of Oil & Gas Producers), mỗi quốc gia nên nghiên cứu và ban hành một danh mục các chất phân tán nhằm đảm bảo chỉ những sản phẩm phù hợp mới được phép sử dụng khi có sự cố tràn dầu. Nhiều quốc gia đã xây dựng và ban hành danh mục các chất phân tán được phép và đảm bảo sẵn sàng để sử dụng trong ứng phó sự cố tràn dầu như: Hoa Kỳ (18 chất), Úc (7 chất), Niu-Di-Lân (06 chất), Anh (19 chất), các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (06 chất), Xinh-ga-po (226 chất)...

Hiện nay, tổ chức quan hệ đối tác quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) đã xây dựng danh mục các chất phân tán dự kiến sử dụng cho vùng biển Vịnh Thái Lan giữa 3 nước Việt Nam, Cam-pu-chia và Thái Lan, danh mục đề xuất gồm 44 chất.

Tại Việt Nam, hiện chưa có quy định về danh mục chất phân tán và quy trình sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển Việt Nam. chất phân tán theo từng trường hợp trước đây đã được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho phép sử dụng tại Việt Nam, bao gồm 05 chất: (1) Seacare OSD, (2) Enersperse 1037, (3) Seagreen 805, (4) Shell VDC, (5) Superdispersant-25.

Hiện nay, có 3 đơn vị lưu trữ chất phân tán dầu để phục vụ cho việc ứng phó sự cố tràn dầu: Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Biển PVD thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVD Offshore), Công ty dầu khí Nhật Việt JVPC và VietsoPetro VSP. Trong đó, PVD Offshore là đơn vị dịch vụ thực hiện việc ứng cứu sự cố tràn dầu cho một số khách hàng trong nước, VietsoPetro và Công ty dầu khí Nhật Việt JVPC là các công ty khai thác dầu khí trực tiếp và tự lưu trữ chất phân tán để phục vụ ứng cứu sự cố cho quá trình khai thác tại các mỏ. Các chất phân tán dự trữ phổ biến tại Việt Nam là: Superdispersant-25 (SD25) và Seagreen 805, trong đó dự trữ nhiều nhất là SD-25. Kho của PVD Offshore tại Vũng Tàu dự trữ khoảng 2m3 SD-25, kho chứa trên các giàn khoan và tàu FPSO ngoài khơi của PVD Offshore có khoảng 25m3 SD-25 để dùng trong các trường hợp khẩn cấp khi có dầu tràn theo nhu cầu của các nhà thầu khai thác dầu khí. VietsoPetro VSP dự trữ khoảng 13m3 SD-25 tại kho căn cứ dịch vụ trên bờ và 4m3 chất phân tán được chứa trong các tàu dịch vụ cho trường hợp ứng cứu tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, công ty JVPC dự trữ khoảng 5 m3 chất phân tán Seagreen 805 trên giàn, tàu FSO và tàu trực ngoài khơi khi ứng cứu khẩn cấp. Tổng lượng chất phân tán được các nhà thầu lớn đang hoạt động khai thác dầu khí ở nước ta hiện nay lưu trữ khoảng 45 m3 để phục vụ cho kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của mình.

Đối với việc nghiên cứu khoa học liên quan đến danh mục chất phân tán và quy trình sử dụng chất phân tán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo trực thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã thực hiện Dự án “Nghiên cứu, xây dựng quy trình sử dụng chất phân tán (Dispersant) trên biển Việt Nam”. Kết quả của Dự án có đưa ra được danh mục các chất phân tán đề xuất sử dụng trên biển Việt Nam và quy trình sử dụng chất phân tán trên biển Việt Nam. Danh mục này gồm 5 chất, là các chất đang được sử dụng thông dụng trên thế giới. Tuy nhiên, 05 chất phân tán mà Viện Nghiên cứu biển và hải đảo đưa ra đều chưa có thử nghiệm tại Việt Nam. Đối với quy trình sử dụng chất phân tán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo đã nghiên cứu và tham khảo các hướng dẫn sử dụng chất phân tán trên thế giới như: Tài liệu “Sổ tay sử dụng các chất phân tán tràn dầu” của Tổ chức An toàn hàng hải Châu âu (EMSA); tài liệu “Hướng dẫn sử dụng chất phân tán trong tràn dầu” của Tổ chức phi lợi nhuận lĩnh vực dầu khí và nhiên liệu sinh học ở Mỹ Latinh và Caribe (ARPEL); tài liệu “Hướng dẫn sử dụng các chất phân tán” của Kế hoạch hành động về bảo vệ, quản lý và phát triển môi trường biển và ven biển khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương (NOWPAP); tài liệu nghiên cứu “Những ảnh hưởng của các chất phân tán dầu và nhũ tương dầu lên động vật biển” của tác giả Martha Swedmark; tài liệu “Sử dụng chất phân tán để xử lý dầu loang trên biển” của Trung tâm ứng phó sự cố môi trường nước của Pháp (Cedre); tài liệu “Hướng dẫn sử dụng các chất phân tán tràn dầu ở Niu-dilân” của Niu-di-lân;…Sau khi tổng hợp, phân tính đánh giá, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo đã đề xuất quy trình sử dụng chất phân tán phù hợp với điều kiện vùng biển Việt Nam. Quy trình đề xuất bao gồm 6 bước: (1) Xác định điều kiện sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trong vùng biển Việt Nam; (2) Xác định lượng chất phân tán cần sử dụng; (3) Phun chất phân tán để ứng phó sự cố tràn dầu (từ tàu và từ máy bay); (4) Giám sát hiệu quả sử dụng chất phân tán trong quá trình phun chất phân tán; (5) Giám sát chất lượng môi trường sau khi sử dụng chất phân tán, (6) Báo cáo sau khi sử dụng chất phân tán.

Đối với việc thử nghiệm về hiệu quả chất phân tán, hiện nay chỉ có Viện Dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu xây dựng Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia quy định điều kiện cho phép sử dụng chất phân tán tại Việt Nam phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu” và “Nghiên cứu đề xuất danh mục chất phân tán khuyến nghị sử dụng trong ngành dầu khí Việt Nam, phục vụ công tác ứng phó sự cố tràn dầu”. Kết quả của Đề tài đã đưa ra các yêu cầu kỹ thuật cần kiểm soát trong điều kiện Việt Nam nhằm đảm bảo chất phân tán dầu được phê duyệt cho phép sử dụng phải đạt được mức hiệu quả nhất định trên dầu thô Việt Nam, không gây thêm ảnh hưởng xấu đến môi trường, hệ sinh thái và đưa ra được danh mục chất phân tán kiến nghị sử dụng trong ứng phó sự cố tràn dầu tại Việt Nam. Các yêu cầu kỹ thuật cần kiểm soát trong điều kiện Việt Nam bao gồm: Độ độc cấp tính trên Tảo biển Skeletonema costatum, ấu trùng Tôm sú Penaeus monodon; Khả năng phân rã sinh học hiếu khí của chất phân tán sau 28 ngày. Danh mục 11 chất phân tán đã được Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam tiến hành thử nghiệm hiệu quả chất phân tán, độ độc cấp tính và khả năng phân rã sinh học gồm: Corexit EC9500A, Corexit EC9527A, Slickgone EW, Slickgone NS; Finasol OSR 51, Finasol OSR 52, Radiagreen OSD, Shell VDC, Super dispersant-25, Seagreen 805 và Seacare OSD.

Như vậy, tại Việt Nam chưa đưa ra tiêu chuẩn chấp nhận nào cũng như chưa đề xuất danh mục các chất phân tán cho việc sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển. Xuất phát từ thực tiễn cần có danh mục chất phân tán được phép sử dụng trong công tác khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển Việt Nam, việc ban hành danh mục chất phân tán được phép sử dụng trong vùng biển Việt Nam là rất cần thiết.