Trình Bộ trưởng Dự thảo Thông tư ban hành Danh mục chất phân tán được phép sử dụng trong vùng biển Việt Nam và hướng dẫn về quy trình sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển

Lĩnh vực biển và hải đảo 12/11/2020

Ngày 12/11 vừa qua, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã hoàn thiện, trình Bộ trưởng Dự thảo Thông tư ban hành Danh mục chất phân tán được phép sử dụng trong vùng biển Việt Nam và hướng dẫn về quy trình sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển.

Tại Việt Nam chưa đưa ra tiêu chuẩn chấp nhận nào cũng như chưa đề xuất danh mục các chất phân tán cho việc sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển. Xuất phát từ thực tiễn cần có danh mục chất phân tán được phép sử dụng trong công tác khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố tràn dầu trên biển Việt Nam, việc ban hành danh mục chất phân tán được phép sử dụng trong vùng biển Việt Nam cần thiết.

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, các chất phân tán được phép sử dụng trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển Việt Nam cần đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Các yêu cầu kỹ thuật mà các chất phân tán được phép sử dụng trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển cần đáp ứng như trên, đối chiếu với kết quả thử nghiệm của Viện Dầu khí Việt Nam thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng như các chất phân tán đã từng được cấp phép tại Việt Nam để đưa ra danh mục chất phân tán phù hợp nhất trong thời điểm hiện tại: (1) Danh mục 11 chất phân tán đã được Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam tiến hành thử nghiệm hiệu quả chất phân tán, độ độc cấp tính và khả năng phân rã sinh học như sau: Corexit EC9500A, Corexit EC9527A, Slickgone EW, Radiagreen OSD, Seacare OSD, Super Dispersant 25, Seagreen 805, Slickgone NS, Finasol OSR 51, Finasol OSR 52, Shell VDC. (2) 05 chất phân tán theo từng trường hợp trước đây đã được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phê duyệt cho phép sử dụng tại Việt Nam, bao gồm: Seacare OSD, Seagreen 805, Super Dispersant 25, Shell VDC, Enersperse 1037. Trong đó có 04 chất phân tán đã từng được Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam thử nghiệm: Seacare OSD, Seagreen 805, Super-dispersant 25, Shell VDC; chất Enersperse 1037 chưa có thử nghiệm để đánh giá được các yêu cầu kỹ thuật cần đạt được.

Như vậy, có thể xem xét lựa chọn các chất phân tán trên cơ sở 11 chất phân tán đã được Tập đoàn dầu khí tiến hành thử nghiệm. Đối chiếu kết quả thử nghiệm của từng chất phân tán với các yêu cầu kỹ thuật mà Dự thảo Thông tư đang đưa ra, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đề xuất danh mục chất phân tán sử dụng trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển Việt Nam gồm 07 chất, cụ thể: (1) Corexit® EC9500A, (2) Corexit® EC9527A, (3) Radiagreen OSD, (4) Seacare OSD, (5) Seagreen 805, (6) Slickgone EW, (7) Super Dispersant 25. Trong đó, cả 07 chất phân tán đều được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thử nghiệm, có 04 chất phân tán đã được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho phép sử dụng tại Việt Nam.

Bố cục của dự thảo Thông tư  bao gồm 04 chương 14 điều, cụ thể: 

Chương I: Quy định chung (03 Điều). 

Chương II: Danh mục chất phân tán được phép sử dụng trong ứng phó sự cố tràn dầu trong vùng biển Việt Nam (02 Điều). 

Chương III: Quy trình sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển (07 điều). 

Chương IV: Điều khoản thi hành (02 điều).

Về nội dung cơ bản của Thông tư: 

Chương I: Quy định chung, gồm 03 điều quy định về: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ. 

Chương II: Danh mục chất phân tán được phép sử dụng trong ứng phó sự cố tràn dầu trong vùng biển Việt Nam. Chương này quy định về: Yêu cầu kỹ thuật đối với chất phân tán được phép sử dụng trong ứng phó sự cố tràn dầu trong vùng biển Việt Nam. Danh mục chất phân tán được phép sử dụng trong ứng phó sự cố tràn dầu trong vùng biển Việt Nam.

Chương III. Quy trình sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển. Chương này quy định về: Quy trình sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trên biển. Xác định điều kiện sử dụng chất phân tán trong ứng phó sự cố tràn dầu trong vùng biển Việt Nam. Xác định lượng chất phân tán cần sử dụng. Phun chất phân tán để ứng phó sự cố tràn dầu. Giám sát hiệu quả sử dụng chất phân tán trong quá trình phun chất phân tán. Giám sát chất lượng môi trường sau khi sử dụng chất phân tán. Báo cáo sau khi sử dụng chất phân tán.

Chương IV. Điều khoản thi hành: hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện.