Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đất đai, đưa đất đai thành động lực phát triển

Giám định tư pháp 06/08/2020

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, công tác hoàn thiện hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đất đai đã có những thành tựu nổi bật, góp phần đưa đất đai thành động lực phát triển. Bước sang giai đoạn 2020 - 2025, một số nhiệm vụ định hướng lớn trong công tác quản lý đất đai như tiến hành tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/12/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại để đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về đất đai; tổng kết thi hành Luật Đất đai...

Cụ thể là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để xóa bỏ nhiều rào cản, tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, góp phần ổn định chính trị - xã hội. Trong đó, nổi bật nhất, Đảng ủy Tổng cục đã tập trung chỉ đạo tham mưu hoàn thành việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19 để trình Bộ chính trị ban hành Kết luận số 36-KL/W với những quan điểm định hướng lớn về đất đai để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai trong thời gian tới. Tham mưu trình Chính phủ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết căn bản những vướng mắc khó khăn trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sản xuất phát triển, phát huy nguồn lực đất đai và đảm bảo quyền của người sử dụng đất...

Công tác quản lý Nhà nước về đất đai tiếp tục góp phần đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân; góp phần đảm bảo nhu cầu sử dụng đất cho các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường phù hợp với yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được tập trung chỉ đạo, đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, phối hợp liên thông, bước đầu đã chia sẻ cơ sở dữ liệu về đất đai cho các ngành, lĩnh vực để góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc khơi thông nguồn lực đất đai đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bước sang giai đoạn 2020 - 2025, một số nhiệm vụ định hướng lớn trong công tác quản lý đất đai như: Tiến hành tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/12/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại để đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về đất đai; tổng kết thi hành Luật Đất đai.

Xây dựng chiến lược sử dụng đất quốc gia có tầm nhìn dài hạn đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; bảo đảm nguồn lực đất đai được sử dụng hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái.

Tập trung nguồn lực xây dựng, hoàn thiện và vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đặc biệt là cơ sở dữ liệu về quy hoạch, giá đất và hệ thống hồ sơ địa chính hiện đại.

Đề xuất các giải pháp để đảm bảo sự quản lý thống nhất từ cấp Trung ương đến địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai; hoàn thiện cơ chế, quy định cụ thể trong việc thực hiện phân cấp quản lý đất đai nhằm quản lý chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính đất đai đảm bảo sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.

Về các nhiệm vụ cụ thể, lĩnh vực quản lý đất đai tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

Một là, hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về đất đai thông qua việc tiến hành tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng, bài bản, toàn diện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về chính sách đất đai; tổng kết, đánh giá sâu rộng và toàn diện Luật Đất đai năm 2013 để làm cơ sở cho việc hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách pháp luật về đất đai. Trong đó, có chính sách liên quan đến đất đai cần hoàn thiện theo hướng phù hợp với thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu của thực tiễn nhằm tạo động lực mới cho phát triển. Tăng cường tính công khai, minh bạch, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư và kinh doanh.

Hai là, chú trọng việc tuyên truyền chính sách pháp luật về đất đai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các điểm nóng, các vấn đề bức xúc để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm. Thanh tra, kiểm tra phải đi liền với xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và người đứng đầu tổ chức để xảy ra sai phạm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Ba là, cần tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo tính đồng bộ, tính liên kết, kết nối vùng trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và phân tích, dự báo chiến lược để xác định nhu cầu đất cho các ngành, các lĩnh vực… cũng như tác động của vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu đến sử dụng đất; khuyến khích nâng cao suất đầu tư vào đất, thu hút các dự án công nghệ cao vào các đô thị lớn; chuyển dịch các cơ sở sản xuất sử dụng nhiều lao động về khu vực nông thôn; phát triển các công trình ngầm; quy hoạch sử dụng hợp lý không gian.

Bốn là, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản; đo đạc, lập hồ sơ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đổi mới sắp xếp việc sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp. Thực hiện điều tra đánh giá tiềm năng và chất lượng tài nguyên đất, đặc biệt chú trọng đến các vùng có nguy cơ thoái hóa, xâm nhập mặn, ngập úng, khô hạn, hoang mạc hóa, xói mòn, rửa trôi, ô nhiễm đất để có giải pháp sử dụng hiệu quả, bền vững. Đổi mới phương pháp thực hiện và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ và theo chuyên đề nhằm cung cấp số liệu chính xác phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.

Năm là, từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai từ Trung ương đến địa phương dựa trên nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến; hệ thống quản trị minh bạch, hiệu quả. Tập trung xây dựng và hoàn thiện sớm hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ đa mục tiêu. Thiết lập hệ thống, theo dõi đánh giá nhằm đảm bảo sự quản lý thống nhất. Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ nhằm phát triển nguồn nhân lực ngành Quản lý đất đai đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng phù hợp với các tiêu chuẩn, vị trí việc làm; ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành.

Sáu là, cần đặc biệt quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng. Công tác xây dựng Đảng phải thực sự là then chốt và được thực hiện đồng bộ, có chất lượng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và kiểm tra, giám sát. Thực hiện tốt việc tiếp tục “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, kết quả là thước đo thực tế về năng lực, đạo đức, lối sống của mỗi cán bộ, đảng viên.