Đo nối mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia

Viễn thám 05/09/2020

Việc đo nối mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia được quy định tại Chương III Thông tư số 03/2020/TT-BTNMT ngày 29/5/2020 về Quy định kỹ thuật về mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia.

Theo đó, việc đo nối mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia được quy định cụ thể như sau:

Đo nối, xác định tọa độ VN-2000 cho mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia 

Sử dụng các điểm tọa độ quốc gia cấp 0 có trong khu vực để làm điểm khởi tính cho mạng lưới đo nối; trường hợp mở rộng, chêm dày trạm định vị vệ tinh quốc gia được phép sử dụng các trạm định vị vệ tinh đã có trong khu vực để làm điểm khởi tính cho mạng lưới đo nối. Các điểm khởi tính phải được bố trí đều trong mạng lưới đo nối; số lượng điểm khởi tính căn cứ số lượng trạm định vị vệ tinh quốc gia cần đo nối nhưng không được ít hơn 05 điểm. 

Các máy thu GNSS đặt tại điểm tọa độ quốc gia cấp 0 phải là các máy thu đa tần, tối thiểu phải thu được các tín hiệu L1/L2 từ các hệ thống GPS và GLONASS; thời gian quan trắc đồng thời liên tục không ít hơn 24 giờ, bắt đầu từ 7h00’ (giờ Việt Nam); giãn cách thu tín hiệu là 15 giây; sử dụng phương pháp đo tĩnh với góc ngưỡng thu là 10o . Các máy thu đặt tại các trạm định vị vệ tinh quốc gia được thiết lập theo quy định tại điểm m khoản 2 Điều 9 của Thông tư này. 

Việc xử lý tính toán được thực hiện bởi các phần mềm xử lý GNSS thông dụng; trong quá trình tính toán xử lý các cạnh (baselines) phải sử dụng lịch vệ tinh chính xác (Final Orbit) để tính toán. Sai số vị trí điểm sau tính toán bình sai không được lớn hơn 2cm. Quy trình tính toán theo quy định tại Thông tư số 06/2009/TTBTNMT ngày 18 tháng 6 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật xây dựng lưới tọa độ quốc gia.

Đo nối, xác định độ cao trạm định vị vệ tinh quốc gia 

 Thiết kế các tuyến độ cao độc lập để xác định độ cao cho các điểm trong mạng lưới trạm định vị quốc gia. Thiết kế dạng tuyến đơn, mỗi tuyến phải sử dụng ít nhất 02 điểm thuộc mạng lưới độ cao quốc gia hạng cao có trong khu vực để làm điểm khởi tính. Việc thiết kế, đo nối, tính toán xác định độ cao theo quy định tại Quyết định số 11/2008/QĐ-BTNMT ngày 18 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng lưới độ cao.

Đối với các điểm thuộc trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục: việc thiết kế, đo nối, tính toán được thực hiện theo quy trình đo độ cao hạng II. Các điểm độ cao quốc gia làm điểm khởi tính là các điểm độ cao hạng I, hạng II. Sai số khép giữa đo đi - đo về và giữa 2 điểm hạng cao không được vượt quá ±4√𝐿 đối với vùng đồng bằng và ±5√𝐿 đối với vùng núi (L là chiều dài tuyến đo tính bằng km). 

Đối với các điểm thuộc trạm tham chiếu hoạt động liên tục: việc thiết kế, đo nối, tính toán được thực hiện theo quy trình đo độ cao hạng III. Các điểm độ cao quốc gia làm điểm khởi tính là các điểm độ cao hạng I, hạng II, hạng III. Sai số khép giữa đo đi - đo về và giữa 2 điểm hạng cao không được vượt quá ±10√𝐿 đối với vùng đồng bằng và ±12√𝐿 đối với vùng núi (L là chiều dài tuyến đo tính bằng km). 

Đo nối, xác định độ cao của trạm định vị vệ tinh quốc gia phải được thực hiện vào tất cả dấu mốc theo quy định tại khoản 4 Điều 8 của Thông tư này. Chênh cao thẳng đứng giữa dấu mốc độ cao và điểm tham chiếu ăng-ten (ARP) được xác định bằng thước thép chuyên dụng hoặc các phương tiện đo có độ chính xác tương đương và được ghi riêng, tách khỏi sổ đo thủy chuẩn. 

Đo nối, xác định giá trị trọng lực trạm định vị vệ tinh quốc gia 

Trên cơ sở các điể trọng lực cơ sở, trọng lực hạng I có trong khu đo, thiết kế tuyến đo nối trọng lực vào các trạm định vị vệ tinh quốc gia với độ chính xác của trọng lực hạng II theo phương pháp đo trọng lực tương đối. Mỗi tuyến phải sử dụng ít nhất 02 điểm thuộc mạng lưới trọng lực quốc gia hạng cao có trong khu vực để làm điểm khởi tính. 

Vị trí xác định giá trị trọng lực tại trạm định vị vệ tinh quốc gia là dấu mốc độ cao gắn nổi trên trụ mốc. Sai số trung phương gia tốc lực trọng trường sau bình sai không được lớn hơn 0,05mGal. 

Sử dụng các phương tiện đo trọng lực có độ chính xác tối thiểu 0,03 mGal để xác định giá trị trọng lực cho mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia. 

Kết nối mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia với hệ quy chiếu trắc địa quốc tế ITRF 

Mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia được kết nối với hệ quy chiếu trắc địa quốc tế ITRF thông qua các trạm thuộc mạng lưới của tổ chức cung cấp dịch vụ GNSS quốc tế IGS có trong khu vực. Tất cả các điểm trong mạng lưới trạm định vị quốc gia được xử lý tính toán thường xuyên, liên tục hàng ngày trong ITRF với độ chính xác ≤ 2mm. 

Sử dụng dữ liệu GNSS từ ít nhất 05 trạm thuộc mạng lưới IGS, trong đó ưu tiên sử dụng các trạm có dữ liệu ổn định, được xây dựng từ lâu và có các thông số khác có liên quan đến trạm đầy đủ theo khuyến cáo của IGS. 

Sử dụng các phần mềm có độ chính xác cao như Bernese, GAMIT/GLOBK...để tính toán. Trong quá trình tính toán, ngoài trị đo GNSS còn phải sử dụng tất cả các dữ liệu khác có liên quan để nâng cao độ chính xác như: các thông số về ăng-ten sau kiểm định của IGS, lịch vệ tinh chính xác, tham số quay của cực trái đất, mô hình cải chính ảnh hưởng của thủy triều đại dương, mô hình tầng đối lưu, mô hình tầng điện ly.... 

Việc tính toán được thực hiện theo từng ngày, bắt đầu từ 0h00 (giờ UTC); sử dụng dữ liệu GNSS với giãn cách thu tín hiệu 30 giây để tính toán xử lý. Kết quả nhận được là cơ sở cho việc xác định dịch chuyển mảng, dịch chuyển đứng, xây dựng hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia theo quan điểm động, xác định tham số tính chuyển giữa hệ tọa độ quốc gia VN-2000 và ITRF.