Ngày 17/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước để cụ thể hóa quy định tại Điều 65 Luật Tài nguyên nước. Sau hơn một năm triển khai thi hành Nghị định nêu trên, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho 334 công trình khai thác (chủ yếu là thủy điện), với tổng số tiền là 7.165 tỷ đồng. Trong đó, số tiền phải nộp cho năm 2017 là khoảng 278 tỷ đồng, số tiền sẽ phải nộp cho năm 2018 là khoảng 898 tỷ đồng. Các địa phương cũng đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho 841 công trình khai thác, với tổng số tiền 110 tỷ đồng, trong đó, số tiền phải nộp cho năm 2017 là 4,2 tỷ đồng, số tiền sẽ phải nộp cho năm 2018 khoảng 15,7 tỷ đồng.
Để đảm bảo công khai, minh bạch trong việc kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, Nghị định đã quy định rõ căn cứ tính tiền tại Điều 4, mức thu tiền tại Điều 5, công thức tính tiền tại Điều 6, sản lượng tính tiền cấp quyền tại Điều 7, giá tính tiền tại Điều 8 và hệ số điều chỉnh tại Điều 9. Đồng thời, để thuận tiện trong việc kiểm tra, giám sát việc kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tại khoản 1 Điều 11 Nghị định đã quy định tổ chức, cá nhân phải nộp kèm theo các tài liệu để chứng minh những nội dung kê khai. Trường hợp phát hiện ngày bắt đầu vận hành thực tế của công trình sớm hơn thời gian dự kiến; phát sinh mục đích khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải nộp tiền; quy mô, sản lượng khai thác cao hơn so với giấy phép đã được cấp; gian lận hoặc kê khai không trung thực dẫn đến giảm số tiền phải nộp thì sẽ bị truy thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (khoản 3 Điều 12).
Ngoài ra, để thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước nói chung và thanh tra, kiểm tra việc kê khai, tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nói riêng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, trong đó, tại điểm c khoản 5 Điều 28 đã quy định xử phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không trung thực thông tin trong hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Đồng thời, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng (điểm b khoản 8 Điều 28 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP).
Như vậy, căn cứ vào giấy phép đã được cấp và các tài liệu chứng minh về những nội dung kê khai tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người dân có thể kiểm tra, giám sát được việc kê khai tính tiền của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước.