Về kết quả rà soát
Tổng số văn bản thuộc đối tượng, phạm vi rà soát của Bộ: 805 văn bản, trong đó, 608 văn bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo thẩm quyền, liên tịch ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; văn bản do cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình có nội dung điều chỉnh những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường .
Tổng số văn bản đã được rà soát: 805 văn bản, trong đó, 608 văn bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành theo thẩm quyền, liên tịch ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; văn bản do cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình có nội dung điều chỉnh những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, gồm: 08 Luật; 02 Nghị quyết của Quốc hội; 01 Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; 49 Nghị định của Chính phủ; 39 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; - 02 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 06 Nghị quyết liên tịch của Bộ trưởng; 01 Chỉ thị của Bộ trưởng; 36 Quyết định của Bộ trưởng; 54 Thông tư liên tịch; 410 Thông tư;
Kết quả rà soát, phát hiện số văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp là: 20 văn bản, trong đó: 04 Luật có nội dung chưa thống nhất, đồng bộ, bất cập, mâu thuẫn, chống chéo với các Luật khác; 08 Nghị định có nội dung chưa phù hợp với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; bất cập trong thực tiễn áp dụng; 01 Nghị định có nội dung không còn phù hợp với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; 04 Thông tư có nội dung không còn phù hợp, bất cập trong thực tiễn áp dụng; 01 Thông tư liên tịch có nội dung không còn phù hợp, bất cập trong thực tiễn áp dụng; 02 Thông tư liên tịch có nội dung không còn phù hợp với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Ngoài ra, kết quả rà soát còn phát hiện 01 Luật Phí và lệ phí chưa thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Đo đạc và bản đồ; 02 Thông tư do Bộ Tài chính ban hành có nội dung chưa phù hợp với Luật Đo đạc và bản đồ.
Đánh giá chung về quá trình rà soát
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiêm túc, quán triệt các đơn vị thuộc Bộ thực hiện hiệu quả, chất lượng rà soát văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường. Bộ đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 209/QĐ-TTg và thành lập Tổ rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện nhiệm vụ rà soát theo Quyết định số 209/QĐ-TTg và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ; Lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và tổng hợp các thông tin, vướng mắc, bất cập từ nhiều nguồn khác nhau như: VCCI, cử tri, các Sở Tài nguyên và Môi trường,...; Tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về chất lượng rà soát văn bản, trên cơ sở kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018, kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền rà soát của Bộ và các văn bản có liên quan khác. Việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy định chi tiết và biện pháp hướng dẫn thi hành Luật. Kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau bảo đảm tính khách quan.
Về hệ thống văn bản đã được rà soát, cho thấy các ưu điểm chính là Bộ đã quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật; vừa thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014-2018, do đó, tập hợp, hệ thống tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường thuộc đối tượng thực hiện rà soát theo Quyết định số 209/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, công tác pháp điển hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường về cơ bản gần hoàn thành (đã được Chính phủ phê duyệt Kết quả pháp điển của 08/09 Đề mục, gồm: Đất đai; Tài nguyên nước; Khoáng sản; Bảo vệ môi trường; Đa dạng sinh học; Đo đạc và bản đồ; Hoạt động viễn thám; Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo), kết quả pháp điển phục vụ đắc lực cho công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang được giao chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), do đó, kết quả đánh giá, tổng kết thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2015 cũng là nguồn phục vụ hiệu quả cho công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
Mặc dù, Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác rà soát văn bản, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc sau đây: Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đa lĩnh vực, bao gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám. Các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ rộng, liên quan trực tiếp đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; các bộ, ngành. Do đó, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nêu trên để thực hiện việc rà soát nhằm bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường nhiều (hơn 800 văn bản thuộc đối tượng rà soát), do đó với thời gian thực hiện ngắn (tính đến hết tháng 6 năm 2020) ảnh hưởng đến tiến độ rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn có một số quy định chưa rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau (ví dụ quy định tại Khoản 4 Điều 154, Khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015,...) dẫn đến khó khăn vướng mắc trong việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Việc rà soát văn bản theo Quyết định số 209/QĐ-TTg và rà soát chuyên sâu theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến trùng lặp nhất định trong khi thời hạn hoàn thành khác nhau, dẫn đến khó khăc, vướng mắc về tiến độ báo cáo kết quả thực hiện.
Đội ngũ cán bộ công chức Vụ Pháp chế Bộ và các tổ chức pháp chế còn hạn chế về số lượng, trong khi khối lượng văn bản rà soát nhiều trong khoảng thời gian ngắn ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ công việc. Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh Covid - 19 kéo dài, ảnh hưởng tới một số công việc thực hiện việc rà soát như: tổ chức lấy ý kiến sâu rộng các đối tượng có liên quan, tổ chức các hội nghị, hội thảo về rà soát văn bản,...chưa thực hiện được.
Về kiến nghị, đề xuất, giải pháp đối với việc xử lý văn bản có nội dung chưa thống nhất, đồng bộ, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp
Bộ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung 13 văn bản, gồm: 05 Luật, trong đó có 01 Luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường (Luật Phí và lệ phí); 08 Nghị định của Chính phủ; Kiến nghị Chính phủ bãi bỏ 01 Nghị định; Xử lý theo thẩm quyền sửa đổi, bổ sung 04 Thông tư; Phối hợp với các bộ có liên quan sửa đổi, bổ sung 02 Thông tư liên tịch; Phối hợp với các bộ có liên quan ban hành văn bản mới thay thế 01 Thông tư liên tịch; Kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung 01 Thông tư.
Trong số các văn bản có nội dung còn chưa thống nhất, đồng bộ, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp nêu trên, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó, đã dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định còn vướng mắc đã rà soát nêu trên.
Giải pháp được đề xuất là bảo đảm thường xuyên thực hiện công tác rà soát, kiểm tra, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, trái pháp luật,... Tăng cường công tác phối hợp trong công tác rà soát, kiểm tra, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm chất lượng, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ rà soát, kiểm tra, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ công chức pháp chế. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong công tác rà soát, kiểm tra, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng pháp luật.