Rà soát văn bản quy phạm pháp luật đất đai, tài nguyên, môi trường

Rà soát, kiểm tra VBQPPL 28/09/2020

Theo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật đất đai, tài nguyên, môi trường đã tổng hợp, đề xuất phương án xử lý các quy định còn chưa thống nhất, đồng bộ, bất cập, mâu thuẫn, chống chéo hoặc không còn phù hợp.

 

Liên quan đến các quy định chưa thống nhất về trình tự thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện

Theo quy định của khoản 3 Điều 45 Luật Đất đai năm 2013 thì “Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện”. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 21 Luật Đất đai 2013 quy định: “Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua bảng giá đất, việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật này; giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương”; Điểm b khoản 2 Điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân huyện trong lĩnh vực kinh tế, tài nguyên, môi trường có: “Thông qua..., quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt”. Như vậy, quy định về việc thông qua, trình phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm giữa Điều 55 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 21 Luật Đất đai 2013, Điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương là không thống nhất: theo quy định của Điều 45 Luật Đất đai năm 2013 thì Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm (không quy định Hội đồng nhân dân cấp huyện phải thông qua trước khi trình), trong khi đó, theo quy định của Điều 21 Luật Đất đai 2013 và điều 26 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 thì kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phải được Hội đồng nhân dân cấp huyên thông qua.

Phương án xử lý được đề xuất là đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Liên quan đến quy định vhưa thống nhất về việc quản lý, cấp phép xử lý chất thải nguy hại

Khoản 3 Điều 90 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định: Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định danh mục chất thải nguy hại và cấp phép xử lý chất thải nguy hại. Tuy nhiên theo quy định của Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 thì việc quản lý và cấp phép xử lý chất thải phóng xạ đang thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, chịu sự điều chỉnh của Luật Năng lượng nguyên tử.

Phương án xử lý được đề xuất là sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 theo hướng dẫn chiếu thẩm quyền quản lý, cấp phép xử lý chất thải huy hại là chất thải phóng xạ thực hiện theo quy định của Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 (đã được đưa vào xử lý tại Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)).

Liên quan đến quy định không còn phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch

Khoản 1 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch (sửa đổi, bổ sung Chương IV Luật Đất đai năm 2013) đã quy định về các nguyên tắc, hệ thống, căn cứ, nội dung, trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; trong đó, có phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, nội dung quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 và Điều 11 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2013 chưa thống nhất với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.

Phương án xử lý được đề xuất là sửa đổi, bổ sung nội dung Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10 và Điều 11 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP để thống nhất với các quy định mới của pháp luật về quy hoạch.

Liên quan đến bất cập về việc chưa quy định rõ quyền sử dụng đất của từng thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất

Điểm i khoản 1 Điều 98 Luật Đất đai năm 2013 quy định các trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận), trong đó có đối tượng là thành viên hộ gia đình. Tuy nhiên, Luật chưa quy định cụ thể về cách thức cấp Giấy chứng nhận dẫn đến quyền sử dụng đất của từng thành viên trong hộ gia đình không được xác lập cụ thể, có thể phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp về quyền sử dụng đất của các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất.

Về nội dung này, sẽ xem xét nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Liên quan đến bất cập trong việc xử lý khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường dôi dư trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân khai thác trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó

Điểm b khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010 quy định hộ gia đình, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp khai thác trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhu cầu đào ao, san hạ mặt bằng cải tạo đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong quá trình cải tạo đất có phát sinh một khối lượng đất, cát, đá dôi dư phải vận chuyển ra khỏi khu vực diện tích đất cải tạo, trong trường hợp này hộ gia đình, cá nhân phải đề nghị cấp phép theo quy định.

Hiện nay, Luật Khoáng sản đã có quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản nói chung, bao gồm cả trường hợp khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình. Tuy nhiên, các quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản nêu trên nếu áp dụng cho hộ gia đình, cá nhân thì rất khó để thực hiện (do hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép khai thác phức tạp trong khi khoáng sản dôi dư cần vận chuyển ra khỏi khu vực nêu trên không lớn). Do vậy, cần thiết phải có quy định cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho người dân địa phương, tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Về nội dung này, Phương án xử lý được đề xuất là sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản năm 2010 theo hướng đơn giản hóa tối đa về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản trong trường hợp nêu trên.

Liên quan đến bất cập về việc thiếu quy định về quản lý khoáng sản ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia

Điều 29 Luật Khoáng sản năm 2010 đã quy định về khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về thời gian dự trữ khoáng sản và việc thực hiện các dự án đầu tư trên khu vực được khoanh định dự trữ khoáng sản quốc gia. Điều này gây khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các dự án đầu tư như điện gió, điện mặt trời…, trên các diện tích đất được khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Về nội dung này, Phương án xử lý được đề xuất là sửa đổi, bổ sung Luật Khoáng sản năm 20101. Trước mắt, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Nghị định quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, dự kiến trình Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 9 năm 2020.

Liên quan đến bất cập về việc không xác định rõ trường hợp giãn tiến độ đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 liên quan đến thời hạn phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014

Điểm a khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định, một trong các trường hợp Chủ dự án phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường là dự án không được triển khai trong thời gian 24 tháng kể từ thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật Đầu tư năm 2014 thì Chủ dự án có thể giãn tiến độ đầu tư dự án tổng thời gian 24 tháng sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, 02 Luật nêu trên không có quy định xác định rõ trường hợp giãn tiến độ đầu tư có thuộc trường hợp phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường hay không, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Về nội dung này, Phương án xử lý được đề xuất trong sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 theo hướng không quy định việc lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường trong trường hợp dự án không triển khai sau 24 tháng (đã được đưa vào xử lý tại Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)).

Liên quan đến bất cập về quy định giữa Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường với Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định một số loại hình dự án phải có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành, Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, trong đó có các nội dung về xác nhận công trình xử lý nước thải, quy chuẩn xả thải, tần suất quan trắc nước thải (đối với đối tượng có hoạt động xả thải ra ngoài môi trường). Luật Tài nguyên nước quy định việc cấp phép xả nước thải vào nguồn nước, Luật Thủy lợi quy định việc cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi với mục tiêu chung là bảo đảm chất lượng nước thải xả ra ngoài môi trường (trong đó có công trình thủy lợi) đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Thực tế triển khai các Luật này trong thời gian qua cho thấy có sự chồng lấn, chưa thống nhất về yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền đối với quy chuẩn kỹ thuật áp dụng, thông số quan trắc, tần suất quan trắc nước thải tại các giấy phép, giấy xác nhận của 01 cơ sở. Đồng thời, riêng 01 hoạt động xả thải của doanh nghiệp chịu sự quản lý của ít nhất là 02 cơ quan cấp phép.

Về nội dung này, Phương án xử lý được đề xuất trong sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 theo hướng chỉ yêu cầu một loại Giấy phép trong hoạt động xả nước thải vào nguồn nước (đã được đưa vào xử lý tại Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)).

Liên quan đến bất cập về việc quy định lập 02 loại Kế hoạch đối với 02 hoạt động có tính chất giống nhau

Điểm a khoản 1 Điều 108 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phương tiện vận tải có nguy cơ gây ra sự cố môi trường phải lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường. Khoản 4 Điều 36 Luật Hóa chất năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) quy định chủ đầu tư dự án hoạt động hóa chất thuộc Danh mục quy định tại Khoản 1 Điều 38 Luật Hóa chất phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Tuy nhiên, nội dung kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là các sự cố môi trường do hóa chất gây ra. Do đó, việc quy định lập 02 loại Kế hoạch có tính chất tương đồng nhau như trên dẫn đến khó khăn, phiền hà cho chủ thể thực hiện.

Về nội dung này, Phương án xử lý được đề xuất trong sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 theo hướng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường được lồng ghép, tích hợp và phê duyệt cùng với kế hoạch ứng phó sự cố khác (đã được đưa vào xử lý tại Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)).