Xây dựng Khung pháp lý xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý của Việt Nam

Lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý 11/06/2019

Hội thảo do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức sáng ngày 11/6, tại Hà Nội.

Theo ông Phan Đức Hiếu - Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, Luật Đo đạc và bản đồ được Quốc hội Khóa XIV thông qua tháng 6 năm 2018, trong đó có 6 điều (từ Điều 43 đến Điều 48) quy định về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý Quốc gia (NSDI); đồng thời, Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về xây dựng NSDI Việt Nam. Lần đầu tiên, NSDI được pháp luật Việt Nam quy định, là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai xây dựng, phát triển NSDI của nước ta.

Ông Phan Đức Hiếu - Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam giới thiệu về khung pháp lý xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý của Việt Nam

Theo đó, Điều 43 Luật Đo đạc và Bản đồ quy định, NSDI phải bảo đảm dữ liệu không gian địa lý được chuẩn hóa, tập hợp đầy đủ từ Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân; được cập nhật thường xuyên để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao dân trí; thuận lợi cho cung cấp các dịch vụ công; bảo đảm khả năng kết nối liên thông với hạ tầng dữ liệu không gian địa lý các nước trong khu vực và quốc tế. Việc cung cấp, trao đổi, khai thác, sử dụng dữ liệu không gian địa lý không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo ông Phan Đức Hiếu, việc xây dựng Chiến lược NSDI phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia, đảm bảo xây dựng và phát triển NSDI đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước phục vụ Chính phủ điện tử, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thuận lợi cho cung cấp các dịch vụ công; bảo đảm khả năng kết nối liên thông với hạ tầng dữ liệu không gian địa lý giữa các bộ, ngành, địa phương. Chu kỳ xây dựng Chiến lược NSDI là 10 năm. Nội dung chiến lược phải thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu, chính sách, nhiệm vụ, nguồn lực, giải pháp thực hiện và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện Chiến lược NSDI. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Chiến lược trình Chính phủ phê duyệt.

Về chính sách phát triển NSDI, Nhà nước đầu tư xây dựng và phát triển NSDI đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; các Bộ, ngành, UBND các cấp phải sử dụng NSDI trong Chính phủ điện tử, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quản lý tài nguyên, môi trường, đất đai; khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, tiếp cận và sử dụng NSDI.

Về nguồn lực xây dựng và phát triển NSDI, Nhà nước đầu tư kinh phí hoàn thiện dữ liệu khung, dữ liệu chuyên ngành; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển NSDI; nghiên cứu, phát triển công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong thu nhận, xử lý, xây dựng dữ liệu không gian địa lý phù hợp với sự phát triển của NSDI.

Về phát triển ứng dụng, công nghệ, ông Phan Đức Hiếu cho biết, Việt Nam sẽ tập trung phát triển hoàn thiện ứng dụng công nghệ định vị vệ tinh, viễn thám, đo sâu đáy biển, đảm bảo việc thu nhận, cập nhật, xử lý dữ liệu nhanh chóng, kịp thời, chính xác, hiệu quả; xây dựng kiến trúc hệ thống của NSDI đảm bảo khả năng kết nối NSDI với Chính phủ điện tử, đảm bảo tiếp cận nhanh, dễ dàng, an toàn với dữ liệu không gian địa lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo trong cung cấp và dịch vụ dữ liệu.

Về trách nhiệm xây dựng, tích hợp dữ liệu không gian địa lý quốc gia, dữ liệu không gian địa lý quốc gia gồm 6 nhóm dữ liệu khung và 12 nhóm dữ liệu chuyên ngành. Mỗi loại dữ liệu không gian địa lý quốc gia chỉ do một cơ quan tổ chức triển khai thu nhận, cập nhật và được lưu trữ theo phân cấp quản lý.

Ông Phan Đức Hiếu đánh giá, quy định về NSDI tại Luật Đo đạc và bản đồ, Nghị định số 27/2019/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ là khung pháp lý quan trọng để xây dựng NSDI của Việt Nam; góp phần thúc đẩy lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý tại Việt Nam ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.