Các vấn đề liên quan đến đề nghị xây dựng Nghị định quy định về lấn biển

Lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý 14/10/2020

Hoạt động lấn biển đã gây ảnh hưởng tới môi trường, các hệ sinh thái biển. Trong khi đó, pháp luật hiện hành gần như chưa có các quy định cụ thể đối với hoạt động này. 

Mục đích lấn biển chủ yếu là để xây dựng các khu du lịch, nghỉ dưỡng, khu đô thị và khu dân cư, thực hiện các dự án bất động sản ven biển; phát triển cảng biển và cơ sở hạ tầng cảng biển, cảng cá, các khu công nghiệp ven biển, các công trình phát triển năng lượng như nhiệt điện, điện gió…; các công trình bảo vệ bờ biển, phòng, chống, giảm thiểu tác hại của thiên tai như đập phá sóng, đê chắn sóng, khôi phục và trồng rừng ngập mặn ven biển… Xét về diện tích, tỷ lệ khu lấn biển theo mục đích sử dụng để xây dựng các khu cảng biển là chủ yếu, tiếp theo là mục đích để xây dựng khu đô thị, khu dân cư và các công trình bảo vệ bờ biển và ít nhất là để xây dựng các khu nhà máy nhiệt điện, điện gió. Vật liệu lấn biển chủ yếu là đất, đá, cát, sỏi và bê tông. 

Chính bởi vậy, hoạt động lấn biển đã gây ảnh hưởng tới môi trường, các hệ sinh thái biển thể hiện qua các yếu tố sau:

Khu vực lấn biển đều nằm trong vùng đất ngập nước ven biển. Đây là khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao, có giá trị lớn đối với các hệ sinh thái biển nói chung (sinh cảnh của nhiều loài sinh vật biển, điều hòa các quá trình tự nhiên và môi trường chuyển tiếp giữa biển và lục địa…). Việc lấn biển làm thu hẹp diện tích các khu vực này. Đặc biệt, hoạt động lấn biển làm thay đổi mạnh chức năng, dịch vụ hệ sinh thái do đất ngập nước ven biển mang lại.

Làm thay đổi chế độ thủy động lực học và từ đó làm thay đổi tính chất về môi trường tự nhiên. Hầu hết hoạt động lấn biển làm thay đổi hệ thống dòng chảy ven bờ ở quy mô vừa và như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi vật chất giữa khu vực lấn biển với các khu vực lân cận. Các hệ thống động lực khác như sóng do gió, dòng triều, mực nước cũng bị thay đổi theo. Ở một số khu vực lấn biển, ảnh hưởng của việc lấn biển đến khả năng thoát lũ, tình trạng xói, sạt lở bờ diễn biến phức tạp như Đà Nẵng, Kiên Giang.

Do ảnh hưởng của hoạt động lấn biển và đặc biệt là vật liệu lấn biển làm thay đổi các yếu tố chất lượng môi trường nước, môi trường trầm tích khu vực lấn biển. Thông thường, sau khi lấn biển, các khu vực này thường được sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế xã hội và làm gia tăng phát thải chất gây ô nhiễm vào môi trường (nước thải, chất thải sinh hoạt đối với các khu dân cư, đô thị; nước thải, chất thải rắn, khí thải đối các hoạt động phát triển công nghiệp, cảng biển). Đặc biệt ở một số khu vực lấn biển đã có hiện tượng gia tăng hàm lượng chất rắn lơ lửng, tổng hàm lượng Ni-tơ, Phốt-pho, ô nhiễm kim loại nặng (Đà Nẵng).

Một trong những vấn đề đáng quan tâm là hầu hết các khu vực lấn biển ban đầu có tính tự phát, chưa được nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng hay quy hoạch để phù hợp với chế độ thủy văn, hải văn, động lực biển, đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng bền vững các khu vực lấn biển và giảm thiểu tác động bất lợi đến môi trường.

Có nhiều vấn đề đặt ra đối với việc quản lý hoạt động lấn biển như đã nêu trên. Trong khi đó, pháp luật hiện hành gần như chưa có các quy định cụ thể đối với hoạt động này. Trách nhiệm quản lý nhà nước và nhiệm vụ cụ thể của các cấp, các ngành liên quan đối với hoạt động lấn biển chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật và đặc biệt là không có các quy định yêu cầu cụ thể đối với hoạt động lấn biển để bảo vệ môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững.

Có thể nhận thấy, việc thiếu các quy định cụ thể điều chỉnh đối với hoạt động lấn biển là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng tình hình hoạt động lấn biển như đã nêu trên và nếu không được kịp thời bổ sung sẽ gây ra những phức tạp, hệ lụy chưa lường hết được trong thời gian tới. Chính vì vậy, Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã yêu cầu “Kiểm soát chặt chẽ các dự án quai đê, lấn biển”.

Từ những vấn đề nêu trên cho thấy việc xây dựng Nghị định về lấn biển là hết sức cần thiết. Nghị định ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý kiểm soát chặt chẽ hoạt động lấn biển.