Trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040

Lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý 30/10/2020

Thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đo đạc và bản đồ ban hành kèm theo Quyết định số 415/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định về việc lập chiến lược xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý, đồng thời với việc lập chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương hoàn thành việc xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Ngày 30/10/2020, Bộ TN&MT đã có Tờ trình Chính phủ xem xét, phê duyệt với những nội dung cơ bản của Chiến lược.

Thực trạng phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam

Những kết quả đạt được

Thực hiện Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 33/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 02 năm 2008, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, ngành và địa phương, cùng sự nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành, tới nay ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã có bước phát triển toàn diện, trở thành một ngành điều tra cơ bản có trình độ khoa học công nghệ hiện đại đạt mức tiên tiến của khu vực, tiếp cận với trình độ tiên tiến trên thế giới với những thành tựu nổi bật cụ thể:

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ, các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về đo đạc và bản đồ đồng bộ, đầy đủ đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước và triển khai các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ;

Hoàn thành cơ bản các đề án, dự án trọng điểm, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ, hệ thống cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý quốc gia, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ đầy đủ, chính xác, kịp thời cho công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh;

Từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng đo đạc và bản đồ theo hướng hiện đại với việc xây dựng trạm thu dữ liệu viễn thám quốc gia, mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia, xây dựng và hoàn chỉnh mạng lưới trọng lực quốc gia, xây dựng mô hình geoid phủ trùm toàn quốc làm nền tảng để triển khai các hoạt động đo đạc và bản đồ thống nhất trên toàn quốc, liên kết hội nhập quốc tế, giải quyết các bài toán liên quan về khoa học trái đất, các ứng dụng trong định vị dẫn đường bằng vệ tinh;

Hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ từ trung ương đến địa phương đảm bảo đồng bộ, với đội ngũ cán bộ công chức có năng lực chuyên môn vững vàng, đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác quản lý nhà nước, góp phần xứng đáng trong sự phát triển mạnh mẽ của ngành tài nguyên và môi trường;

Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đầu tư kinh doanh đo đạc và bản đồ đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển mạnh mẽ, góp phần chia sẻ trong việc sản xuất, cung cấp các sản phẩm đo đạc và bản đồ phục vụ công tác quản lý nhà nước đặc biệt là cho nhu cầu của doanh nghiệp và của người dân;

Mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ với các nước có trình độ phát triển tiên tiến trên thế giới; tổ chức nghiên cứu đưa vào áp dụng các công nghệ tiên tiến hàng đầu trên thế giới trong việc triển khai các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ.

Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển của ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam còn một số tồn tại, hạn chế như sau:

Việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về đo đạc và bản đồ, còn hạn chế; chưa có các cơ chế chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút được nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhân lực để phát triển trong tình hình mới;

Việc đầu tư, triển khai các đề án, dự án trọng điểm chưa đồng bộ, kéo dài thời gian, chưa phát huy được hết hiệu quả của dữ liệu không gian địa lý, của việc ứng dụng khoa học, công nghệ;

Tư duy bao cấp sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ còn nặng nề, chưa thay đổi kịp theo cơ chế thị trường; công tác quản lý thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ còn bị phân tán, thiếu các cơ chế chia sẻ thông tin dữ liệu để sử dụng chung.

Thực trạng phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý ở Việt Nam

Về chính sách pháp luật phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý

Hiện nay, chính sách pháp luật liên quan tới phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành đầy đủ.

Các quy định chung về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia được quy định cụ thể trong Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018. Các nhiệm vụ về phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia như: xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch triển khai thực hiện hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; chính sách, nguồn lực để xây dựng, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; xây dựng, tích hợp dữ liệu không gian địa lý; xây dựng, vận hành Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam được quy định chi tiết tại Nghị định số 27/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và bản đồ, là cơ sở pháp lý để triển khai, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia ở Việt Nam.

Hiện trạng dữ liệu không gian địa lý

Ở nước ta, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã sớm nhận thấy tầm quan trọng và những lợi ích to lớn từ dữ liệu không gian địa lý mang lại. Nhiều năm qua, các Bộ, ngành nói chung và ngành tài nguyên và môi trường nói riêng đã tập trung đầu tư để xây dựng hệ thống dữ liệu không gian địa lý phục vụ cho nhu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Về dữ liệu phục vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia hiện có:

Dữ liệu khung: trong 06 bộ dữ liệu khung[1], về cơ bản đã được xây dựng đầy đủ theo tiêu chuẩn dữ liệu thống nhất. Đối với dữ liệu bản đồ chuẩn biên giới quốc gia, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương xây dựng theo tiến độ phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và các nước láng giềng.

Dữ liệu chuyên ngành: trong các bộ dữ liệu chuyên ngành, theo phạm vi trách nhiệm xây dựng và quản lý của các Bộ, ngành là rất lớn[2], tuy nhiên các dữ liệu này được xây dựng theo các tiêu chuẩn dữ liệu không thống nhất, chưa đảm bảo để tích hợp, chia sẻ sử dụng chung trên Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam. Đối với dữ liệu bản đồ hiện trạng công trình ngầm thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương hiện chưa được triển khai xây dựng.

Về chuẩn dữ liệu và chuẩn dịch vụ

Để dữ liệu không gian địa lý được xây dựng đồng bộ, đảm bảo cho việc kết nối, tích hợp, truy cập, chia sẻ sử dụng chung, thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu bao gồm: 31 Thông tư quy định kỹ thuật về dữ liệu cơ bản và chuyên ngành; 01 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn thông tin địa lý cơ sở; 06 quy chuẩn quốc gia về dữ liệu không gian địa lý cơ bản và chuyên ngành; công bố 13 tiêu chuẩn quốc gia về đo đạc và bản đồ cơ bản, 06 tiêu chuẩn quốc gia về đo đạc và bản đồ chuyên ngành xây dựng. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật hiện có về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu xây dựng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Đối với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật về dịch vụ hiển thị, chia sẻ, chuyển đổi, tích hợp, tra cứu và tải dữ liệu không gian địa lý, hiện đang được nghiên cứu xây dựng đồng thời với việc xây dựng Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam.

Trước yêu cầu phát triển của đất nước đòi hỏi ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đồng thời cần đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban ngành, giữa trung ương với địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý khu vực. Để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trên, việc xây Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 là hết sức cần thiết.

Quá trình triển khai xây dựng Chiến lược

Năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt và tổ chức thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và hạ tầng không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040” [3], qua hai năm thực hiện đến nay nhiệm vụ đã cơ bản hoàn thành.

Trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng Chiến lược, với sự phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương, sự đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học trong ngành, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành việc xây dựng dự thảo “Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”.

Để thực hiện nhiệm vụ soạn thảo Chiến lược, ngày 31 tháng 12 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 3433/QĐ-BTNMT thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, với thành phần gồm đại diện các Bộ, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và đại diện một số Sở Tài nguyên và Môi trường, đảm bảo thành phần để xây dựng Chiến lược.

Sau khi hoàn thiện dự thảo chiến lược, ngày 03 tháng 7 năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi xin ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và địa phương. Tới nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được 62 văn bản góp ý kiến đối với dự thảo Chiến lược, trong đó có 25 ý kiến nhất trí hoàn toàn với dự thảo Chiến lược; có 37 ý kiến góp ý đã đóng góp nhiều ý kiến sát thực giúp cơ quan chủ trì soạn thảo có cơ sở chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện dự thảo Chiến lược đảm bảo chất lượng, khả thi trong thực hiện. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Ban soạn thảo Chiến lược đã khẩn trương tổng hợp, nghiêm túc giải trình, tiếp thu toàn bộ ý kiến góp ý, chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.

Bố cục của dự thảo Chiến lược

Dự thảo Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 gồm 03 Điều.

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, với 05 Mục cụ thể:

Mục I. Quan điểm

Chiến lược được xây dựng với 05 quan điểm xuyên suốt như sau: 1. Phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phục vụ cộng đồng, nâng cao dân trí. 2. Phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia làm nền tảng quan trọng và cơ bản, cung cấp dịch vụ dữ liệu không gian địa lý cho các ngành, lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. 3. Ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng, an ninh; nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại. 4. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ; tiếp cận để khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; cung cấp dữ liệu mở và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. 5. Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cao, tiên tiến; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; tăng cường hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ.

Mục II. Mục tiêu: Các mục tiêu chia ra hai giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040 với những mục tiêu cơ bản đảm bảo đồng bộ để thúc đẩy sự phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam mạnh mẽ và bền vững

Mục tiêu cơ bản đến năm 2030: a) Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ; b) Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia đồng bộ, thống nhất trong cả nước trên đất liền, vùng biển và hải đảo Việt Nam, đảm bảo được cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; c) Xây dựng, hoàn thiện hạ tầng đo đạc bao gồm: mạng lưới tọa độ quốc gia, mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia, mạng lưới độ cao quốc gia, mạng lưới trọng lực quốc gia, mô hình Geoid để thiết lập hệ quy chiếu và hệ tọa độ không gian quốc gia thống nhất trên đất liền và trên biển; d) Xây dựng và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban ngành, giữa trung ương với địa phương, phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Tầm nhìn đến năm 2040: a) Phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam trở thành ngành điều tra cơ bản hiện đại, ngang tầm với các nước phát triển trên thế giới; b) Xây dựng, cập nhật, quản lý hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, kết nối với mạng dữ liệu không gian toàn cầu nhằm trao đổi, tạo dựng, duy trì, phát triển giá trị thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ được liên tục, đảm bảo cung cấp thông tin không gian được tích hợp đáp ứng yêu cầu trao đổi, khai thác thông tin của toàn xã hội phục vụ các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Mục III. Nhiệm vụ và giải pháp: 1. Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ. 2. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ đảm bảo đồng bộ, chính xác thuận lợi cho việc sử dụng chung. 3. Hoàn thiện, công bố số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia. 4. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia. 5. Đo đạc, thành lập bản đồ chuyên ngành. 6. Xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. 7. Đổi mới việc quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ. 8. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ. 9. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng cho phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ. 10. Đổi mới cơ chế triển khai các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ; đổi mới, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.

Mục IV. Các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ ưu tiên đầu tư

Để thực hiện Chiến lược, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã xây dựng 23 chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ ưu tiên đầu tư trong thời kỳ Chiến lược.

Mục V. Nguồn vốn thực hiện

Huy động nguồn vốn: a) Nguồn ngân sách nhà nước phân cấp theo các quy định hiện hành; b) Lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, các chương trình, dự án khác; c) Nguồn vốn ODA (nếu có); d) Các nguồn vốn huy động khác theo quy định của pháp luật.

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực đo đạc và bản đồ: a) Ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư cho phát triển công nghệ và hạ tầng kỹ thuật, sản phẩm đo đạc và bản đồ; b) Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào các hoạt động đo đạc và bản đồ và xây dựng Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Điều 3. Hiệu lực thi hành

 


[1] Bao gồm: Dữ liệu về hệ thống các điểm gốc đo đạc quốc gia, các mạng lưới đo đạc quốc gia; Dữ liệu nền địa lý quốc gia, dữ liệu bản đồ địa hình quốc gia; Dữ liệu ảnh hàng không, dữ liệu ảnh viễn thám; Dữ liệu bản đồ chuẩn biên giới quốc gia; Dữ liệu bản đồ địa giới hành chính; Dữ liệu địa danh.

[2] Bao gồm: Dữ liệu địa chính; Dữ liệu bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Dữ liệu bản đồ điều tra, đánh giá tài nguyên nước; Dữ liệu bản đồ địa chất, khoáng sản; Dữ liệu bản đồ thổ nhưỡng; Dữ liệu bản đồ hiện trạng rừng; Dữ liệu bản đồ hiện trạng công trình ngầm; Dữ liệu bản đồ hàng không dân dụng; Dữ liệu hải đồ vùng nước cảng biển và luồng, tuyến hàng hải, vùng biển; Dữ liệu bản đồ về phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Dữ liệu bản đồ giao thông; Dữ liệu bản đồ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; Các nhóm dữ liệu bản đồ chuyên ngành khác do Chính phủ quy định bảo đảm sự đồng bộ của dữ liệu không gian địa lý quốc gia, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước theo từng giai đoạn.

[3]  Với các nội dung cụ thể: Tổng kết Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2020; tổ chức điều tra, khảo sát trong và ngoài nước phục vụ xây dựng Chiến lược; nghiên cứu, hội thảo, thâm vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức tư vấn quốc tế để đề xuất các nội dung, xây dựng dự thảo Chiến lược.