Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn chỉnh dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai theo những chính sách và định hướng sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua trong quá trình lập đề nghị xây dựng Luật theo đúng kế hoạch.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai dự kiến trình Quốc hội Khóa XIV cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9 đầu năm 2020, thông qua vào kỳ họp thứ 10 cuối năm 2020 và có hiệu lực từ giữa năm 2021. Tuy nhiên, trong quá trình sơ kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (Nghị quyết số 19-NQ/TW), tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, qua giám sát tối cao của Quốc hội và thực tiễn thi hành Luật Đất đai, nhiều ý kiến cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai sẽ không giải quyết được căn cơ những vấn đề lớn đặt ra đối với phát triển đất nước, phát huy nguồn lực, nguồn tài nguyên đất đai cho phát triển, giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, giảm khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai,…
Mặt khác, song song quá trình chuẩn bị dự án Luật sửa đổi một số Điều của Luật Đất đai, trước yêu cầu đặt ra từ thực tiễn phát triển đất nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành đã trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành một số văn bản như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Nghị quyết số 60/2018/QH14 về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Nghị quyết số 82/2019/QH14 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý sử dụng đất tại đô thị; Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền 10 Nghị định. Các văn bản mới ban hành đã có các quy định giải quyết một số chính sách dự kiến sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật, khắc phục tình trạng thiếu thống nhất giữa pháp luật về đất đai và pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng, tháo gỡ căn bản các nút thắt, điểm nghẽn, rào cản trong quá trình thi hành Luật Đất đai,….
Luật Đất đai là đạo luật quan trọng có tác động đến phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh nên cần phải sửa đổi căn bản, toàn diện trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW để ban hành Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương về chính sách đất đai, phù hợp với những quan điểm, định hướng lớn của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng làm định hướng cho việc sửa đổi và quá trình tham vấn rộng rãi ý kiến của Nhân dân, doanh nghiệp để đảm bảo tính ổn định, khả thi, toàn diện và đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
Từ thực tế đó, mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng Chính phủ, Quốc hội đã quyết định lùi thời điểm trình Dự án Luật này để nghiên cứu sửa đổi một cách căn bản, toàn diện. Hiện nay, Chính phủ đang khẩn trương tổng kết đánh giá toàn diện việc thi hành Luật Đất đai và chuẩn bị tổng kết Nghị quyết số 19- NQ/TW để trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết mới về chính sách đất đai. Ngay sau khi có Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương Chính phủ sẽ nghiên cứu thể chế hóa các chủ trương mới của Đảng và trình Quốc hội Dự án Luật Đất đai sửa đổi toàn diện.