Góc nhìn từ quan hệ dân sự về việc chuyển nhượng nhà đất hai giá

Lĩnh vực đất đai 23/03/2023

óm tắt: Hiện nay, các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích và xử lý quyết liệt đối với những trường hợp chuyển nhượng nhà đất không trung thực (giao dịch hai giá) để nhằm mục đích giảm bớt tiền thuế, phí phải nộp cho Nhà nước. Tuy nhiên, dưới góc độ của quan hệ dân sự thì việc chuyển nhượng nhà đất lại có thể tự do, tự nguyện, bình đẳng, thỏa thuận nên không thể khẳng định mọi giao dịch nhà đất với giá thấp hơn mức bình thường trên thị trường đều là giao dịch hai giá. Vì vậy, đây là vấn đề rất cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu để có những giải pháp phù hợp.

Từ khóa: Chuyển nhượng nhà đất, giao dịch dân sự, thuế.

Abstract: Currently, the authorities are promoting propaganda, explanation and drastic handling of dishonest real estate transfers (two-price transactions) on purpose of reducing taxes and fee amounts to the state budget. However, from the perspective of civil relations, the transfer of real estate can be free, voluntary, equal, and negotiated, so it is not possible to determine all real estate transactions at the prices lower than the normal price in the market as the two-price transactions. This is a matter that needs to be further reviewed to find a appropriate remedy.

Keywords: Real estate transfer; civil transaction; tax.

Ảnh minh họa: Nguồn internet

1. Đặt vấn đề

            Tại Việt Nam, ảnh hưởng từ lạm phát thường diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ nên đa phần người dân đều mong muốn sở hữu nhiều bất động sản (BĐS - nhà đất) để bảo toàn vốn. Không những vậy, “ở Việt Nam, đất đai là một loại tài sản có giá trị đặc biệt”[1]. Đó cũng là nguyên nhân làm cho “thị trường BĐS tại Việt Nam thường tăng trưởng, biến động và thay đổi rất nhanh chóng”[2]. Trên thực tế, nhu cầu mua bán chuyển nhượng nhà đất (CNNĐ) thường sôi động và diễn ra rộng rãi ở khắp mọi vùng miền với sự đa dạng của các loại đất chuyển nhượng. Do nhà đất có giá trị kinh tế lớn và có sự chênh lệch giữa giá trị thị trường so với mức giá đất (bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần)[3] của Nhà nước nên một bộ phận không nhỏ người dân khai báo rất thấp giá trị chuyển nhượng để đỡ phải nộp nhiều tiền thuế, phí. Do vậy, giá trị trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có thể không phản ánh đúng giá trị thực tế của giao dịch mua bán giữa các bên. Điều này gây thất thoát đối với ngân sách nhà nước và góp phần làm cho tình trạng CNNĐ hai giá ngày càng phát triển. Hay đây là những hành vi vi phạm pháp luật và rất cần kiên quyết ngăn chặn, xử lý. Tuy nhiên, dưới góc độ quan hệ dân sự thì cũng cần xem xét mọi giao dịch CNNĐ thấp hơn mức bình thường của thị trường liệu có thật sự gian dối để giảm mức đóng thuế, phí hay không? Bởi lẽ, nếu như quy chụp, áp đặt các giao dịch CNNĐ với mức giá thấp hơn giá thị trường đều là vì mục đích giảm nghĩa vụ nộp thuế, phí thì có lẽ trái với tinh thần của pháp luật dân sự. Chính vì vậy, tác giả bài viết phân tích về bản chất dân sự của giao dịch CNNĐ với mức giá thấp hơn giá thị trường, để từ đó, đưa ra một số giải pháp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của những chủ thể tham gia quan hệ dân sự CNNĐ trung thực, ngay tình.

2. Xác định các giao dịch chuyển nhượng nhà đất hai giá với mục đích giảm bớt tiền đóng thuế, phí và giao dịch chuyển nhượng nhà đất thấp hơn giá thị trường nhưng trung thực, ngay tình

            Giao dịch nhà đất hai giá là cách làm của những người muốn giảm bớt tiền thuế, phí phải đóng cho Nhà nước. Bản chất của giao dịch nhà đất hai giá là các bên tham gia quan hệ chuyển nhượng không công khai giá trị mua bán thật sự của họ mà cố tình khai báo một mức giá mua bán thấp hơn khá nhiều để qua đó giảm bớt mức tiền thuế, phí phải nộp cho Nhà nước. Thông thường, các bên tham gia CNNĐ thỏa thuận với nhau làm hai hợp đồng hoặc có thể chỉ làm một hợp đồng chuyển nhượng và có thêm phần phụ lục hợp đồng. Trong đó, hợp đồng thứ hai (lập sau hợp đồng thứ nhất và thông thường hợp đồng này do các bên tự viết tay với nhau không có công chứng hoặc có những trường hợp trong giấy đặt cọc các bên thỏa thuận giá trị thực sự của giao dịch và không cần lập hợp đồng thứ hai) mới là hợp đồng thực sự của các bên tham gia việc CNNĐ. Còn nếu chỉ lập một hợp đồng thì các bên thỏa thuận lập thêm phần phụ lục hợp đồng và trong phần này sẽ thể hiện giá trị thực tế của giao dịch. Khi nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai, các bên tham gia giao dịch chỉ nộp hợp đồng nhưng thiếu những nội dung chứa đựng giá trị thực tế của giao dịch để nhằm mục đích đánh lừa cơ quan đăng ký đất đai. Trên thực tế, đã có trường hợp, “hợp đồng chính chuyển nhượng BĐS có giá 5 tỷ đồng nhưng phụ lục hợp đồng giá lên đến 26 tỷ đồng, người nộp thuế đã "né" được 420 triệu đồng thuế thu nhập cá nhân nếu trót lọt”[4]. Mặc dù pháp luật đất đai quy định việc chuyển nhượng đất đai bắt buộc phải có công chứng, chứng thực[5] nhưng trên thực tế, các Văn phòng công chứng thường tìm cách né việc xác nhận giá trị giao dịch bởi cho rằng, đó là việc riêng của các bên tham gia chuyển nhượng và không yêu cầu công chứng viên chứng nhận. Nên suy cho cùng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng chủ yếu chỉ là việc công chứng viên xác định có hành vi giao dịch dân sự giữa các bên đối với thửa đất được quyền chuyển nhượng hợp pháp chứ không xác định giá trị chuyển nhượng giữa các bên. Làm như vậy, đối với Văn phòng công chứng cũng đỡ gặp phải rắc rối khi cơ quan điều tra đề nghị cung cấp thông tin về giá trị giao dịch và còn tạo thuận tiện, dễ dàng cho các khách hàng yêu cầu công chứng. Vì thế, các bên tham gia CNNĐ khai báo mức giá chuyển nhượng thấp hơn giá trị thực luôn đơn giản, dễ dàng và đương nhiên lâu nay, Nhà nước đã mất đi một nguồn thu rất lớn từ thuế, phí CNNĐ. Đó là lý do hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai như Văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế… đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân khai báo trung thực, rõ ràng giá trị CNNĐ. Thậm chí, có những trường hợp do nghi ngờ cố tình khai thấp giá trị chuyển nhượng đất để giảm thuế, phí, cơ quan thuế đã gửi hồ sơ sang cơ quan điều tra[6].

Tuy nhiên, liệu cơ quan thuế xác định những hồ sơ nộp đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có giá thấp hơn giá thị trường đều là giao dịch hai giá để nhằm mục đích giảm nghĩa vụ đóng thuế, phí với Nhà nước là hoàn toàn chính xác, công bằng, hợp lý hay không? Thậm chí kể cả những giao dịch mà giá trị giao dịch thực sự cũng đúng như giá trị được các bên chuyển nhượng kê khai trong hồ sơ đăng ký nhưng lại thấp hơn khá nhiều so với mức giá trung bình của thị trường cũng đều là các giao dịch nhà đất hai giá? Có lẽ, vấn đề này cũng cần được xem xét dưới góc độ pháp luật dân sự, để từ đó, có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn hoạt động CNNĐ tại Việt Nam hiện nay.

Không chỉ tại Việt Nam mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, Bộ luật Dân sự là đạo luật quan trọng nhất của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự của một cá nhân kể từ khi sinh ra đến khi chết đi. Theo đó, căn cứ các nguyên tắc của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện nay, “cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”[7]. Suy cho cùng, việc CNNĐ cũng hoàn toàn dựa trên quyền tự do dân sự của các bên tham gia chuyển nhượng. Vì thế, các bên tham gia CNNĐ hoàn toàn có quyền tự quyết định mức giá chuyển nhượng giữa họ. Hoặc có những trường hợp, người thân thiết trong họ hàng CNNĐ cho nhau, thầy trò CNNĐ vì nể nang nhau, bạn bè thân quen vì tình cảm lâu ngày nên muốn giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn hay những người đang rất cần tiền để chữa bệnh, xây nhà, mua xe… nên buộc phải bán rẻ thửa đất với mức giá thấp hơn khá nhiều so với giá thị trường. Không chỉ vậy, những trường hợp do đầu tư BĐS thất bại nên sẵn sàng bán cắt lỗ với mức giá thấp hơn cả giá khi mua vào. Hoặc không thiếu những trường hợp do vay tiền từ ngân hàng và không còn khả năng thanh toán nên buộc phải bán thửa đất với giá trị rất thấp. Do vậy, không loại trừ khả năng giá trị CNNĐ thực tế trong một số trường hợp còn thấp hơn cả giá trong khung giá đất do Nhà nước ban hành. Bởi suy cho cùng, không một chủ thể nào được quyền áp đặt, can thiệp vào giá mua bán, chuyển nhượng giữa các bên tham gia giao dịch. Hay kể cả mảnh đất giá trị thị trường vào khoảng 01 tỷ nhưng do tình cảm hay sự trả nợ ơn tình nên các bên chỉ bán cho nhau với giá 500 triệu thì cũng hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Mặc dù vậy, khi nộp hồ sơ đăng ký đất đai lại rất có thể các giao dịch với mức giá thấp bất thường đó sẽ bị cơ quan thuế nghi ngờ và chuyển cho cơ quan an ninh điều tra[8]. Do đó, “nếu cứng nhắc áp thuế kiểu giá bán cho người sau phải bằng hoặc cao hơn giá trước đó thì người dân sẽ phải chịu thiệt thòi. Đơn cử, một người dân khi rao bán căn hộ chung cư ở Hà Nội bức xúc kể: Giá bán là 1,65 tỷ đồng, lỗ 200 triệu đồng so với giá mua của chủ đầu tư. Nhưng khi áp thuế, cơ quan thuế yêu cầu áp đúng giá mua lần đầu tiên là 1,85 tỷ đồng. Nếu tính theo giá thị trường thì lẽ ra Bộ phải có giải pháp đối với trường hợp người dân bán lỗ”[9]. Có thể thấy rằng, việc mua bán BĐS hay bất cứ loại hàng hóa nào cũng có khi lỗ khi lãi nên không thể máy móc cứng nhắc xác định giá chuyển nhượng BĐS lần sau nhất định phải cao hơn lần trước.

Việc phát hiện các giao dịch nhà đất hai giá có dấu hiệu vi phạm pháp luật để đảm bảo ngăn chặn việc thất thoát tiền thuế, phí nộp cho Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn nhưng mặt hạn chế của nó là lại đang gây ra các khó khăn, phức tạp cho những người tham gia giao dịch chuyển nhượng trung thực, ngay tình. Dẫu biết rằng, không phải mọi giao dịch với giá trị thấp hơn bình thường đều bị chuyển cho cơ quan điều tra nhưng cũng không có gì bảo đảm chắc chắn cho những người chuyển nhượng với giá thấp lại không gặp phải các rắc rối, phức tạp với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai. Ngoài ra, ở đâu đó vẫn còn tình trạng tuy pháp luật quy định chung nhưng tại từng địa phương có thể có cách hành xử, giải quyết vấn đề khác nhau. Hay trên thực tế, tình trạng quan liêu, sách nhiễu, hoạnh hoẹ vẫn chưa thật sự chấm dứt hoàn tại tại các cơ quan hành chính nhà nước. Còn khi hồ sơ chuyển nhượng đất đai được chuyển đến cơ quan điều tra thì khi làm việc với cơ quan này luôn là một công việc không ai muốn và trên thực tế luôn rắc rối, phức tạp cho dù là các giao dịch trung thực, ngay tình. Nên nếu xét dưới góc độ quyền dân sự thì người dân hoàn toàn được quyền tự do quyết định mức giá CNNĐ hay thậm chí có thể bán cho nhau mảnh đất 01 tỷ đồng nhưng chỉ với giá 100 triệu đồng.

Tóm lại, khi xem xét dưới góc độ quyền tự do dân sự thì việc CNNĐ với giá trị thấp hơn giá thị trường hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Do đó, cần có cơ chế kiểm tra, đánh giá, xem xét các giao dịch đó một cách khoa học, hợp lý, nhanh chóng và khách quan để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của những người CNNĐ trung thực, ngay tình.

3. Một số kiến nghị

Tại Việt Nam, việc mua bán, CNNĐ luôn là nhu cầu tất yếu và đặc biệt quan trọng đối với bất kỳ người dân. Vì thế, Luật Đất đai luôn được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, chú ý nên đó cũng chính là lý do, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được tổ chức lấy ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân[10]. Bên cạnh đó, việc tôn trọng và bảo vệ các quyền dân sự cũng là vấn đề hết sức quan trọng. Do đó, theo tác giả, để góp phần hạn chế các giao dịch CNNĐ hai giá thì nên xem xét các giải pháp sau:

Một là, cần khẳng định, rất khó để xác định chính xác các giao dịch với giá ghi trong hồ sơ đăng ký đất đai thấp hơn mức bình thường của thị trường là giao dịch hai giá hay chỉ là một giá duy nhất? Bởi như đã phân tích, từ góc độ quyền tự do dân sự, người dân được quyền hoàn toàn tự quyết định mức giá chuyển nhượng cho nhau. Còn ngay cả việc chứng minh giao dịch với mức giá thấp hơn mức giá thị trường là giao dịch hai giá cũng không phải việc đơn giản, dễ dàng. Bởi, nếu tất cả các bên tham gia giao dịch đều có lời khai giống nhau và cơ quan an ninh điều tra cũng không thể có những chứng cứ để chứng minh đó là giao dịch hai giá thì đương nhiên cơ quan đăng ký đất đai buộc phải chấp nhận. Vì thế, gần đây trong “báo cáo của Bộ Tài chính cũng thừa nhận rằng có trường hợp cơ quan thuế chuyển hồ sơ qua cơ quan cảnh sát điều tra nhưng cơ quan điều tra chuyển lại cơ quan thuế để xử lý hành chính vì không đủ căn cứ xác định hành vi trốn thuế”[11]. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng không thể áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cứng rắn để ép buộc những người tham gia giao dịch phải thừa nhận đó là các giao dịch hai giá vì điều này xâm phạm đến quyền tự do dân sự của công dân và đó là hành vi trái pháp luật. Mặt khác, cũng từng có những “ý kiến đề xuất quy định bắt buộc đối với các giao dịch BĐS phải thực hiện thông qua ngân hàng để tiện cho công tác kiểm soát giao dịch, quản lý thuế”[12]. Tuy nhiên, cho dù có phải giao dịch đất đai thông qua ngân hàng đi chăng nữa nhưng nếu các bên tham gia giao dịch vẫn cố tình gian lận như chuyển tiền cho nhau nhiều lần vào các thời điểm khác nhau hay chuyển đến nhiều tài khoản khác nhau thì cũng không dễ để xác định đó có phải là các giao dịch liên quan hay không liên quan đến việc mua bán CNNĐ.

Hai là, trước mắt cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về việc giao dịch đất đai cần kê khai đúng giá trị giao dịch để thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước. Mặc dù vậy, để việc tuyên truyền, vận động có thể tác động đến suy nghĩ và hành động của những người tham gia CNNĐ thì cần đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến đăng ký đất đai như giảm bớt các loại hồ sơ giấy tờ bằng giấy để chuyển sang các dữ liệu điện tử mà người dân có thể dễ dàng xuất trình, cung cấp cho cơ quan đăng ký đất đai. Bởi lẽ, trên thực tế, việc đến các Văn phòng đăng ký đất đai nộp các giấy tờ khá vất vả, khó khăn và tốn kém thời gian của người dân. Tình trạng người dân đến từ rất sớm và chen chúc nhau lấy số thứ tự để có thể nộp hồ sơ tại các Văn phòng đăng ký đất đai cho thấy tình trạng quá tải ở đó. Đồng thời, điều này lại tạo ra kẽ hở để những đối tượng chạy chọt giấy tờ và làm tha hóa một số cán bộ tại các Văn phòng đăng ký đất đai. Mặt khác, thời gian giải quyết thủ tục hành chính để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng cần phải rút ngắn và nhanh chóng hơn nữa.

Ba là, cần có sự xem xét đối với việc giảm bớt mức thuế CNNĐ để góp phần làm giảm tình trạng nhà đất hai giá. Sở dĩ như vậy là vì đối với các mảnh đất có giá trị kinh tế lớn nên mức thuế, phí phải đóng không hề thấp và theo nguyên tắc phải đóng với từng lần chuyển nhượng nên ít nhiều tác động đến việc tìm cách “né bớt tiền thuế” của những người chuyển nhượng. Đó là chưa nói đến việc cơ quan thuế gần như áp đặt sẵn việc chuyển nhượng BĐS lần sau luôn phải có giá trị cao hơn lần chuyển nhượng trước nên gần như đẩy người chuyển nhượng lần sau vào thế rất khó. “Việc mặc định giá bán cho người đến sau phải cao hơn người bán trước đó cũng khiến nhiều người nộp thuế không phục… bán lỗ nhưng vẫn phải chịu thuế thu nhập cá nhân 2% rõ ràng cũng là không công bằng cho người nộp thuế”[13]. Trên thực tế, quan điểm này cũng đã từng được một số chuyên gia trong lĩnh vực đất đai đề xuất bãi bỏ[14] và cũng có thể là cơ sở hữu ích để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu và giải quyết cho phù hợp.

Bốn là, cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý triệt để tình trạng tại các Văn phòng đăng ký đất đai và tại cơ quan thuế vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức nhũng nhiễu, quan liêu, hách dịch gây bức xúc và thiếu thiện cảm từ những người đến thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai. Bởi vì, điều này ít nhiều tác động đến sự tin tưởng, tín nhiệm của nhân dân đối với Nhà nước. Do đó, cần kiên quyết xử lý ngay từ gốc đối với đội ngũ cán bộ, công chức được giao quyền hạn giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai để những người tham gia giao dịch CNNĐ cảm thấy thoải mái, yên tâm, tin tưởng và từ đó, góp phần giảm bớt hành vi khai nhà đất hai giá. Từ thực tiễn cho thấy, khi người dân đã đồng lòng, ủng hộ và tin tưởng vào một bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh thì tình trạng vì lợi ích cá nhân cũng sẽ ít hơn.

Năm là, để phát hiện những giao dịch hai giá, cần tập trung vào đối tượng là chủ thể thực hiện các giao dịch. Từ thực tiễn giao dịch CNNĐ hiện nay cho thấy, không ít trường hợp, một chủ thể giao dịch có trong tay rất nhiều nhà đất hay qua các số liệu thống kê cho thấy, có những chủ thể (hoặc được nhờ đứng tên hộ) đã thực hiện hàng trăm giao dịch về nhà đất trong thời gian ngắn. Có lẽ, đó mới chính là những chủ thể đầu tư BĐS chuyên nghiệp và có nhiều kinh nghiệm đối phó khi làm việc với các cơ quan đăng ký đất đai. Vì thế, các cơ quan có chức năng phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật như Viện kiểm sát nhân dân, Công an, thuế… có thể sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm tra lịch sử giao dịch của những chủ thể được cho là thường xuyên giao dịch đất đai. Trên thực tế, điều này thực hiện khá đơn giản, nhanh chóng, dễ dàng đối với các cơ quan trên; bởi vì, ngay đến các Văn phòng công chứng cũng có những phần mềm hỗ trợ mà điển hình như phần mềm UCHI để kiểm tra các giao dịch liên quan đến đất đai. Do đó, đối với những giao dịch do một chủ sở hữu đất đai thường xuyên thực hiện, càng rất cần có sự theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với giá cả trên những hợp đồng chuyển nhượng của họ. Có như vậy, vừa có thể không bỏ sót những giao dịch có dấu hiệu đất hai giá và lại không làm ảnh hưởng, khó khăn, rắc rối, phức tạp cho những giao dịch dân sự trung thực, ngay tình cho dù có mức giá chuyển nhượng thấp hơn mức giá của thị trường./.

 

 


[1] Doãn Hồng Nhung và Phạm Tuấn Anh (2018), Pháp luật về hạn chế giao dịch tư lợi trong chuyển quyền sử dụng đất tại Việt Nam, Nxb. Tư pháp, tr. 7.

[2] Nguyễn Vinh Hưng (2017), Từ truyền thống thương mại đến việc định hướng các loại hình doanh nghiệp tham gia kinh doanh tại Việt Nam, Tạp chí Quản lý Kinh tế, số 83 (7+8), tr. 74.

[3] Khoản 1 Điều 114 Luật Đất đai năm 2013.

[4] Báo điện tử Tuổi trẻ (2022), Chuyển công an 15 trường hợp kê khai 2 giá chuyển nhượng bất động sản để trốn thuếhttps://tuoitre.vn/chuyen-cong-an-15-truong-hop-ke-khai-2-gia-chuyen-nhuong-bat-dong-san-de-tron-thue-20220712155036792.htm, truy cập ngày: 14/12/2022.

[5] Điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013.

[6] Báo điện tử Tuổi trẻ (2022), Chuyển công an 15 trường hợp kê khai 2 giá chuyển nhượng bất động sản để trốn thuế, tlđd, truy cập 14/12/2022.

[7] Khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[8] Báo điện tử Dân trí (2022), Công an điều tra 2 hồ sơ mua bán đất ở Quy Nhơn nghi trốn thuếhttps://dantri.com.vn/bat-dong-san/cong-an-dieu-tra-2-ho-so-mua-ban-dat-o-quy-nhon-nghi-tron-thue-20221105091830082.htm, truy cập ngày 14/12/2022.

[9] Báo điện tử Vietnamnet (2022), Siết ‘bán nhà 2 giá’: Dân bán lỗ thì sao?https://vietnamnet.vn/siet-ban-nha-2-gia-dan-ban-lo-thi-sao-2077891.html, truy cập ngày: 14/12/2022.

[10] Báo điện tử Chính phủ (2022), Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ 3/1 - 15/3/2023https://baochinhphu.vn/lay-y-kien-nhan-dan-ve-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-tu-3-1-15-3-2023-102221213163605417.htm, truy cập ngày: 15/12/2022.

[11] Báo điện tử Vietnamnet (2022), Siết ‘bán nhà 2 giá’: Dân bán lỗ thì sao?, tlđd, truy cập ngày: 14/12/2022.

[12] Báo điện tử Vnexpress (2022), Đề xuất mua bán nhà đất phải thanh toán qua ngân hànghttps://vnexpress.net/de-xuat-mua-ban-nha-dat-phai-thanh-toan-qua-ngan-hang-4472210.html, ngày truy cập: 15/12/2022.

[13] Báo điện tử Vietnamnet (2022), Siết ‘bán nhà 2 giá’: Dân bán lỗ thì sao?, tlđd, truy cập ngày: 14/12/2022.

[14] Báo điện tử Vnexpress (2022), Hạ thuế chuyển nhượng sẽ giải quyết thực trạng đất hai giáhttps://vnexpress.net/ha-thue-chuyen-nhuong-se-giai-quyet-thuc-trang-dat-hai-gia-4532562.html, truy cập ngày 14/12/2022.

TS. NGUYỄN VINH HƯNG

Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 01+02 (473+474), tháng 1/2023.)