Sửa đổi toàn diện, thận trọng cơ chế, chính sách pháp luật đất đai

Lĩnh vực đất đai 04/09/2020

Tại diễn đàn Quốc hội, liên quan đến vấn đề quản lý tài nguyên đất, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thời gian qua, xuất phát từ 7 vấn đề vướng mắc, khó khăn về đất đai, Chính phủ với sự tham mưu của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình để sửa đổi một số điều của Luật Đất đai; nhưng đến nay hầu hết các chủ trương, vấn đề khó khăn, vướng mắc được tiếp thu và sửa ngay trong Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và có 2 Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết số 60/2018/QH14 liên quan đến vấn đề quản lý đất đai trong lĩnh vực về cổ phần hóa và 10 Nghị định của Chính phủ tổ chức triển khai Luật Đất đai năm 2013.

Về nhu cầu và những vấn đề vướng mắc của một số điều của Luật, về cơ bản đến nay Quốc hội, Chính phủ gần như đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, Chính phủ đã tham mưu, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ban Kinh tế Trung ương sơ kết Nghị quyết số 19-NQ/TW về chủ trương chính sách đất đai cho giai đoạn 2016-2021 đã đưa ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về tổ chức, cơ chế, chính sách pháp luật.

Như vậy, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 36 khẳng định phải tiếp tục nghiên cứu, không chỉ là một số điều nữa mà phải sửa đổi toàn diện cơ chế chính sách pháp luật. Việc sửa đổi liên quan tới rất nhiều đối tượng nên cần phải làm hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, toàn diện từ vấn đề lý luận cho đến vấn đề thực tiễn. Đặc biệt chú ý hơn tới 60% những người đang sử dụng đất. Đây là những người nông dân ở nông thôn và nhiều vấn đề hệ trọng, quan trọng khác cần phải tổng kết cả lý luận và thực tiễn.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chính phủ cũng đã hai lần đưa ra nội dung, phương pháp và Ban Chỉ đạo hiện nay cũng đang tiếp tục thực hiện, vừa đánh giá vừa tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ sáu, khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vừa tiến hành sửa đổi toàn diện về nội dung. Khi có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về chính sách pháp luật đất đai cho giai đoạn 2021-2030 thì Chính phủ sẽ có ngay dự thảo Luật Đất đai để trình Quốc hội.