Tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch của hệ thống văn bản đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản

Lĩnh vực đất đai 03/09/2020

Hệ thống pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản trong thời gian qua từng bước được hoàn thiện, cơ bản triển khai đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại văn bản, văn kiện, nghị quyết… của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân; Nội dung các văn bản phù hợp với Hiến pháp; cơ bản bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật có liên quan, phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn; Các thủ tục hành chính được ban hành đầy đủ các yếu tố cấu thành của thủ tục hành chính theo quy định và luôn được rà soát, cải cách, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, giảm thời gian, hồ sơ và chi phí cho doanh nghiệp và người dân; đã rà soát cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân.

Hiện nay, hệ thống pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường tương đối đầy đủ, các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường có các Luật điều chỉnh gồm: Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Thời gian qua các Luật này đã được tổng kết, đánh giá để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Thời gian qua, cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản đã được tập trung hoàn thiện và có sự đổi mới mạnh mẽ, góp phần đưa trật tự xây dựng dần đi vào nền nếp, nâng cao năng lực hoạt động xây dựng, tạo thị trường minh bạch và môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng... Đặc biệt, Luật Xây dựng năm 2014 (thay thế Luật Xây dựng năm 2003) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có nhiều nội dung đổi mới căn bản, mang tính đột phá trong quản lý đầu tư xây dựng, cụ thể là: (1) Phân biệt rõ các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác thì có phương thức quản lý khác nhau; (2) Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, đặc biệt là việc kiểm soát, quản lý chất lượng và chi phí xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng; (3) Đổi mới mô hình quản lý dự án theo hướng chuyên nghiệp hóa...

Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có nhiều điểm đổi mới và đáp ứng yêu cầu thực tế của hoạt động kinh doanh bất động sản những năm gần đây tại Việt Nam, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thông qua các nội dung: (1) Giảm bớt số lượng thủ tục hành chính và đơn giản về giấy tờ, số lượng hồ sơ; thực hiện lồng ghép các thủ tục giữa các cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm tính liên thông, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi tham gia lĩnh vực về đầu tư kinh doanh bất động sản; (2) Mở rộng phạm vi kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (được Nhà nước giao đất để đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê, thuê mua, bán; được nhận chuyển nhượng dự án bất động sản của chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình để bán, cho thuê, cho thuê mua ...) để thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, giải quyết việc làm, tạo sự tăng trưởng cho nền kinh tế; (3) Bỏ quy định bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn giao dịch bất động sản để tạo quyền chủ động cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh bất động sản và giảm bớt chi phí kinh doanh; (4) Mở rộng đối tượng và nới lỏng điều kiện cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (có các quyền và nghĩa vụ như công dân trong nước); mở rộng đối tượng và nới lỏng điều kiện cho cá nhân, tổ chức nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam (như chỉ cần được phép nhập cảnh vào Việt Nam, không hạn chế về số lượng, loại nhà ở được sở hữu...) để góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh những mặt đạt được nêu trên, một số quy định pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản còn bất cập, thiếu thống nhất, còn có sự chồng chéo và mâu thuẫn. Trong đó, cơ bản là những bất cập, thiếu thống nhất, đồng bộ giữa pháp luật về đất đai với pháp luật về xây dựng, kinh doanh bất động sản, đầu tư,...; giữa pháp luật về bảo vệ môi trường với pháp luật về đầu tư, xây dựng,...

Nguyên nhân có những tồn tại nêu trên là do: Trong quá trình theo dõi, đánh giá tác động của pháp luật, chính sách trong thực tiễn thi hành, việc phát hiện, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật không còn phù hợp còn chưa kịp thời. Chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành còn nhiều điểm chồng lấn, giao thoa. Bên cạnh đó, nguồn lực cho công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật còn hạn chế. Dẫn đến chất lượng văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung.

Về việc xử lý văn bản có quy định chưa thống nhất, đồng bộ, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển, Bộ TN&MT kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, sửa đổi, bổ sung 27 văn bản, gồm: 09 Luật; 11 Nghị định của Chính phủ; 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 05 Thông tư; 01 Thông tư liên tịch. Kiến nghị Chính phủ ban hành văn bản thay thế 01 văn bản, gồm: 01 Nghị định; Kiến nghị Chính phủ ban hành mới 01 Nghị định; Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ 02 Quyết định; Kiến nghị Bộ trưởng bãi bỏ 06 văn bản, gồm: 01 Quyết định; 06 Thông tư; Kiến nghị Bộ trưởng thay thế 01 văn bản gồm 01 Thông tư; Kiến nghị Bộ trưởng ban hành mới 02 văn bản gồm 02 Thông tư.

Trong số các văn bản có nội dung chưa thống nhất, đồng bộ, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp nêu trên, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó, đã dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định còn vướng mắc đã rà soát.

Ngoài ra, còn kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế 32 văn bản khi văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn sắp được ban hành, trong đó, kiến nghị Chính phủ thay thế 10 Nghị định; kiến nghị Bộ trưởng thay thế 21 Thông tư, sửa đổi bổ sung 01 Thông tư thuộc lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra các kiến nghị khác cần lưu tâm là tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập, tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Các giải pháp được đề xuất bao gồm: Thường xuyên thực hiện công tác rà soát, kiểm tra, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, trái pháp luật,... Tăng cường công tác phối hợp trong công tác rà soát, kiểm tra, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm chất lượng, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ rà soát, kiểm tra, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ công chức pháp chế. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành trong công tác rà soát, kiểm tra, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng pháp luật.