6 định hướng quan trọng của lĩnh vực quản lý đất đai trong giai đoạn tới

Lĩnh vực đất đai 17/09/2020

Các định hướng bao gồm: Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai; công tác giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phát triển quỹ đất; đo đạc, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; thanh tra, kiểm tra.

Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai: Tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi trong Luật đất đai để khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị và tiến hành các thủ tục theo quy định để xây dựng dự án Luật bảo đảm chất lượng.

Về thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai: Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, kiểm soát chặt chẽ các quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai trong quá trình xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện liên thông thủ tục hành chính về đất đai với cơ quan thuế; nhân rộng việc thực hiện liên thông thuế, kết nối, trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên và môi trường.

Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất: Tổ chức xây dựng chiến lược sử dụng đất quốc gia (theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 18/9/2019 của Chính phủ); tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Nghị quyết số 67/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ); điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật quy hoạch; xây dựng Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm (2026-2030) theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch Tỉnh.

Chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong công tác giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án theo quy định của Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Công tác đo đạc, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai: Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận đối với diện tích còn lại cần phải cấp giấy chứng nhận lần đầu theo tinh thần của Nghị quyết số 39/2012/QH13 của Quốc hội về việc cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính, trích đo địa chính có tọa độ. Thực hiện kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị số 1474/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình về tình hình thành lập và hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai.

Chỉ đạo các địa phương hoàn thành dứt điểm việc rà soát, đo đạc, cắm mốc giới, giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận cho các công ty nông, lâm nghiệp đối với phần đất giữ lại. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Hoàn thành việc báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các Công ty nông nghiệp, Công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khai thác sử dụng.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đa mục tiêu, hoàn thiện phần mềm quản lý vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai, kết nối liên ngành, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai, thực hiện, đôn đốc, theo dõi và báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung liên thông thủ tục hành chính về đất đai với cơ quan thuế.

Công tác giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phát triển quỹ đất: Hoàn thiện cơ chế và đổi mới mô hình định giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn; đề xuất quy định về kinh tế đất. Tổ chức thực hiện theo dõi, cập nhật biến động giá đất trên thị trường; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất tới từng thửa đất gắn với cơ sở dữ liệu đất đai. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc xây dựng bảng giá đất và xác định giá đất cụ thể tại các địa phương; xây dựng bản đồ giá đất. Tổ chức thẩm tra Khung chính sách, bồi thường hỗ trợ, tái định cư. Chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác đối thoại để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; bảo đảm an sinh cho người có đất bị thu hồi, giảm khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện việc xây dựng bảng giá đất và áp dụng khung giá đất cho giai đoạn 2020 - 2024; tổng hợp báo cáo định kỳ về công tác định giá đất tại các địa phương.

Thực hiện cấp Chứng chỉ định giá đất theo Thông tư số 61/2015/TT-BTNMT ngày 15/12/2015 của Bộ TN&MT quy định về cấp và quản lý Chứng chỉ định giá đất.

Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; việc xác định người sử dụng đất thuộc đối tượng được bồi thường, được hỗ trợ hoặc không được bồi thường, không được hỗ trợ; việc thực hiện quy định của pháp luật về đất đai trong xử lý tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp, chi phí đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; kiểm tra việc thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các tổ chức tư vấn.

Công tác thanh tra, kiểm tra: Tăng cường thanh tra đột xuất để giải quyết tình trạng nhũng nhiễu gây bức xúc trong dư luận; tập trung thanh tra đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ để lãng phí, hoang hóa đất đai, các dự án có nhiều khiếu kiện và công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở từng cấp; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao và các vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ. Chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các Bộ ngành khác và các địa phương trong giải quyết các vụ việc khiếu kiện tồn đọng, kéo dài.