Toàn cảnh phiên họp Quốc hội
Hệ thống chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở đô thị được ban hàng khá đầy đủ, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, tinh thần Hiến pháp 2013, bám sát thực tiễn phát triển của đất nước, các thông lệ quốc tế, hình thành cơ sở pháp lý quan trọng, thúc đẩy khơi thông nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư phát triển các khu đô thị. Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở đô thị đã từng bước đi vào nề nếp.
Theo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”, việc quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất đai đã góp phần định hình cho sự phát triển các đô thị. Bên cạnh đó, công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được các địa phương thực hiện khá tốt. Chính sách tài chính về đất đai đã đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước. Các đô thị phát triển nhanh, mạnh mẽ; diện mạo đô thị thay đổi tích cực rõ rệt, ngày càng hiện đại, hình thành một không gian sống tốt hơn cho người dân; cơ sở hạ tầng cơ bản được đảm bảo, góp phần thúc đẩy accs hoạt động kinh tế-xã hội phát triển sôi động.
Ảnh minh họa
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh cho rằng, kết quả này thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong công tác ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Tuy nhiên, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cũng cho biết, qua giám sát cho thấy hệ thống pháp luật hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Một số quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ; có nội dung chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; công tác quản lý đất đai tại đô thị còn có biểu hiện buông lỏng; việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện cũng gây nên một số hệ lụy cho môi trường sống như đô thị quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông, diện tích cây xanh, công viên giảm…
Qua nghiên cứu các vấn đề đặt ra trong Báo cáo giám sát, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai ở đô thị trong thời gian tới./.